Theo thống kê được ghi nhận trong Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, xuất bản tháng 3.2023, hiện Việt Nam có trên 26.5 triệu tín đồ các tôn giáo(chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhaunhư Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Ðài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’i,...
Trên thực tế, các tôn giáo không chỉ hoạt động riêng lẻ mà còn kết nối, hợp tác với nhau tạo nên mối tương quan, gắn kết và cùng phục vụ xã hội trong nhiều lĩnh vực.
TÔN TRỌNG TỪ NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẤT
Mục sư Trần Thanh Truyện (Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam): Yêu thương nhau chính là điều cốt lõi Chúa dạy. Và tình yêu này dĩ nhiên luôn mở rộng, không có giới hạn chỉ trong đạo của mỗi người. Thực hiện theo lời Chúa không có sự rào trở nào giữa con người các tôn giáo khác nhau. Theo quan điểm của Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm là luôn tạo quan hệ với mọi thành phần trong xã hội, bất kỳ tôn giáo nào. Riêng Cơ đốc Phục Lâm, mỗi lần bầu Đại hội đồng (bầu ban quản trị) hay các ngày lễ quan trọng đều mời đại diện các tôn giáo bạn tham dự. Các chương trình truyền giảng khi được tổ chức cũng sẽ mời các giảng sư trên tinh thần liên tôn. Có những tôn giáo có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những tôn giáo hoàn toàn khác biệt, tuy nhiên điều này sẽ không phải là vấn đề cản trở tinh thần yêu thương, sống chan hòa. Chúa có nói các ngươi không thương anh em ngươi thì sao ngươi thương Đức Chúa trời là đấng ngươi không thấy được. Cho nên cốt lõi để hiểu nhau, để trân trọng nhau vẫn là tinh thần yêu thương. Riêng tôi khi nhận được lời mời tham dự các sự kiện của tôn giáo bạn đều sẽ hiện diện chung vui và chia sẻ. Đến với nhau để hiểu nhau hơn và rồi sẽ đáp lại bằng tấm lòng cởi mở, nhiệt tình. Ở mỗi lần các tôn giáo có dịp gặp gỡ, ngồi lại với nhau, cùng ăn uống, cùng trò chuyện lâu để mọi người thuận tiện hiểu các quy tắc, giáo lý trong đạo mình tôi thấy các vị đều nói trước và mọi người sẽ hiểu rõ hơn. Nói vậy, để nhấn mạnh điều tôi cho là cốt yếu ở tinh thần liên tôn chính là sự tôn trọng và nên bắt đầu từ sự tôn trọng nhau từ việc nhỏ nhất. Chúng ta có những điểm khác nhưng không bao giờ chọn thái độ công kích. Và muốn hiểu nhau hơn lại cần thêm nhiều sự gặp gỡ trong tinh thần nhiệt tình, cởi mở.
DỰNG XÂY NHỮNG NHỊP CẦU
Bà Phan Kim Thoa (Trưởng Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo TPHCM): Trong quá trình hành đạo, chúng tôi vẫn giữ sự giao hảo với các tôn giáo khác. Có nhiều cách thức nhưng chủ yếu nhất là sự gặp gỡ, cùng chia sẻ niềm vui trong những ngày lễ trọng đại của các tôn giáo bạn, cũng như sẻ chia nỗi buồn, khi có biến cố, mất mát. Tại TPHCM, vào ngày lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, chúng tôi thường đến chúc mừng; hay kỳ hội ngộ Liên tôn do Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn tổ chức, chúng tôi thường có đại diện đến tham dự, cùng với ban tổ chức để đóng góp vào chương trình. Đối với Phật giáo, dịp lễ Phật Đản là ngày mà chúng tôi lui tới các cơ sở thờ tự để chia sẻ niềm vui, lòng kính mến Đức Phật. Và tương tự, với các tôn giáo khác, chúng tôi giữ cho mối dây liên kết ấy khắng khít, bền chặt. Là người con của Phật giáo Hòa Hảo, đệ tử của Đức Huỳnh Giáo Chủ, tôi thấm nhuần lời dạy của ngài trong cách dựng xây đời sống. Chúng tôi biết rằng, các tôn giáo hiện diện đều dạy bảo tín đồ những điều thiện hảo, an lành, xa lánh cái ác, cái xấu. Khi tiếp xúc, gần gũi với các tôn giáo bạn, qua các cuộc trao đổi, chúng tôi cảm nhận được nét đẹp của từng đạo trong giáo lý, trong cách mà những người đồng đạo đối xử, tinh thần phấn khởi, bầu khí tôn trọng, cởi mở, khiêm nhường và cầu tiến nơi từng người. Chúng tôi cùng có ước mong mang tới lợi lạc cho cộng đồng. Những ngày lễ quan trọng của Phật giáo Hòa Hảo như dịp 18.5 AL, ngày khai sáng đạo, ngày 25.11 AL sắp tới là Đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ và nhiều dịp khác trong năm, khi tổ chức, chúng tôi cũng được đại diện các tôn giáo khác đến chúc mừng, gặp gỡ, nối kết. Không chỉ thế, còn nhiều sinh hoạt nữa, nếu thuận tiện, các vị đại diện tôn giáo cũng đến dự, chia sẻ. Tôi nhận thấy chính sự qua lại, đáp trả chân tình, thiện chí làm thành chất keo để đan kết những người khác niềm tin lại với nhau, cùng tìm hiểu, đối thoại và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất. Vì chúng tôi hiểu con đường mình đi là dựng xây những nhịp cầu, là nhân ái, yêu thương và phục vụ mọi người.
CÙNG PHỤNG SỰ NHÂN SINH
Thượng tọa Thích Minh Phú (Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tường Nguyên, TPHCM): Trong tinh thần đối thoại liên tôn, chúng tôi không chỉ thăm viếng, chúc mừng tôn giáo bạn trong những dịp lễ Tết thường niên, mà còn cùng chung tay phục vụ nhân sinh, chăm lo cho những nhu cầu bà con cần giúp trong cuộc sống thường nhật. Từ 2016 đến nay, hội Từ thiện chùa Tường Nguyên chúng tôi đã hoàn thiện 500 cây cầu dân sinh ở các tỉnh miền tây. Để hoàn thiện những công trình này, hội được các linh mục và địa phương hỗ trợ, các chư tăng Phật tử TPHCM tài trợ kinh phí trong khi bà con giáo dân, nhân dân địa phương đóng góp công sức. Còn nhớ khi hoàn thiện cây cầu qua sông trước cổng nhà thờ Hiếu Nhơn, xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, ngày lễ khánh thành trở nên đặc biệt khi các linh mục làm lễ cầu nguyện theo nghi thức Công giáo và chúng tôi niệm kinh theo nghi thức nhà Phật. Tuy nghi thức khác nhau nhưng cùng hòa chung trong niềm vui khi hoàn tất công trình hữu ích. Bên cạnh việc xây cầu, vào năm 2020, hội từ thiện chùa Tường Nguyên cũng đã trao tặng gần 20 máy lọc nước công suất lớn cho các nhà thờ ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre giúp bà con có nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt trước tình trạng nước sông rạch bị nhiễm mặn vào mỗi độ mùa khô. Trong nhiều năm qua, hội từ thiện còn cùng với anh em Hòa Hảo xây cầu, làm nhà tình thương, tổ chức chương trình mổ mắt miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Được cùng với các tôn giáo phụng sự nhân sinh, niềm hạnh phúc của chúng tôi là được trở thành cầu nối yêu thương, trao niềm vui đến bà con xa gần.
HỢP TÁC VÌ CỘNG ĐỒNG
Đại đức Thích Đức Nguyên (Chùa Hải Quang, Phan Thiết): Phật giáo Việt Nam thường tham gia vào các hoạt động từ thiện, có sự kết hợp với các tôn giáo khác trong các chương trình cứu trợ, cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người nghèo khó và chung tay vào việc xây dựng trường học, phục vụ bệnh viện, các cơ sở y tế khác để cung cấp dịch vụ cho cộng đồng rộng hơn. Điển hình như các tu sĩ Phật giáo và Công giáo đã tự nguyện trở thành nhân viên phục vụ tuyến đầu phòng chống dịch Covid tại TPHCM cách đây 2 năm. Những tu sĩ Phật giáo cũng thường hiện diện trong các cuộc trò chuyện và hội thảo liên tôn với các đại diện của các tôn giáo khác để thảo luận về các giá trị tôn giáo chung, các vấn đề xã hội và cách thế hợp tác. Kết nối liên tôn cung cấp cơ hội cho mọi người rõ hơn về tôn giáo và tâm linh của người khác. Khi các tôn giáo khác nhau trao đổi ý kiến, sẽ có cơ hội học hỏi về các giá trị, lẽ sống, và tri thức của nhau. Điều này có thể dẫn đến sự sáng tạo và tăng cường gắn kết. Khi các tôn giáo hợp tác, sẽ góp sức chia sẻ các vấn đề xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, bạo lực… Ngoài ra, mỗi tôn giáo thường có những nghệ thuật và sinh hoạt độc đáo, dấu ấn tôn giáo để lại ở nhiều lĩnh vực bao gồm kiến trúc, hội họa, âm nhạc và lễ hội... Khi tiếp cận các tôn giáo khác, còn có thể học hỏi, tìm hiểu những nét đẹp này.
PHÒNG KHÁM LIÊN TÔN
Đạo trưởng Tường Lãng (Quyền Hiệp lý thuộc Hội thánh Minh Lý Đạo - Tam Tông Miếu): Hợp tác với các tôn giáo khác trong lĩnh vực y tế là điều nhiều năm nay chúng tôi thực hiện. Với sự kết hợp của các anh chị em trong Hội Thánh Minh Lý Đạo, Cao Đài, Phật giáo, Công giáo và cả những người không theo tôn giáo, phòng khám liên tôn trong khuôn viên Tam Tông Miếu vẫn ngày ngày chào đón bà con đến thăm khám và điều trị miễn phí. Bắt đầu hoạt động từ ngày 13.8.2011, kể từ khi thành lập đến nay phòng khám đông tây y kết hợp đã thăm khám điều trị cho gần 100.000 lượt bệnh nhân ở TPHCM cũng như một số tỉnh thành. Trung bình mỗi tháng phòng khám phục vụ khoảng 600 lượt người. Với đội ngũ gần 50 người gồm bác sĩ, điều dưỡng, lương y và tình nguyện viên, tất cả mọi người đều không nhận lương nhưng luôn phục vụ, chăm sóc bệnh nhân bằng lòng nhiệt thành, bằng tình yêu thương. Với sự quan tâm đặc biệt, cha P.X Bảo Lộc, Trưởng Ban Đối thoại liên tôn TGP TPHCM thỉnh thoảng vẫn cử người đến làm việc, phục vụ tại phòng khám liên tôn. Mong rằng trong thời gian tới, khi có điều kiện, phòng khám sẽ xây mới, để việc chăm sóc sức khỏe cho bà con xa gần ngày càng tốt hơn.
LIÊN TÔN PHỤC VỤ NHÂN SINH
Đạo sinh Thiên Thành (Hội thánh Thiên Khai Huỳnh Đạo): Thực thi tôn chỉ của Thiên Khai Huỳnh Đạo là “từ bi, bác ái, công bình” nhằm đem lại sự hòa hiệp thân ái giữa đồng bào nhân loại, chúng tôi luôn hoan hỉ giữ gìn mối giao hảo với các tôn giáo bạn. Trong đó, “từ bi” được đặt lên đầu, để nhắc nhở các môn sinh Thiên Khai Huỳnh Đạo về hoạt động thiện nguyện, lấy việc hành thiện, trợ giúp nhân sanh làm trọng. Với tinh thần đó, các vị chức sắc và môn sinh thường xuyên hiện diện trong các dịp lễ lạc, hội ngộ; giữa các đạo hữu, môn sinh cũng có sự tương tác, kết nối, chung tay trong các hoạt động thiện nguyện xã hội phục vụ nhân sinh. Điều này được thể hiện trong cuộc sống thường ngày cũng như trong khi diễn ra đại dịch Covid-19. Khi đó, các anh em Thiên Khai Huỳnh Đạo cùng các anh em tôn giáo bạn không ngần ngại đi vào tâm dịch để cùng hỗ trợ đội ngũ y tế chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Đồng thời, cùng phối hợp với các ban ngành đoàn thể và các cơ sở tôn giáo hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men cho bà con có nhu cầu. Mong sao các tôn giáo ngày càng hiểu nhau hơn, gắn kết hơn trong tinh thần đối thoại và phục vụ nhân sinh hôm nay và trong tương lai.
TƯƠNG QUAN QUA LẠI
Đạo tỉ Đỗ Thị Cúc (Chánh phối sư Giáo hội Cao Đài Việt Nam): Ngụ ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trụ sở của chúng tôi tọa lạc ở giữa hai nhà thờ Công giáo và trong khu vực là nhà chùa Phật giáo uy nghiêm. Sống hòa mình với các anh chị em tín đồ các tôn giáo bạn, chúng tôi cảm thấy vinh dự vì luôn được hiện diện để chung chia niềm vui trong các sự kiện lớn nhỏ như lễ Phục Sinh, Giáng Sinh, chúc Xuân, hoặc khi khánh thành công trình xây dựng… Tương tự, các linh mục, các chư tăng cũng đến với chúng tôi trong những dịp lễ lớn, quan trọng của đạo Cao Đài. Không chỉ thăm viếng nhau, chúng tôi còn cùng chăm lo, trao quà cho các hộ gia đình khó khăn; luân phiên nấu cơm từ thiện phục vụ bà con trong mùa dịch… Được cùng hợp tác, chăm lo cho nhân sinh có lẽ là việc rất ý nghĩa và đáng nhớ.
NIỀM VUI LIÊN TÔN
Chị Lê Thanh Xuân (Tín đồ Baha’i): Được chọn là một trong 4 người dẫn chương trình của chương trình Hội ngộ Liên tôn lần thứ XIII, với tôi là niềm vui đặc biệt trong bầu khí tất cả các tôn giáo đều là anh em với nhau. Tiếp nối niềm vui này, tôi tâm niệm bản thân cần cố gắng nhiều hơn để tiếp tục xây dựng tinh thần ấy trong cuộc sống hằng ngày, trong việc kinh doanh của gia đình, trong mối quan hệ hàng xóm láng giềng với nhau. Trong nhiều năm qua, các anh chị em Công giáo, Phật giáo và Baha’i trong xóm tôi thỉnh thoảng quy tụ trong giờ cầu nguyện chung. Với hình thức tương tự như buổi cầu nguyện trong các chương trình Hội ngộ Liên tôn, tuần tự mỗi người có lời cầu nguyện riêng, nhưng đều quy hướng về sự bình an, ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước… Vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh, Phục Sinh, lễ Phật Đản, chúng tôi lại hiện diện cùng các tôn giáo bạn để nhân lên niềm vui liên tôn sẵn có.
NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện
Bình luận