Thứ Tư, 07 Tháng Mười Hai, 2022 21:30

Tính trí tuệ trong trò chơi dân gian nuôi nấng tâm hồn con trẻ

Ngày nay, trẻ em có rất nhiều lựa chọn vui chơi tùy hoàn cảnh. Đồ chơi trên thị trường là một ngành kinh doanh không nhỏ, công nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em phát triển, có những món phục vụ trẻ vui chơi khá đỉnh: mô hình máy bay, máy bay có điều khiển… Dường như hết thảy cái gì có ngoài đời sống đều được khai thác bằng sự mô phỏng thành đồ chơi trẻ em: tàu thuyền, chú cảnh sát, con trâu… Từ chỗ xa xưa con trẻ tự làm đồ chơi hay sản xuất thủ công, ngày nay đồ chơi đã nhựa hóa, kim loại hóa, sản xuất hàng loạt. Có mức giá cho các món đồ chơi “phổ thông”, song nhiều mã hàng cho con trẻ chỉ ai thiệt nhiều tiền mới có thể chạm đến… Chưa hết, ngày nay trẻ em có không gian mạng với vô vàn phiên bản trò chơi điện tử. Nhưng, những trò chơi dân gian vốn gắn liền bao thế hệ thiếu nhi xứ sở khắp thôn làng từ Bắc chí Nam, dù không còn thịnh như xưa, vẫn để lại giá trị đáng suy nghĩ về tính trí tuệ. Các trò chơi, đồ chơi cho con trẻ đã nuôi nấng, bồi đắp tâm hồn biết bao thế hệ.

Trò chơi trốn tìm - ảnh minh họa

Thử ngẫm về trò “u xùm” (theo cách gọi trong Nam hay còn gọi “oẳn tù tì”): chỉ có mấy thay đổi thôi, bàn tay (cái bao), chiếc kéo, nắm tay (chiếc búa) đã cuốn hút hấp dẫn cánh trẻ con bao đời, chiếc bao “ăn” chiếc búa, nhưng bị kéo cắt (thua), búa “đập” kéo (thắng), đơn giản tưởng chừng không thể đơn giản hơn, song bạn hãy ngắm cánh trẻ con “ghìm” nhau từ ánh mắt, cử chỉ để phán đoán, trong đầu “chốt” quyết định nên chọn kéo hay bao hoặc kéo, một trong ba, cân não gay go chán. Bi nhiều thôi cho một trò, rèn con trẻ tư duy, động não, óc kinh nghiệm, sự phán đoán và quyết đoán. Thiển nghĩ, trò này có chất toán học.

Trò trốn tìm ai đâu cũng thấy chơi, dành cho nhóm. U xùm, trẻ thua nhắm mắt úp vào cột và đếm “năm mười mười lăm…” đủ thời gian cho các bạn tìm chỗ nấp, có quy định chỗ nấp tối thiểu cách cột bao nhiêu để tránh “ăn gian” nhào đến cột quá nhanh. Hết đếm, trẻ rời cột tìm các bạn theo một lối khôn ngoan: không quá xa cột, mắt tinh, tâm thế sẵn sàng tăng tốc. Nhác thấy “đối phương”, trẻ nhanh nhạy xướng tên bạn và chạy vội về chạm vào cột, nếu để “đối phương” chạm trước là bị thua. Trò này ly kỳ bởi mỗi trẻ cắc cớ cố tìm chỗ nấp khó ngờ nhất, có khi khá xa, vừa có chất trí tuệ lại rèn phản ứng, thêm màn tập “việt dã” mướt mồ hôi.

Cờ nhào nếu so với cờ quốc tế hoặc cờ tướng thực đơn giản bởi ít đường kẻ, luật chơi dễ, nhưng chỉ mấy đường đi thôi cũng đủ khiến trẻ em tập trung cao độ để thắng, tầm vóc trí não hợp tuổi các em, lại rất chi chất Việt Nam.

Có thể liệt kê nhiều nhiều trò chơi có tính trí tuệ rõ rệt, trong đấy có nhiều trò đã mai một. Ngoài rèn trí não, các trò luyện sức khỏe, khả năng tương tác nhóm, duy trì tình bạn, lại tăng gắn kết các em nhỏ với môi trường sống, với tự nhiên do các trò diễn ra ngoài trời, gần đồng lúa, bờ ao, con kênh… Những ai thời xì tin từng chơi “đánh giặc” hẳn thấm thía truyện Đinh Bộ Lĩnh tập cờ lau, con trẻ hòa cùng trận mạc như thực, có bày binh bố trận, chỉ huy, hò reo, và… hơi đau đau nữa. Bây giờ nói nhiều về “học kỳ quân đội” khi hè về, thực ra trò “đánh giặc” không kém cuốn hút cánh trẻ con ngày cũ nếu sánh với “học kỳ” ngày nay trong doanh trại.

Các trò chơi ấy ngày nay, vẫn tìm thấy ở thôn quê đó đây, song dường như trước sự phát triển của công nghệ, chúng cũng mai một dần. Nhiều người lớn khi nhớ về tuổi thơ của mình, vẫn hay nói cùng con cháu: “Ngày xưa, ông bà/bố mẹ… vẫn chơi trò đó…”. Con trẻ có đứa biết, đứa không, có đứa thú vị, đứa cũng thờ ơ vì mải chú tâm vào các trò chơi điện tử trên mạng… Thời hiện đại, các đồ chơi, trò chơi mới xuất hiện… song nhiều người thế hệ trước vẫn nhắc nhớ các trò chơi dân gian thú vị của thời mình. Trẻ con xứ mình ngàn đời được nuôi nấng không chỉ qua đồng dao, câu hò, điệu ru của mẹ, còn tắm mình trong các trò chơi giàu cảm xúc, nhiều tính trí tuệ, gần gũi thiên nhiên cùng thôn làng…

 

NGUYỄN THÀNH CÔNG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm