Tình yêu tuổi hoàng hôn

Có lẽ những người yêu nhau đang ở mùa xuân của đời người với những hy vọng và khát vọng cho một tương lai, vẫn cho đó là tình đẹp nhất. Còn với những người đã ở dốc bên kia cuộc đời, tình yêu của họ như thế nào khi đã gặp nhau từ thuở đôi mươi và hôm nay vẫn còn sánh bước bên nhau?…

Nhiều người nói ai cũng thích cái gì mới lạ. Tuy nhiên, có tiếp xúc với những cặp đôi lớn tuổi chung sống bên nhau vì tình yêu, trách nhiệm…, mới biết rất khó ai có thể khiến họ quên đi người bạn đời của mình. Có thể có những người đàn ông có phút giây nào đó “say nắng” nhưng rồi sau đó lại nhận ra, mình không thể nào rời bỏ vợ dù “nàng” đã già với tính khí nhiều lúc... khó ưa. Ðó phải chăng là vì tình yêu bao năm gắn kết, cộng thêm suốt quãng đường dài cùng nhau vượt qua bao khó khăn thiếu thốn trong đời sống hôn nhân? Ðiều này như chất keo kết dính để rồi dù thế nào, mái ấm vẫn là nơi người ta quay về tìm sự bình an, nhất là khi về già.

Đôi vợ chồng già cùng nhau dạo phố trên chiếc xích lô - ảnh: Ngọc Hà

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thu và bà Trần Thị Hằng, cùng tuổi 65 (ngụ Q.3, TPHCM), từng là bạn cùng trường nhưng khác lớp từ thời phổ thông, rồi cùng học lên vào ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, hai người dạy cùng trường rồi lấy nhau, có hai con và hôm nay đã lên chức ông bà ngoại. Không còn vướng bận con cái, cả hai tha hồ sống cho nhau. Buổi sáng, ông bà cùng dậy sớm đi bộ, tập thể dục, xong về nhà cùng xem phim, đọc sách… Tết, ngày hè, cả hai cùng đi du lịch, có khi ra tận nước ngoài. Ông Thu chia sẻ: “Người ta nói tuổi trưởng thành của con người là 50. Tôi thấy rất đúng. Sau khi về hưu, tôi mới thực sự sống cho chúng tôi!”. Rồi ông lý giải thêm, hai vợ chồng vốn rất thích lịch sử, về hưu mới có thời gian đi đây đi đó, cùng nhau đến thăm thú những di tích mà trước đây chưa có dịp đi. Hai năm trước, họ đã cùng làm một chuyến du lịch tới Quảng Châu - Trung Quốc. Bà Hằng thì tâm sự: “Trong suốt mấy chục năm sống chung, cũng không ít lần chúng tôi gây gổ và bị những áp lực kinh tế…Thế nhưng, khi vượt qua tất cả, hai người càng hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn”.

Trong một chuyến ra miền Trung chơi, tình cờ chúng tôi gặp hai vợ chồng già, cũng đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Họ trò chuyện xưng hô đầy yêu thương. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông Phạm Quan Lộc - người chồng cười giải thích: “Chúng tôi lấy nhau từ năm 20 tuổi, giờ con cháu đầy đàn vậy mà vẫn ‘anh anh, em em’, tại sao phải ‘bà bà tôi tôi’? Càng già lại càng cảm thấy yêu thương nhau chứ!”. Chuyến đi khá dài. Khi ngồi trên xe, người vợ ngả đầu vào vai chồng. Khi tôi đưa máy ảnh chụp khoảnh khắc đáng yêu đó, ông Lộc thoáng nhìn đi nơi khác. Tôi vẫn thấy sự đầm ấm trên bờ vai của người chồng già.

Bà Lộc tựa đầu vào vai người bạn đời trên một chuyến hành trình dài - ảnh: Ngọc Hà

Ðừng nghĩ lúc trẻ yêu nhau mới lãng mạn. Tuổi càng lớn họ càng hiểu nhau và phát triển sự lãng mạn theo cách riêng của mình. Bà Phạm Minh Hồng, 70 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) kể, lúc trẻ bà rất thích hoa hồng nên mỗi kỳ sinh nhật đều nhận được những bó hoa của chồng. Trên sân thượng của nhà mình, ông Phạm Văn Sơn - chồng bà - luôn trồng những bụi hoa thật đẹp cho vợ. Ông lại thích bóng đá. Thế là mỗi kỳ World Cup hay Euro, bà luôn chuẩn bị bánh, trái cây và cả cà phê sữa loại ngon để cùng ông và các con cháu vừa ngồi xem bóng đá vừa nhâm nhi. Bà nói trong hạnh phúc: “Lúc còn trẻ, thời chỉ có tivi đen trắng, chồng tôi vẫn thức xem bóng đá. Thuở đó, tôi chỉ làm những cái bánh bông lan và pha thêm bình trà để hai người cùng ăn uống trong lúc coi đá banh. Sau này có con cháu, bữa ăn tối bóng đá ngon hơn và đông người hơn, có vẻ cũng vui hơn…”.

Ở Sài Gòn, một dạo hay ra quận 1, tôi bắt gặp đôi vợ chồng già thường gọi xích lô đạp để đi đây đó hoặc đi dạo buổi sáng sớm. Khi xích lô đạp bình thường không thấy nữa, họ lại đăng ký những lái xe xích lô của công ty du lịch để có những chuyến đi chơi “mini” đầy lãng mạn trong thành phố.

Mỗi năm, ở nhiều xứ đạo lại có những đôi vợ chồng mừng kỷ niệm ngày hôn phối. Trong đó có không ít các cặp đôi mừng Kim khánh, Ngọc khánh. Ðó là những người đã trải qua hành trình hôn nhân bền bỉ với 50 năm, 60 năm. Họ rạng rỡ tay trong tay tiến vào nhà thờ, như tìm lại được bầu khí hạnh phúc của thời son trẻ.

Từng có tình yêu sâu sắc lúc xuân xanh cùng một quá trình sống chung với bao khó khăn, lo toan thử thách, họ đã vượt qua để thấy yêu nhau hơn và trân trọng hạnh phúc bên người bạn đời, để tiếp tục nắm tay nhau đi tiếp chặng đường còn lại của tuổi hoàng hôn.

NGUYỄN NGỌC HÀ

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Nuôi heo đất Mùa Chay
Nuôi heo đất Mùa Chay
Trước tiền sảnh nhà thờ Đồng Tiến, Tổng giáo phận TPHCM, là một tiểu cảnh đồi Golgotha nho nhỏ. Rải rác trên sườn đồi là 12 chú heo đất có ghi tên các khối lớp gồm Chiên con, Rước lễ, Thêm sức, Bao đồng, Vào đời…
Sách về những lần tách nhập đơn vị hành chính
Sách về những lần tách nhập đơn vị hành chính
Bộ sách gần 2.000 trang “Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật
Sáng 26.3.2025, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp cùng Cổng thông tin 1400 tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật” năm 2025 tại TPHCM.
Nuôi heo đất Mùa Chay
Nuôi heo đất Mùa Chay
Trước tiền sảnh nhà thờ Đồng Tiến, Tổng giáo phận TPHCM, là một tiểu cảnh đồi Golgotha nho nhỏ. Rải rác trên sườn đồi là 12 chú heo đất có ghi tên các khối lớp gồm Chiên con, Rước lễ, Thêm sức, Bao đồng, Vào đời…
Sách về những lần tách nhập đơn vị hành chính
Sách về những lần tách nhập đơn vị hành chính
Bộ sách gần 2.000 trang “Thành lập và thay đổi địa danh, địa giới đơn vị hành chính trong lịch sử Việt Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Ân vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật
Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật
Sáng 26.3.2025, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam phối hợp cùng Cổng thông tin 1400 tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ cho trẻ em khuyết tật” năm 2025 tại TPHCM.
Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng ba ngan ngát mùa đào
Tháng Ba về, trong cái nắng gay gắt làm tôi nhớ thiết tha cái bóng mát của gốc đào lộn hột trước nhà, nhớ mùi hương thoang thoảng của trái đào chín rụng dưới gốc và hơn hết là thèm tô canh đào má nấu - món ăn gắn liền...
Ước mơ thực sự  của nàng tiên cá
Ước mơ thực sự của nàng tiên cá
Nhiều người thế hệ 8x-9x đã lớn lên với phiên bản hoạt hình “Nàng tiên cá” của Disney, thành ra tự đóng đinh trong đầu ấn tượng về nàng tiên cá là một nhân vật si tình, vì một hoàng tử mới gặp mà sẵn sàng hy sinh tính mạng.
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Nhớ ngôi thánh đường cũ
Từ ngoài cổng, tôi nhìn nhà thờ cũ hiu quạnh kế bên không một bóng người lui tới như nhìn về ký ức mình, của thế hệ chúng tôi và của những lớp người trước đó, từ khi xứ đạo này hình thành.
Bầu trời kỷ niệm  khi đi lễ cùng gia đình
Bầu trời kỷ niệm khi đi lễ cùng gia đình
“Mùa tím” về, chợt nghe ai đó hỏi “Bao lâu rồi bạn chưa đi lễ cùng gia đình?”, những ký ức xưa cũ, những khoảnh khắc bị lãng quên bây giờ ùa về, để rồi nhìn lại sự ấm áp khi cùng ông bà, cha mẹ... đi lễ.
Lưu giữ lịch sử ký ức nhà đạo
Lưu giữ lịch sử ký ức nhà đạo
Dọc ngang nhiều xóm đạo, ghé vào các nhà thờ, nhà dòng, nếu để ý sẽ bắt gặp ít nhiều những căn phòng quy mô lớn nhỏ khác nhau được đặt tên là nhà/phòng truyền thống.
Yêu mến Thánh Cả
Yêu mến Thánh Cả
Ngay giữa trung tâm Sài Gòn nhộn nhịp, có một ngôi đền kính thánh Giuse, mà ngày ngày tín hữu từ khắp muôn nơi tìm đến dâng lời nguyện cầu.