Mấy ngày qua, mạng xã hội liên tiếp có những phen dậy sóng, với đủ loại dư luận : từ việc đón đoàn cầu thủ trên máy bay từ Trung Quốc, trên xe diễu hành ở Hà Nội, đến chuyện công khai tên tuổi người vi phạm hành chánh đâu tận ngoài đảo Phú Quốc…
Đầu tiên là ồn ào việc mấy cô gái được thuê mặc bikini trên chuyến bay chở các tuyển thủ U23 có những cử chỉ (được cho là) chưa phù hợp, dù có thể nằm trong kịch bản của họ; và một “ông giáo” nguyên là quan chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, trong một ngày cao hứng đã lên cùng xe diễu hành vinh danh cầu thủ, đứng ở vị trí (lại được coi là) đẹp của chiếc xe.
Phê bình nào nghe cũng hợp lý; góp ý nào thấy tưởng cũng rất cần; phần đông các “giáo huấn” đều có vẻ như là chuẩn mực đạo đức nền tảng cần được dựa vào để soi rọi, đối chiếu. Rồi nữa, rất nhiều các giải pháp, hướng dẫn được đưa ra; muôn trùng những đánh giá, lượng “hình”, lượng “tội”…, như trước mặt đang có những bị cáo lớn.
Nói chung là, nếu tập trung lại hết và in ra, không chừng các ý kiến dày ngang một bộ tự điển bách khoa toàn thư.
Tuy nhiên, người tham gia “luận tội”, “nghị án” hay đơn giản chỉ “chém gió” lại quên mất một điều, mà Đức Phanxicô vẫn thường cảnh báo : “Tôi là ai mà có quyền kết án kẻ khác ?”.
Có khi nào những “quan tòa” này chậm tay trên bàn phím một chút để nghĩ lùi lại, đó là với những lời sỉ vả, thậm chí chửi bới theo kiểu đám đông của mình, các cô người mẫu ngày mai làm sao nhìn mặt bè bạn, anh em, gia đình… ? Rồi họ sẽ sống sao đây với nghề của mình, vốn đơn thuần như bao nghề khác và chẳng có tội tình gì ?
Ở trường hợp vị phó giáo sư nọ, nói thiệt, dù cách ông thể hiện hơi chướng, chọn lựa của ông (leo lên xe đi cùng cầu thủ) hơi dại, nhưng suy cho cùng, nói theo kiểu của các cụ mình xưa : “Cũng chẳng chết thằng Tây nào…”. Vậy thì, có đến mức phải náo loạn “ném đá”, thậm chí là “ném mắm” vào người ta, không cần biết ông ấy còn vợ con, đồng nghiệp, học trò bao thế hệ… - những người không làm gì nhưng phải đau lòng theo người thân, người quen, người thầy của mình, trong một câu chuyện “chẳng chết thằng Tây nào…” ?
Ở một diễn biến khác, là sự vụ cơ quan công quyền của thị trấn Dương Đông thuộc Phú Quốc bắt những người mua - bán dâm chường mặt ra phố và đọc rõ tên, tuổi, quê quán của từng người. Đây là một hình thức làm nhục và bịt đường về của những người mà vi phạm của họ mới dừng lại ở mức xử lý hành chánh. Họ có thể bị sang chấn tâm lý, tan vỡ hạnh phúc gia đình, con cái xấu hổ, mặc cảm, bị người đời dè bỉu…
Cái giá quá đắt và không nên để họ và những người xung quanh họ phải nhận.
Chỉ từ những suy nghĩ chưa sâu, những cao hứng nhất thời trên internet, hay những cách xử lý cứng nhắc…, chúng ta đã vô tình gây ra các hậu quả khôn lường, tạo nên đau khổ cho bao người.
Tôi là ai mà có quyền làm điều đó… ?
Công giáo và Dân tộc
Bình luận