Các nhà khoa học vừa hóa giải bí ẩn gây tranh cãi lâu nay về vấn đề thay đổi khí hậu, từ đó cho phép xác nhận một thực tế khó chối cãi: Trái đất đang trong giai đoạn nóng nhất suốt nhiều thế kỷ.
Trái đất đang nóng hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 12.000 năm trở lại đây, thậm chí còn nóng nhất trong vòng 128.000 năm qua, theo dữ liệu về nhiệt độ toàn cầu thường niên được công bố trên chuyên san Nature.
![]() |
Xác nhận vai trò của khí thải
Bí ẩn được đề cập ở đây chính là “câu hỏi hóc búa về nhiệt độ của Thế Holocene”. Theo đó, các nhà khoa học liên tục tranh luận về cách thức nhiệt độ thay đổi trong Thế Holocene (Thế Toàn Tân) - giai đoạn địa chất mô tả lịch sử 11.700 năm trở lại đây của Ðịa cầu. Trước đó, một số giả thuyết cho rằng nhiệt độ trung bình trong Thế Holocene đã tăng lên mức đỉnh điểm vào khoảng 6.000 đến 10.000 năm trước, và sau thời gian này, Ðịa cầu đã nguội đi. Tuy nhiên, các mô hình khí hậu mới đây đã phản ảnh điều ngược lại. Nhiệt độ toàn cầu trên thực tế đang gia tăng trong suốt 12.000 năm qua, với sự tiếp tay của các yếu tố như khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tình trạng thay đổi khí hậu.
Tác giả báo cáo, bà Samantha Bova, nghiên cứu sinh bậc sau tiến sĩ tại Ðại học Rutgers (Mỹ), cho thấy những mô hình dự báo khí hậu hiện tại đang đi đúng hướng. Kết quả nghiên cứu đã bác bỏ “bất kỳ hoài nghi nào về vai trò then chốt của khí CO2 (carbon dioxide) đối với tình trạng ấm lên toàn cầu, và xác nhận mô hình khí hậu cho thấy nhiệt độ trung bình mỗi năm của Trái đất đang tăng lên, thay vì nguội đi, trong Thế Holocene”, theo bà Bova . Ðặc biệt, đội ngũ nghiên cứu cũng phát hiện “tình trạng nguội đi vào cuối Thế Holocene theo như một số lập luận lâu nay chỉ là một dạng tín hiệu theo mùa”, chứ không phản ảnh toàn bộ những gì đã diễn ra.
Ðể rút ra kết luận trên, các nhà khoa học phân tích các dữ liệu nhiệt độ bề mặt ở biển, dựa trên thông tin về các hóa thạch của trùng lỗ (các sinh vật đơn bào sống trên mặt biển) và những chỉ số sinh học khác đến từ tảo biển. Ðây là cách tiếp cận cho phép họ tái tạo diễn biến nhiệt độ xuyên suốt lịch sử. Với dữ liệu này, “chúng tôi phát hiện sự tăng nhiệt trong giai đoạn hậu công nghiệp hóa đã khởi đầu từ mức nóng nhất so với 12.000 năm trước đó”, theo nữ chuyên gia. Ðiều này có nghĩa là nhiệt độ toàn cầu của Trái đất đã vượt qua ranh giới chưa từng quan sát được trong ít nhất 12.000 năm trước, hoặc cũng có thể là trong vòng 128.000 năm qua.
![]() |
“Theo số liệu mới của các cơ quan Mỹ là NASA/NOAA, năm 2020 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, kết quả mà chúng tôi thu được cho thấy năm 2020 vì thế cũng là năm nóng nhất trong 12.000 năm, và không loại trừ khả năng nóng nhất trong vòng 128.000 năm”, theo tác giả báo cáo.
Tiếp cận “điểm bùng phát”
Trong một báo cáo liên quan đăng trên chuyên san Science Advances, do đội ngũ chuyên gia của Ðại học Bắc Arizona (Mỹ) thực hiện, Trái đất đang cận kề “điểm bùng phát”. Theo đó, năng lực của hành tinh về vấn đề hấp thu 1/3 số lượng khí thải do con người tạo ra nhiều khả năng sẽ giảm 50% vào năm 2050.
Ai cũng biết thực vật giúp Trái đất “giải nhiệt” thông qua quang hợp, quy trình hấp thu CO2 và trả lại dưỡng khí cho bầu khí quyển, giúp hành tinh của chúng ta “thở”. Trong vòng vài thập niên qua, sinh quyển của Trái đất hấp thu nhiều CO2 hơn so với mức thải ra, nhưng xu hướng này đang chậm dần và có nguy cơ đảo ngược, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu Ðại học Bắc Arizona. Trong khoảng nhiệt độ từ 16,89 đến 18oC, tùy theo quần xã sinh vật, lượng CO2 mà một thân cây có thể xử lý đang thấp dần, và “điểm bùng phát” đang lộ rõ. Do tình trạng ấm lên toàn cầu khiến nhiệt độ trung bình gia tăng, hành tinh của chúng ta “đang ngày càng tăng nhiệt”, theo cảnh báo của tác giả - tiến sĩ Katharyn Duffy. Tình trạng này theo thời gian sẽ biến một số bồn chứa CO2 thành nguồn phát ra khí thải, và đẩy nhanh quá trình thay đổi khí hậu trên toàn cầu.
![]() |
Các nhà nghiên cứu phát hiện, vào thời điểm hiện tại, chưa đến 10% sinh quyển trên Trái đất trải qua tình trạng nhiệt độ vượt quá năng lực quang hợp. Tuy nhiên, nếu tốc độ phát thải không thay đổi như xu hướng hiện nay, số diện tích sinh quyển bị vô hiệu hóa sẽ tăng đến 50% vào năm 2050. Và một số quần xã sinh học giàu CO2 nhất trên thế giới, bao gồm các rừng mưa nhiệt đới ở Amazon và Ðông Nam Á, cũng như rừng Taiga ở Nga và Canada, sẽ nằm trong danh sách những khu vực đầu tiên rơi vào “điểm bùng phát”.
Tiến sĩ Duffy so sánh, cũng giống như cơ thể người, mỗi quy trình sinh học đều cần một ngưỡng nhiệt độ để hoạt động bình thường. “Vì thế chúng tôi muốn nhắc nhở các bạn: Ðâu là ngưỡng của thực vật?”, tác giả bài báo cáo kết luận.
ÐỊNH NGUYỄN
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.