Thứ Ba, 13 Tháng Bảy, 2021 14:30

Trải nghiệm khó quên trong chiến dịch tiêm chủng

 

TPHCM đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 qui mô lớn, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hàng ngàn y bác sĩ đến từ các đơn vị y tế trong và ngoài công lập được huy động để tham gia, và đã dốc toàn bộ sức lực giúp người dân sớm được chủng ngừa.

 

Chiến dịch tiêm vắc xin đợt 4 tại TPHCM được khởi động từ ngày 19.6.2021, triển khai tiêm chính thức từ trưa 21.6.2021 đến hết ngày 30.6.2021.

 

Mỗi đội tiêm gồm ít nhất 5 nhân viên có trình độ chuyên môn

 

ÐỒNG LÒNG CHỐNG DỊCH

Lực lượng y tế tham gia tiêm chủng được phân thành 1.000 đội tiêm. Mỗi đội gồm ít nhất 5 nhân viên có trình độ chuyên môn: một bác sĩ khám sàng lọc, hai nhân sự tiêm, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xứ lý phản ứng sau tiêm. Nhiều thành viên trong một đội tiêm đến từ các cơ sơ y tế khác nhau, nhưng tất cả đều đồng lòng, cùng một mục đích, một chí hướng là hoàn thành thật tốt chiến dịch tiêm vắc xin lần này để dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Bác sĩ Nguyễn Duy Lâm, khoa Ung Bướu, bệnh viện Ða Khoa Hồng Ðức III (Gò Vấp, TPHCM) đã trực tiếp tham gia công tác tiêm chủng ở Khu Công nghiệp Cơ khí Ôtô Củ Chi và Khu Công nghiệp Tân Tạo cho biết: “Các nhân viên y tế đều được tập huấn an toàn tiêm chủng trước khi bắt đầu chiến dịch, để nắm rõ quy trình làm việc, đảm bảo công tác tiêm vắc xin được an toàn và hiệu quả. Ở mỗi điểm tiêm đều có quy trình, mỗi nhân sự phụ trách các khâu khác nhau. Tôi làm ở khâu khám sàng lọc nhưng cũng cần phải biết những đồng nghiệp ở khâu khác để phối hợp, hỗ trợ cho nhịp nhàng, đảm bảo đúng tiến độ tiêm chủng”.

Các đối tượng đến tiêm chủng đều được hướng dẫn, trải qua các quy trình: khai báo y tế, nộp tờ khai thông tin tại bàn nhập liệu rồi đến bàn khám sàng lọc. Bác sĩ sẽ đo huyết áp, nhịp tim, thăm hỏi tiêu sử bệnh nền; nếu sức khỏe đạt tiêu chuẩn thì di chuyển qua bàn tiêm; sau đó, đến khu vực sau tiêm để bác sĩ hướng dẫn theo dõi phản ứng của cơ thể, dặn dò những điều cần lưu ý và ở lại 30 phút để theo dõi phản ứng thuốc.

Khâu khám sàng lọc, phân loại các đối tượng tượng tiêm chủng rất quan trọng, và có được tiêm hay không đều phải thông qua khâu này. Có nhiều công nhân sức khỏe đảm bảo, được tiêm thì rất mừng; nhưng cũng có người chống chỉ định không thể tiêm hoặc tạm trì hoãn tiêm.

Với đối tượng phải trì hoãn tiêm hoặc không được tiêm, bác sĩ Lâm giải thích: “Ða phần đều bị huyết áp cao, mạch nhanh, đo lại nhiều lần cũng không ổn định thì phải chuyển tới bệnh viện tiêm để an toàn hơn. Nhiều trường hợp có bệnh lý đặc biệt, ‘khó nói’ nên ngại, giấu, mình phải kiên nhẫn hỏi và tư vấn, trấn an để họ yên tâm. Cũng có nhiều trường hợp muốn tiêm mà sức khỏe không đảm bảo nên không tiêm được. Họ ra về mặt buồn xo, còn lòng mình thì nặng trĩu”.

Công nhân được ưu tiên tiêm vắc xin trong chiến dịch tiêm chủng lần này

 

LÀM VIỆC KHÔNG NGƠI NGHỈ

Chiến dịch tiêm vắc xin đợt 4 tại TPHCM có quy mô lớn, tốc độ làm việc nhanh, số lượng người đến tiêm đông khiến các y bác sĩ phải làm việc cật lực, luôn tay luôn chân. Cực nhưng ý nghĩa. Ðó là cảm nghiệm của bác sĩ Trần Phú Minh Châu, chuyên ngành gây mê, bệnh viện Ða Khoa Hồng Ðức III. Anh cùng với đồng nghiệp của mình là bác sĩ Lâm vừa hoàn thành đợt tình nguyện tham gia chiến dịch tiêm vắc xin trong 5 ngày (từ 21.6 - 25.6) cũng tại KCN Cơ khí Ôtô Củ Chi và KCN Tân Tạo: “Mặc dù biết đi sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao, khối lượng công việc dồn dập nhưng mình còn trẻ, muốn đóng góp một chút sức lực cho chiến dịch lần này. Toàn bộ lực lượng phòng chống dịch ai cũng cực chứ không riêng mình. Người dân cũng sống trong tâm lý thấp thỏm lo âu nên mình mong góp sức chung tay cùng với đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ, để công tác phòng chống dịch sớm đạt hiệu quả. Ðây cũng là dịp để mình học hỏi, tích lũy được nhiều trải nghiệm khó quên trong nghề”.

Ban đầu, bác sĩ Châu được phân công nhiệm vụ ở khu vực xử lý sau tiêm; sau đó chuyển qua bộ phận khám sàng lọc trước tiêm. Ðợt dịch lần này, nhiều ổ dịch được phát hiện trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi có hàng ngàn công nhân. Ðời sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề sau khi công ty bị phỏng tỏa, đóng cửa. Công nhân không lao động được thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất. Vì thế trong đợt tiêm lần này, họ cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Nhận nhiệm vụ ở điểm tiêm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, mỗi ngày tiếp xúc với hàng ngàn công nhân, nguy cơ lây nhiễm cao, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kỹ càng suốt thời gian làm việc. Trong tiết trời mùa hè ở Sài Gòn nóng bức thế này, thì việc trùm kín mít từ đầu tới chân quả là không dễ chịu chút nào. “Cảm giác nóng nực, mồ hôi túa ra liên tục, chưa quen còn cảm thấy ngộp; nhưng vẫn phải mặc để giữ an toàn cho bản thân và người khác mà yên tâm làm việc”, bác sĩ Châu bày tỏ.

  Tuy có một vài bất cập do lần đầu tổ chức một chiến dịch tiêm chủng qui mô lớn nhưng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của TPHCM đã kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, đảm bảo mục tiêu tiêm chủng. Ðến hết ngày 30.6, qua chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần 4 tại TPHCM, 838.802 người đã được tiêm.

Vì dịch bệnh lây lan nhanh, số ca nhiễm không ngừng tăng nên chiến dịch tiêm chủng vắc xin qui mô lớn của TPHCM phải chuẩn bị gấp rút. Trong thời gian ngắn, khâu tổ chức chưa kịp hoàn thiện nên những ngày đầu triển khai vấp phải một số khó khăn, vướng mắc. Bác sĩ Lâm cho biết: “Khâu vận hành trong hai ngày đầu còn nhiều bất cập, bị động trong việc sắp xếp công nhân và tổ chức tiêm nên mấy ngày này không tiêm được nhiều. Các anh chị công nhân đến tiêm có đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn. Tuy nhiên, vì số lượng quá đông nên nguyên tắc đứng cách 2m đôi khi vẫn chưa được đảm bảo. Ðến ngày thứ ba thì mọi thứ dần ổn định, quy củ. Công nhân được hẹn đến theo giờ nên giảm tải số lượng, không dồn ứ một lúc quá nhiều. Nhờ đó, các nhân viên y tế làm việc kịp tiến độ”.

Trong chiến lược phòng chống dịch thì ba công việc lấy mẫu, cách ly, tiêm vắc xin tạo thành một chiếc “kiềng ba chân” giúp cho dịch mau được khống chế, không bị lây lan nhanh. Trong đó, người được tiêm vắc xin giống như mặc một chiếc áo giáp giúp ngăn ngừa Covid-19 tiến triển nặng. Lợi ích mà vắc xin mang lại là điều không phải bàn cãi. 

 

NGỌC LAN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm