Dư luận cả nước đang quan tâm việc thành phố Hà Nội cấm người dân và du khách đến phố cà phê đường tàu để tham quan, chụp ảnh vì lo ngại vấn đề an toàn giao thông đường sắt. Ða số người dân đều ủng hộ, nhưng vẫn có những ý kiến trái chiều, nhất là từ chính người dân sinh sống ngay hai bên đường tàu đang có nguồn thu bằng việc bán cà phê cho khách chờ tàu đi qua để chụp ảnh.
![]() |
Phố cà phê đường ray Phùng Hưng - Hà Nội |
Thực ra, đoạn đường sắt đi qua phố Phùng Hưng - Hà Nội đã có từ rất lâu và ngành đường sắt bố trí cho cán bộ, nhân viên làm trong ngành đường sắt ở hai bên đường tàu với hành lang an toàn theo quy định mỗi bên 5m. Khu dân cư này vốn không có tiềm năng về thương mại vì khá chật chội và đường tàu đi ngay trước nhà. Quận Hoàn Kiếm cho biết, đoạn đường khoảng 200m này trước đây chỉ có 3 quán cà phê, nhưng từ gần một năm nay thì hàng loạt quán được mở ra theo kiểu nhà nhà bán cà phê, người người pha cà phê. Phố đường sắt Phùng Hưng bỗng dưng nổi tiếng và được nhiều người tìm đến khi có những bạn trẻ chụp được những tấm ảnh lạ và độc tại con phố đường tàu này, và những bức ảnh đó đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội khiến nhiều người muốn đến đây một lần cho biết, hay phải đến để chụp được những tấm hình tương tự. Từ đó phố đường tàu Phùng Hưng trở thành nơi “cho facebook ăn”.
Cách đây gần 3 năm, ở Ðà Lạt rộ lên làn sóng giới trẻ cả nước đua nhau tìm đến “Tuyệt tình cốc’’ nằm sâu trong rừng, thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, cách Ðà Lạt gần 40 cây số. Hồ nước này vốn dĩ là một mỏ đá đã qua khai thác và hiện có những mạch nước ngầm chảy vào những vùng trũng với dòng nước trong xanh màu ngọc bích bên khung cảnh thơ mộng, nên được ví là “Tuyệt tình cốc”. Ðiểm chụp ảnh này cũng bỗng nhiên nổi tiếng từ những tấm ảnh được khoe lên facebook và nó càng trở nên nổi tiếng hơn khi có vài người mẫu tìm đến đây để thực hiện những bộ ảnh dạng khỏa thân. Từ chỗ hẻo lánh, chỉ những người đam mê thám hiểm mới thi thoảng đến, “Tuyệt tình cốc” Ðà Lạt phút chốc trở nên nhộn nhịp, một số người dân nhanh chóng đầu tư xe chuyên dụng dạng 2 cầu, chuyên đi đường rừng để đưa khách đến; rồi dịch vụ thuyền, cầu bắc qua hồ và nhiều tiểu cảnh khác phục vụ sống ảo của giới trẻ cũng được người dân địa phương nhanh chóng đáp ứng.
Cũng tương tự như đường tàu ở phố Phùng Hưng Hà Nội, “Tuyệt tình cốc” Ðà Lạt cũng bị chính quyền cấm tham quan vì nguy hiểm, hồ nước tuy trong xanh rất đẹp nhưng gồ ghề và độ sâu tới 7 mét, xung quanh là những vách đá dựng đứng, không ai đảm bảo vấn đề an toàn cho khách tham quan vì điểm đến này hoàn toàn tự phát, không có đơn vị nào đứng ra quản lý. Lệnh cấm cũng nới lỏng theo thời gian vì không thể cắt cử người canh gác liên tục trong rừng sâu. Và rồi lượng người đến cũng thưa dần.
Người trẻ hay tìm đến những góc sống ảo theo kiểu trào lưu để thể hiện bản thân bằng việc chứng tỏ sự sành điệu. Bất cứ một sự quan tâm nào theo cách này đều nhất thời vì sẽ đến khi hết sự tò mò, hiếu kỳ…, nhất là lúc đã quá nhiều người biết hay được đến đó thì nó trở nên nhàm, hết “hot” và hết “mốt”, do nó không có một giá trị văn hóa nào để có lý do trường tồn.
QUỐC DŨNG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.