Thứ Tư, 30 Tháng Mười Hai, 2020 15:52

Trao nhau lời chúc mùa Giáng sinh

 

Giáng Sinh từ nhiều năm trước, người ta thường tặng nhau những tấm thiệp tự làm hoặc mua trong nhà sách, các quầy thiệp trước những nhà thờ... Những tấm thiệp rắc kim tuyến lấp lánh, hình vẽ sắc nét cô gái bên ngôi thánh đường…từng là lựa chọn của bao bạn trẻ nhiều thế hệ. Rồi công nghệ lên ngôi, những câu chúc qua tin nhắn điện thoại di động, zalo, facebook, email... cùng những tấm thiệp được vẽ bằng vi tính, những đoạn phim hoạt hình Giáng Sinh ngắn kèm tiếng nhạc du dương… đã thành mốt thời thượng của bạn trẻ… Và hôm nay, hình như một trào lưu làm thiệp Giáng Sinh tặng nhau đang trở lại...

 

Những lời chúc bằng công nghệ qua dòng thời gian

Thập niên đầu thế kỷ 21, hình như mọi người, nhất là giới trẻ, rất vui khi nhận lời chúc từ Yahoo Messenger và thư điện tử (email). Sau đó vài năm là những tấm thiệp được vẽ trên vi tính làm cho người nhận thích thú với cảm xúc mình bắt kịp thời đại số. Ông Nguyễn Minh Hoàng, 45 tuổi (ngụ Q.3, TPHCM) ngồi nhớ lại: “Thời đó, các tiệm net mọc như nấm sau mưa. Ai biết sử dụng vi tính xem như thuộc hàng “văn minh tiến bộ”. Và những ngày lễ, đặc biệt Giáng Sinh, tôi rất vui nhận được lời chúc từ Yahoo Messenger và mình cũng gởi lời chúc cho bạn bè. Tôi hãnh diện nói với những người chưa biết mạng là gì: Xin lỗi nha, mình không còn sử dụng tem thư nữa. Mình quen lên mạng gởi lời chúc rồi!...”.

Vài năm sau đó, chiếc điện thoại di động là hàng xa xỉ, ai nhận được lời chúc từ tin nhắn di động được xem “tầng lớp khác” rồi. Chị Phạm Nguyệt Nga - 40 tuổi kể, lúc đó chị rất hãnh diện vì bố mình có chiếc di động. Thế là chị xin số điện thoại của bố rồi gởi cho bạn bè. Bạn bè cũng nhờ điện thoại di động của người lớn gởi lời chúc Giáng Sinh. “Ðược bố cho thả tay trên phím di động, cảm giác thật tuyệt vời!”, chị Nga hồi tưởng.

Bên cạnh gởi tin nhắn qua các hình thức trên, các bạn trẻ còn nhờ tổng đài điện thoại gởi lời chúc và bản nhạc Giáng Sinh đến người mình thích. Bà Nguyễn Thanh Hà, 64 tuổi (Q.1, TPHCM) - một giáo viên đã về hưu, chia sẻ kỷ niệm ngày cũ: “Tôi dạy tại một Trung tâm ngoại ngữ thuộc quận 1. Trong lớp nhiều học sinh con nhà khá giả. Thuở đó điện thoại di động rất hiếm. Và đêm 24.12, tôi nghe điện thoại bàn reo, kế đó là lời cô điện thoại viên nói tên em học sinh của tôi ở trung tâm muốn nhờ tổng đài chuyển lời chúc Giáng Sinh và tặng tôi bản nhạc Silent Night quen thuộc. Không thể tưởng tượng là tôi hạnh phúc đến dường nào trong đêm Giáng Sinh dù chỉ một mình trong căn nhà thênh thang khi các cháu đều đi chơi Giáng Sinh...”.

Không biết hôm nay có ai còn gởi lời chúc và bản nhạc thông qua tổng đài điện thoại chăng, chỉ thấy điện thoại bàn ngày càng hiếm dù không ai phủ nhận cách gởi lời chúc và kèm tặng một bản nhạc theo loại hình này thật thú vị vì mang cho người nhận một bất ngờ dễ thương.

Cuối thập niên đầu tiên thế kỷ 21, người Việt bắt đầu làm quen với mạng xã hội facebook và lại biết đến cách thức chúc Giáng Sinh bằng một đoạn phim hoạt hình cùng với bản nhạc Giáng Sinh ngắn (vẫn quen gọi là clip). Thầy giáo Lê Bắc Sơn, 50 tuổi (huyện Bình Chánh, TPHCM) kể, mình tập tễnh chơi facebook và kết bạn với học trò. Mùa Giáng Sinh, thầy nhận được những clip hoạt hình rất dễ thương như ông già Noel cưỡi tuần lộc trong tiếng nhạc Jingle Bells, hay cảnh một căn nhà lấp lánh đèn, hoặc cây thông Noel đầy màu sắc với bản nhạc Silent Night… Thầy Sơn rất thích, cứ bấm cho clip chạy đi chạy lại hoài.

Sang thập niên thứ 2 có zalo. Khỏi nói cũng biết “mùa” nào zalo cũng có sẵn những cánh thiệp, những lời chúc lung linh, tha hồ cho các thành viên chọn lựa. Tiếng nhạc, lời chúc sinh động mang lại sự thú vị cho người nhận. Và người ta lại chọn để gởi cho bạn bè khác...

Thiêp tự làm vẫn gợi cảm xúc?

Cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, có một xu hướng tặng nhau thiệp Giáng Sinh, đặc biệt là những cánh thiệp tự làm. Sự thay đổi này có lẽ xuất phát từ suy nghĩ những lời chúc qua điện thoại di động, qua facebook... lâu dần, đâm chán vì nội dung cũng chỉ vậy: máy móc, vô cảm... Ngay cả thiệp ảo được vẽ qua vi tính rồi chuyển sang email hay facebook, người nhận cũng cảm thấy bình thường. Tại sao? Chắc vì thiệp đều thường giống nhau. Anh Nguyễn Văn Minh Anh, 30 tuổi, nhân viên một công ty tại TPHCM nói về trải nghiệm của mình: “Trước Giáng Sinh mấy ngày, tôi thường ngồi một tiếng gởi lời chúc có sẵn từ zalo hoặc vẽ một thiệp gởi ào ạt những ai trong danh sách bạn… Tự dưng thấy giống như mình làm một dịch vụ, không chút cảm xúc. Rồi ở vị trí người nhận, tôi cũng không thấy xúc cảm khi nhận lại lời chúc mình vừa gởi cho những người thân quen vì nó có vẻ máy móc...”.

Thế rồi rải rác tại một số trung tâm văn hóa, người ta tổ chức thi tự làm thiệp tặng nhau hay cũng có nơi dạy làm thiệp thủ công. Nhiều người ở nhà tự mua keo, giấy, vật dụng trang trí…làm thiệp tặng người đặc biệt. Như trường hợp cô Nguyễn Thị Thu Tâm, 27 tuổi (Q.3) là giáo viên mầm non, quen công việc thủ công nên đã tỉ mẩn làm những tấm thiệp Giáng Sinh cho người yêu và cả bạn bè. Với cô giáo trẻ này thì: “Thiệp tự làm mình có thể bày tỏ tình cảm và sự tinh nghịch trong đó. Thí dụ tôi có người bạn rất thích mèo, tôi vẽ con mèo nằm bên cây Giáng Sinh và tặng bạn. Và bản thân mình cũng rất bất ngờ khi được tặng tấm thiệp có con chuột leo lên cây Giáng Sinh trộm kẹo từ một người bạn, bạn ấy biết tôi sợ chuột! Thật thú vị! Bên cạnh những hình ảnh dí dỏm còn là công sức và thời gian người tặng ngồi tỉ mỉ cắt cắt, dán dán để gởi đến người thân quen tấm thiệp mình ưng ý với cả tấm lòng”.

Không phải tấm thiệp nào cũng đẹp. Nhiều tấm nói lên vụng về của người làm, vậy mà vẫn mang lại niềm vui cho người được tặng. Chị Hoàng Yến (Q.10, TPHCM) vui vẻ kể, trước Giáng Sinh một tuần, chị đi công việc, về nhà thấy tờ giấy báo của bưu điện đề nghị đến nhận bưu phẩm. Chị chẳng biết ai gởi gì cho mình. Bởi khi người bưu tá giao hàng đến không có người nhận mà là hàng bảo đảm nên bắt buộc chị phải đi. Ðến nơi mới biết 4 bưu phẩm là 4 tấm thiệp của mấy người bạn trẻ gởi tặng. Chị lẩm bẩm “sao họ rảnh vậy trời, chỉ cần nhắn tin chúc thôi là đủ”... Thế nhưng khi về nhà, mở bao thư với 4 tấm thiệp làm bằng tay khá vụng về. Chị trầm giọng: “Tôi thấy sự thân tình và nhiệt thành trong đó. Một cảm xúc rất khó nói bằng lời!”.

Như vậy, tấm thiệp thủ công gởi qua bưu điện vẫn có giá trị hơn? Chúng tôi đi vòng những trường đại học, nhà văn hóa..., nhận ra số lượng người thích thiệp tự làm khá đông, nhưng đâu đó vẫn còn có suy nghĩ “Thời đại công nghệ số ai mà gởi thư nữa, cũng như ai tỉ mẩn ngồi làm thiệp nữa, chỉ cần gởi những thiệp ảo qua mạng là xong, thì giờ đâu cho công việc có phần “rảnh rỗi sinh nông nổi” đó...”.

Thôi thì tùy ý thích và suy nghĩ của mỗi người, chỉ cần Giáng Sinh có người để ta nhớ hay nhớ đến ta mà gởi tới những lời chúc chân tình là được, dù dưới hình thức nào!

NGUYỄN NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm