Thứ Tư, 31 Tháng Ba, 2021 14:03

Trau dồi để thêm hiểu di sản Hán Nôm của tiền nhân

 

Từ một lớp học Hán Nôm tại Học viện Mục vụ (TGP TPHCM) do nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh hướng dẫn, Câu lạc bộ Hán Nôm Công giáo đã ra đời, quy tụ những người cùng sở thích để tìm hiểu, khám phá di sản Hán Nôm trong kho tàng văn hóa của tiền nhân.

 

Hiện có trên dưới 10 thành viên trong và ngoài Công giáo đến sinh hoạt vào sáng Chúa nhật hằng tuần tại căn phòng nhỏ thuộc Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh, người khởi xướng và dẫn dắt CLB thì ngoài các thành viên có mặt tận nơi, còn có những người do điều kiện thời gian không cho phép nên thường nhận tài liệu, các bài học qua mạng (zalo, email…). Tất cả được thầy Hạnh trao đổi, hướng dẫn trực tiếp cũng như “từ xa”.

Một buổi sinh hoạt của CLB Hán Nôm Công giáo - ảnh: Liên Giang

 

Nói về cơ duyên khởi xướng nhóm Hán Nôm này, thầy Hạnh cho biết, khi tham gia cộng tác biên soạn tập sách “Hạnh các thánh tử đạo Việt Nam” do Ðức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên (ấn hành 2018), biết ông có tài liệu Hán Nôm để nghiên cứu và cũng là người có sở trường về bộ môn này, Ðức cha Phêrô đã gợi ý “làm sao để phổ biến lại kiến thức Hán Nôm cho thế hệ sau, nếu không lại có lỗi với tiền nhân…”. Rồi Ðức cha Gioan Ðỗ Văn Ngân, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Ðức Tin (HÐGMVN) khi chuẩn nhận cho một công trình về Hán Nôm Công giáo do ông nhập liệu lại và chú giải - cuốn “Hội đồng tứ giáo danh sư chú giải” - cũng đã khích lệ ông truyền đạt sự am hiểu về Hán Nôm lại cho những người quan tâm, yêu mến để có thế hệ kế thừa. Làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và cũng là nhà giáo (hiện đang giảng dạy tại Học viện Công giáo Việt Nam), bản thân thầy Hạnh cũng luôn đau đáu với di sản Hán Nôm của cha ông, trong đó có kho tàng Hán Nôm Công giáo vẫn chưa được khai thác hết, nên ông nhận thấy việc chia sẻ kiến thức và truyền cảm hứng yêu thích bộ môn này cho người khác, thật sự cần thiết. Rồi một lớp học Hán Nôm đã hình thành tại Học viện Mục vụ từ tháng 9.2018, duy trì được 1 năm, sau đó nhận thấy ít học viên nên thầy Hạnh đã bàn với linh mục FX Bảo Lộc - Giám đốc học viện, để chuyển hình thức sinh hoạt thành CLB, hy vọng thu hút nhiều đối tượng hơn. CLB trực thuộc Ban Mục vụ Văn hóa Tổng giáo phận, hoạt động theo tinh thần mở, luôn chào đón những thành viên mới và miễn phí. Những anh chị em mới gia nhập nhóm thường do bạn bè quen biết hoặc người đã tham gia CLB trước đó giới thiệu. Ðến với những buổi sinh hoạt, các thành viên được tìm hiểu về Triết học phương Ðông, được trao đổi mở rộng kiến thức liên quan, chiết tự các từ Hán Việt, tập viết để biết mặt chữ… Vì có những học viên không Công giáo nên người hướng dẫn thường trao đổi những kiến thức nền chung bên cạnh các từ ngữ Công giáo. Học viên ngoài đạo cũng không ngại ngần gì vì hiểu mình đang khám phá di sản Hán Nôm của cha ông, trong đó văn hóa Công giáo góp phần không nhỏ vào kho tàng chung ấy.

Anh Lê Hoài Ðăng, 27 tuổi (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đến với CLB này đã được hơn 3 tháng. Ðăng cho biết mình là người ngoài Công giáo, biết đến nhóm qua một người bạn và vì thích tìm hiểu văn hóa lịch sử truyền thống, trong đó có chữ Hán nên anh đã thu xếp thời gian đến sinh hoạt mỗi tuần. “Mình tham gia CLB để có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống, khi biết chữ Hán, đi đến thăm thú chỗ nào có Hán tự, sẽ hiểu về di tích đó hơn”, Ðăng nói. Cũng tương tự, cô sinh viên Nguyễn Trần Như Ngọc (Ðại học Kiến Trúc) dù không theo chuyên ngành văn hóa, văn học hay Hán Nôm song vì đã từng biết một chút về chữ Hán khi học văn từ thời phổ thông, thấy thích nên xin gia nhập nhóm để học hỏi thêm. Ngọc cũng cho hay, ở CLB này, các thành viên phải tự trau dồi là chính, nhưng nhờ thầy Hạnh hướng dẫn, truyền cảm hứng nên có thêm động lực để khám phá, tìm tòi, qua đó mở mang thêm kiến thức. Một số nam nữ tu sĩ Công giáo cũng là những thành viên nhiệt thành của CLB. Họ tham gia để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu; mở rộng kiến thức về Triết Ðông, biết thêm về Hán Nôm để hỗ trợ cho hành trình tu học hay giúp cho việc tìm hiểu các bản văn, bản kinh cổ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hạnh dự định sẽ thực hiện bộ tự điển Hán Nôm Công giáo và sẽ làm việc với những kho sách Hán Nôm Công giáo chưa được khai thác để giới thiệu cho mọi người biết văn hóa Công giáo đã đóng góp cho văn hóa Việt Nam thế nào… Ông hy vọng các thành viên CLB này một khi đã được trang bị kiến thức về Hán Nôm tốt hơn, sẽ là những người trợ giúp đắc lực cho việc thực hiện những ấp ủ này. Hiện ngoài buổi sinh hoạt với CLB vào sáng Chúa nhật, thầy Hạnh còn hướng dẫn thêm một lớp Hán Nôm Công giáo trực tuyến vào sáng thứ Bảy cho tất cả những ai có nhu cầu học qua mạng. Buổi trực tuyến cũng có sự tham gia của một vài thành viên CLB, do Ban Truyền thông TGP TPHCM thực hiện về mặt kỹ thuật và phát trên kênh youtube.

 

LIÊN GIANG

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm