Hằng ngày truyền thông loan báo nhiều tin tức liên quan tới tuổi mới lớn: Trẻ thay đổi đột ngột về tính tình, ương bướng, yêu sớm, nghiện games, trầm cảm, nữ sinh đánh nhau, nam sinh có hành vi bạo lực, trộm cắp, đi bụi...
Con gái tôi đang ở giai đoạn khủng hoảng tuổi teen, ăn mặc tóc tai dị hợm, cãi bướng cha mẹ thầy cô và than chán học. Tôi không hiểu nổi con nên cũng khó khuyên bảo.
(Một phụ huynh lớp 8 – Quận 7)
Tuổi mới lớn là thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ thơ sang giai đoạn thiếu niên, không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa là người lớn - trẻ bắt đầu tìm kiếm ở bên ngoài những chuẩn mực khác để làm nên cá tính của chính mình. Từ đó nảy sinh xung đột: trong khitrẻ cho rằng mình đã lớn và mong muốn được đối xử bình đẳng như một người lớn thì vẫn bị các bậc phụ huynh coi là con nít. Chuyện có thể tệ hơn khi trẻ chịu sức ép từ nhiều phía:
Do ảnh hưởng của bạn bè xấu: Ở lứa tuổi này các em dành thời gian với bạn bè nhiều hơn dành cho gia đình và thường tập họp thành nhóm bạn thân 2 hay 3 người cùng phái. Các em có xu hướng mở rộng các mối quan hệ, sợ bị cô lập và tẩy chay, rồi thì “gần mực thì đen gần đèn thì sáng”...
Do áp lực học hành, thi cử hoặc bị đối xử bất công ở lớp.
Do phương pháp giáo dục sai lầm của cha mẹ: Hoặc quá hà khắc “thương cho roi cho vọt” nên trẻ phản ứng lại hoặc quá buông lỏng quản lí làm cho con không có người định hướng và dễ sa ngã. Có thể do bố mẹ bất hòa, ly hôn, phá sản... hoặc nhà có thêm thành viên mới.
Ảnh hưởng của phương tiện truyền thông hay các trò chơi điện tử...
Nhiều trẻ rơi vào tình trạng hoang mang, dao động, mất phương hướng đến mức có thể có những rối nhiễu tâm trí như hoài nghi, sợ hãi, coi thường các giá trị với những biểu hiện vượt quá mức bình thường: nói luôn miệng, bốc đồng; tình cảm quá khích; luôn sợ mình quá béo hoặc quá gầy; cau có, giận dữ, gắt gỏng, buồn vui bất chợt... Một thay đổi khác dễ nhận thấy là vẻ bề ngoài của trẻ, thể hiện qua cách ăn mặc (khoác lên người bộ quần áo “không giống ai” hoặc bắt chước một thần tượng nào đó). Cách mặc ấy giúp trẻ tự tin hơn. Trẻ cũng hay soi gương và ngắm vuốt nhiều hơn. Tính khí thất thường, khi thì hồ hởi, cởi mở, khi thì thu mình, kín đáo, dễ chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, dễ có những tình cảm cực đoan, không vâng lời...
Ai đó đã nói: “Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề”. Lúc này, phụ huynh không nên chê bai hoặc có ý kiến nào khiến trẻ dễ kích động hoặc bị tổn thương.
Nếu không đồng ý với cách ăn mặc của con, hãy nói: “Cha mẹ không thích con mặc bộ quần áo này nhưng vẫn tôn trọng sự lựa chọn của con”. Không phải để cho qua chuyện mà chính là thể hiện quan điểm của mình nhưng vẫn tôn trọng con cái. Khi cảm thấy bố mẹ vừa thông cảm, vừa tỏ thái độ không hài lòng, trẻ sẽ cư xử “biết điều” hơn (sẽ mặc những bộ đồ ấy vào những dịp khác thích hợp hơn chẳng hạn).
Đừng so sánh con mình với các bạn khác hoặc nói: “Hồi cha mẹ bằng tuổi con...”. Điều này khó được trẻ chấp nhận, bởi thực tế trẻ sống khác thời cha mẹ.
Khi nhận thấy con có những rối loạn như mỏi mệt, mất ngủ, nhức đầu, nôn, chán ăn hoặc ăn quá nhiều, dị ứng; tâm trạng khi thì lo sợ khi thì liều lĩnh, không chịu đến trường, hay gây chuyện, dễ kích động, hung bạo hoặc lặng lẽ, cô độc... phu huynh cần đưa con đến gặp thầy thuốc hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý.
Trẻ khủng hoảng là để trưởng thành. Cha mẹ phải luôn là nơi nương tựa, tạo cho con sự bình an khi tất cả các bạn của con không thể tạo nổi cho trẻ. Bình tĩnh, đầy lòng yêu thương và đồng cảm với con trong từng lời nói, cử chỉ.
Hãy nghĩ tới tuổi nhỏ của mình năm xưa để thấu hiểu và dễ thông cảm với con hơn. Can đảm biết nuốt giận và tự chủ, không la mắng hay dùng bạo lực với con. Đừng quên rằng sẽ là một đại họa cho cả nhà cũng như cho chính đứa trẻ, nếu vì lầm lỗi của cha mẹ (quá tự ái, quá nóng giận, thiếu tự chủ trong lời nói hành động) mà để mất con cái!
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI
Bình luận