Thứ Năm, 14 Tháng Tư, 2022 15:26

Treo lên một khổ đau, một ánh mắt, một con tim

 

Ngày tiễn mẹ anh đi lấy chồng, nhà đông con, cái ăn còn không đủ, ông bà ngoại chẳng có gì làm của hồi môn cho con gái, chỉ tặng một món quà đặc biệt: bức tượng khuôn mặt Chúa Giêsu chịu nạn lồng trong hình một trái tim.

 

Bức tượng mô tả phút cuối cuộc khổ nạn của Chúa, với một vẻ đau đớn tận cùng, vòng gai nhọn đan bện, xuyên thấu trên đầu, những giọt máu đỏ tươi đang chảy xuống trên hai thái dương, đôi môi bợt bạt và tóc tai rũ rượi. Chỉ có đôi mắt thì ngước lên như đang vừa van xin vừa phó thác chén đắng. Cả nhân diện tiều tụy đến thảng thốt ấy lồng trong hình một hình trái tim. Tượng dựng bằng đất gốm nên dù nhỏ, nhưng hình khối khá sống động. Anh chưa từng thấy bức tượng nào lại gợi cảm giác khổ đau một cách trọn vẹn đến vậy. Một thiết kế với biểu nghĩa trực tiếp mà mạch lạc, để ai soi vào cũng đều có thể thấu hiểu và rung động như đối diện với chính nỗi đau của mình.

 

Mẹ anh về nhà chồng làm dâu, mang theo bức tượng đó. Khi có nhà riêng, lập bàn thờ, thì treo bức tượng lên để kính thờ. Bức tượng như trái tim, ngọn đèn không tắt của ngôi nhà nhỏ bé trong những năm tháng khó khăn của buổi giao thời.

Từ nhỏ, nhìn bức tượng, anh thấy sợ. Với tâm hồn thơ bé, sự nhăn nheo, máu và cái chết cứ treo mãi ở đó, còn gì rùng rợn hơn. Chi tiết những chiếc gai nhọn đâm xuyên vào đầu người cho đến đôi mắt là gây ám ảnh hơn cả. Nhưng cũng vì đó là biên độ thảm thê tận cùng vào phút giây trước khi chàng thanh niên ba mươi ba tuổi trút linh hồn, nên một khi đã nhìn bức tượng đó quen mắt, thì mọi cuộc hấp hối về sau mà anh chứng kiến dù khắc khoải đến đâu cũng có cảm giác nhẹ nhõm hơn bội phần.

Những năm thiếu niên, đọc nhiều sách kiếm hiệp, những truyện sử thi anh hùng, anh đã không hiểu sao người ta lại treo sự khổ đau và cái chết lên cao để ngưỡng vọng. Tại sao lại đi tôn thờ nỗi nhục và sự thua thiệt?

Cái “tổng thể” hình trái tim đó như một thứ hàm ý tối hậu mà mãi về sau này, khi lớn lên, anh mới ngắm nhìn được.

Còn ba mẹ anh thì có lẽ đã nhìn thấy nơi bức tượng cả hai chiều kích từ khi đón nhận món quà hồi môn của đức tin.

Gia đình anh trải qua những năm tháng khó khăn và phải di dời chỗ ở nhiều lần, mỗi lần di dời, nơi đầu tiên thu xếp là cái bàn thờ. Bức tượng được gói lại, lau chùi, bọc trong vải để không sứt, vỡ, như cách người Do Thái năm xưa bảo vệ hòm bia giao ước trong những cuộc viễn trình xiêu tán. Ngày Tết, bức tượng là nơi được ba anh chăm chút tỉ mỉ phủi bụi, làm sạch như mới. Lạ là cho đến khi anh lớn lên và ba mẹ anh già đi, bức tượng trái tim mang khuôn mặt Chúa chịu nạn vẫn không cũ đi, trong khi rất nhiều đồ dùng trong nhà, những thứ đắt tiền thì đổi cũ thay mới liên tục.

Mẹ anh nói, nhờ bức tượng đó mà ba mẹ anh kinh qua một cuộc hôn nhân sóng gió. Và bức tượng cũng là nguồn năng lượng thiêng liêng giúp gia đình anh trải qua những thử thách chao đảo một cách nhẹ nhàng. Mẹ anh cũng kể rằng, đã có nhiều lần vợ chồng lục đục suýt đưa nhau ra tòa, mẹ đã nhìn những vết gai đâm, khuôn mặt biến dạng của con người kia lồng trong trái tim rực hồng. Bức tượng như tỏa ra thứ ánh sáng soi dẫn, hướng đạo để hôn nhân không tan vỡ giữa gió bão cuộc đời.

Mẹ anh cũng kể rằng có những lúc mẹ muốn buông tay vì trăm ngàn khó khăn đổ ập xuống gia đình trong một lúc, mẹ đơn độc chống chọi và thấy mình kiệt sức tới nỗi đầu óc đã nghĩ quẩn đến cái chết (vì cái chết là thứ dễ nhất mà con người bế tắc có thể dùng đến để chấm dứt những khổ đau của kiếp nhân sinh), nhưng ánh mắt tận cùng đau đớn trên bức tượng đã kéo mẹ lên, khuyên mẹ hãy biết học cách ngước mắt lên trời mà sống tiếp. Ngước lên, trong tan nát và phó thác...

Bức tượng nhắc nhớ một kẻ sầu khổ tận cùng không được phép tuyệt vọng.

Anh hiểu ba anh cũng vậy. Nhiều lần thức giấc giữa khuya, anh trộm thấy người cha trầm lặng ngồi một mình trong bóng đêm, mắt ngước lên hướng về phía bức tượng. Ðó là khi căn phòng của một gia đình nhỏ như con thuyền chao đảo trước bão giông, bức tượng như ngọn hải đăng phát ra nguồn sáng soi dẫn cho một hải trình an lành, không đắm chìm hay lạc lối.

“Ngước lên đó mà sống”, mẹ anh nói.

Vậy là ông bà ngoại anh không cho con gái ngôi nhà, đất đai, không cho nhiều lượng vàng như các cha mẹ khá giả thời ấy vẫn dành cho con cái, mà tặng một kho tàng vô giá trong một kỷ vật đơn sơ. Kỷ vật gói ghém thông điệp đồng hành của yêu thương và hy sinh. Hy sinh là minh chứng cho cứu cánh tình yêu và tình yêu là những thành tựu của đức hy sinh.

Anh ngước nhìn bức tượng ấy và đi vào đời sống. Vẻ mặt khắc khoải đau thương của người đàn ông trên bức tượng với những giọt máu đỏ trên thái dương, tóc tai rũ rượi, đôi gò má hóp lại vì nhức nhối trở thành một hình ảnh ký ức trở đi trở lại trong tâm trí anh những lúc kiệt quệ, sấp ngửa giữa ba đào cuộc sống. Trong bóng tối những đêm tha phương, anh học cách ngước mắt lên nhìn vào thăm thẳm và nghĩ rằng gương mặt mình giờ đây cũng đang biến dạng, đang thoi thóp, đang thở than, đang mang những giọt mồ hôi bỏng rát như rướm máu...

Nhưng liệu đó có phải là một khuôn mặt được lồng trong một trái tim? Nỗi khổ đau của anh có đem lại cứu cánh là một trái tim sống động hay không? Hay khổ đau chỉ để mà khổ đau như hàng vạn khổ đau liên miên khác phổ biến ở trên đời?

 

*

 

Câu chuyện trên được anh kể lại khi chúng tôi ngồi nói chuyện con cái. Ban đầu, một người trong nhóm đã đặt ra câu hỏi khó: Chúng ta để lại cho con cái điều gì sau khi chết đi? Có người bảo sẽ để lại một sổ tiết kiệm trong ngân hàng, người khác cho là đất đai nhà cửa, có người là một kế hoạch phát triển sự nghiệp, học vấn...

Sẽ là giáo điều và lý thuyết suông nếu bảo rằng chúng ta phải để lại kỷ vật của đức tin thay cho căn hộ này, tài khoản tiết kiệm kia hay lô đất nọ..., khi mà mưu cầu mang lại tương lai sung túc, trí tuệ, hạnh phúc cho con cái cũng là một mục tiêu lớn lao của đời sống chúng ta trong một thế giới mà cái nghèo, sự thiếu thốn thiệt sự cũng đáng lo ngại.

Thế nên, có người trong nhóm lại truy vấn anh rằng, liệu ngày trước nếu ông bà ngoại anh khá giả, giữa món quà hồi môn cho con gái là một ngôi nhà, một lô đất bạc tỷ và một bức tượng “chàng thanh niên đau khổ trong trái tim”, thì họ sẽ tặng gì? Anh khẳng định, bức tượng sẽ vẫn là thông điệp mà ông bà anh muốn con gái mang theo về nhà chồng. Vì anh tin ông bà anh và những người sống thời đó, trải qua nhiều biến cố thời cuộc, thấy được mất của cải chỉ trong chớp mắt, thì họ sẽ hiểu rằng hy sinh và yêu thương mới là thứ của cải bền vững nhất cho một cuộc hôn nhân.

“Dĩ nhiên, có một ngôi nhà để tụi nhỏ treo lên một bức tượng như thế thì biết đâu sẽ yên tâm hơn một chút. Hahaha...”

 

 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm