Nằm trên con đường Nguyễn Duy Cung (phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM), không ồn ào, náo nhiệt, tại đây đã tồn tại một làng nghề đúc lư đồng truyền thống có tuổi đời cả thế kỷ mang tên An Hội.
Bền bỉ với nghề
An Hội ngày nay chỉ còn lại một vài gia đình lưu giữ nghề truyền thống, số khác đã chuyển đổi hoặc bỏ nghề. Tuy nhiên, mặc cho sự thăng trầm, những nghệ nhân trụ lại ngày ngày vẫn đều đặn đỏ lửa để giữ gìn nét đẹp vốn có.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong vùng, nghề đúc đồngở Sài Gòn ban đầu có mặt ở khu Chợ Quán, Phú Lâm vào đầu thế kỷ 19 với các loại sản phẩm nổi tiếng như chảo, tượng Phật, đồ tam khí, siêu đao... Ông Trần Văn Kỉnh (thường được gọi với cái tên Năm Kỉnh) đã tới các lò này học nghề. Ðến khi thạo việc, ông quay lại khu Gò Vấp để mở xưởng hoạt động. Mang nghề mới về làng, ban đầu ông Năm Kỉnh chỉ nhận dạy và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, về sau cho nhiều người khác. Nghề đúc đồng An Hội cũng ra đời từ đó với hàng chục cơ sở, trở thành địa chỉ sản xuất lư đồng bậc nhất tại đất Sài Gòn - Gia Ðịnh xưa. Làng nghề còn nổi danh khắp nơi vì những bộ lưtinh xảo, sản phẩm làm ra có mặt khắp các tỉnh miền Nam, thậm chí xuất sang cả nước láng giềng trong khu vực.
Các sản phẩm ở An Hội hiện đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công - ảnh: Đình Quý |
Có mặt tại một trong những xưởng đúc lư đồng truyền thống còn sót lại mang tên Hai Thắng của gia đình ông Trần Văn Thắng (72 tuổi), với hơn nửa thế kỷ theo nghề, mới thấy được bầu khí thực sự của một làng nghề truyền thống ngay giữa Sài Gòn tấp nập. Ông Hai Thắng vốn là một học trò của ông Năm Kỉnh. Từ ngày theo nghiệp cho tới bây giờ, ông và các con vẫn quyết giữ lửa và bámcái nghề này, dẫu trải qua bao thăng trầm của đà phát triển đô thị. Như ông nói : “Từ đó đến nay tôi sống bằng nghề, lớn lên cùng với nghề nên không thể nào từ bỏ được”. Có lẽ cũng chính tình yêu là động lực giúp ông và gia đình vượt qua nhiều giông bão để giữ lửa lò đúc không tắt suốt từ năm 1966 đến nay.
Thị trường chuyển biến mạnh mẽ cùng với quá trình đô thị hóa nhanh đã khiến nhiều làng nghề truyền thống mai một dần, và làng đúc đồng An Hội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Từ 40, 50 cơ sở, An Hội giờ đây chỉ còn 5 gia đình. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng trong đó có hai nguyên nhân chính đã được bà Phạm Thị Liên, chủ lò đúc đồng Ba Cồ chỉ ra là nhiều năm về trước, thị trường lư đồng xuất hiện nhiều lư đồng công nghiệp với hình dáng, họa tiết bắt mắt, giá cả lại mềm hơn, đã khiến những lư đồng sản xuất thủ công ngày càng ít được ưa chuộng; thứ đến, đúc đồng là một nghề lao động cực nhọc, cần nhiều nhân lực và mặt bằng rộng rãi, trong khi nếu sở hữu mảnh đất hàng trăm mét vuông giữa thành phố đông đúc và đắt đỏ như Sài Gòn, người ta có thể xây nhà cho thuê hoặc kinh doanh kiếm lời sẽ dễ dàng hơn…
Làm khuôn, công đoạn đầu tiên của quá trình đúc đồng - ảnh: Đình Quý |
Những người giữ lửa
Ðể tạo ra một bộ lư đồng hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải thực hiện qua nhiều công đoạn khác nhau. Người thợ bắt đầu bằng việc làm khuôn và nung khuôn, tiếp đến là nấu đồng tan chảy đổ vào khuôn. Riêng khâu này đòi hỏi người thợ phải giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh chừng thời gian rất kỹ. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội cùng các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng. Công phu như vậy nên mỗi bộ lư cần khoảng thời gian 20 ngày mới hoàn thành. Tất cả lại làm thủ công nên đòi hỏi người thợ không chỉ có tay nghề cao mà còn phải kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Mỗi thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn.
Nghệ nhân Trần Văn Thắng và người con gái nối nghiệp của mình |
Với kinh nghiệm đúc kết từ hàng chục năm theo nghề nên các gia đình sản xuất ở An Hội luôn tự hào rằng, “nước” đồng mình làm ra tuy không bóng sáng như các sản phẩm công nghiệp bây giờ, song hầu như không bị xỉn màu theo thời gian, trái lại càng để lâu càng đẹp. Hằng năm, các cơ sở này tung ra thị trường nhiều sản phẩm với mẫu mã đa dạng phục vụ người tiêu dùng. Riêng cơ sở Hai Thắng còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công với mức thu nhập ổn định.
Một sản phẩm của làng đúc đồng An Hội - ảnh: Đình Quý |
Nếu như hơn chục năm trước, do khó khăn trong làm ăn khiến nhiều lò đúc không còn giữ được nghề thì thời gian gần đây, việc kinh doanh đang dần khởi sắc trở lại. Ông Thắng lý giải: “Khi người ta đã quá ‘no nê’ với sản phẩm công nghiệp sản xuất ồ ạt thì ngày càng có nhiều người muốn quay về với những giá trị xưa cũ, và ở đó sản phẩm thủ công mỹ nghệ như của gia đình dần được đón nhận lại”. Vậy nên hiện giờ không chỉ khách hàng trong thành phố, khách các tỉnh phía Nam mà cả người ngoài Bắc, thậm chí khách nước ngoài cũng biết đến xưởng của ông và tìm mua hoặc đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên, trong niềm vui, nơi người đàn ông có thâm niên hơn nửa thế kỷ theo nghiệp đỏ lửa vẫn phảng phất một nỗi buồn, vì như ông tâm sự: “Khi đầu ra không còn là trở ngại thì nỗi lo mất nghề vẫn hiển hiện. Bởi lẽ thế hệ trẻ giờ đây có nhiều công việc để họ chọn lựa, và không phải dễ dàng để con cháu sau này dành trọn tâm huyết vào cái nghề vất vả, vốn đòi hỏi nhiều sức lực này…”.
PHÚ THỊNH
Bình luận