Thứ Tư, 04 Tháng Chín, 2019 23:49

Trăm năm nghề chạm bạc Ðồng Xâm

 

Ghé thăm Ðồng Xâm lúc đang trưa, khi cả làng đang say giấc. Trời xanh, mây trắng, mái đền rêu phong, bờ ao tĩnh lặng, cánh đồng lúa xanh mướt tạo nên bức tranh làng quê đất Bắc mang đậm phong vị cổ xưa, yên bình. Tầm 2 giờ, tiếng gõ lách cách đều đặn vang lên đây đó đánh thức cả làng.

 

Sản phẩm được làm nên từ đôi tay của thợ chạm Đồng Xâm - ảnh Trúc Yên

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Chạm bạc Ðồng Xâm đưa chúng tôi đi thăm một vòng làng, vào các cơ sở sản xuất, nơi những chàng trai, cô gái đang cặm cụi, tỉ mẩn chạm khắc từng chi tiết nhỏ để làm nên sản phẩm tuyệt mỹ. Nghề này gồm 4 công đoạn: trơn (gò tấm đồng dát mỏng thành hình khối của sản phẩm); đấu (lắp ghép các chi tiết lại với nhau); đậu (xe bạc rồi bện lại, uốn thành các chi tiết trang trí); chạm (chạm trổ hoa văn). Mỗi một sản phẩm dù rất nhỏ song đều là thành quả phối hợp của những người thợ lành nghề, đam mê với nghệ thuật thủ công được truyền lại từ cha ông qua bao thế hệ. Những người lớn tuổi trong làng vẫn còn ghi nhớ những tháng năm hưng thịnh của nghề, khi cả làng từ già đến trẻ, cả trai lẫn gái đều thuần thục chạm khắc, dành thời gian, tâm sức để sống với nghề, để làm ra những vật phẩm đưa đi khắp mọi miền. Lúc ấy, trẻ con biết cầm búa gò bạc trước cả khi học chữ, thanh niên nam nữ đều thành thạo các kỹ năng để có thể làm việc độc lập. “Bây giờ lớp trẻ chẳng mấy mặn mà với nghề này. Họ đi học ở các thành phố lớn rồi làm việc tại đó hay đi làm công nhân ở các khu công nghiệp… Những công việc ấy có thu nhập ổn định mà đỡ cực hơn, chẳng phải suốt ngày còng lưng, căng mắt lần theo từng nét nhỏ như nghề chạm”, chị Nga, một cư dân của làng cho biết. Nỗi ưu tư về thế hệ kế thừa trong tương lai có lẽ là mối lo chung của các làng nghề truyền thống ở nước ta hiện nay.

Những người thợ miệt mài chạm trổ từng đường nét - ảnh: Trúc Yên

Cả làng có trên 200 cơ sở sản xuất với lượng sản phẩm phong phú từ trang sức, bát, đĩa đến các vật phẩm thờ phượng như hoành phi, câu đối, lư hương, chén thánh, hộp đựng bánh thánh… Do giá nguyên liệu bạc cao nên ngày nay, sản phẩm của làng sử dụng đồng làm nguyên liệu chính. Ðồ chạm Ðồng Xâm nổi tiếng về độ tinh xảo, có kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ, bố cục trang trí tinh vi, cân đối, cách xử lý sáng - tối, thể hiện rõ chủ đề, nên không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đến Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Ý… Danh tiếng làng nghề lan rộng, thu hút sự quan tâm của nhiều người, góp phần thúc đẩy sự tồn tại của làng, niềm đam mê với nghề trong mỗi nghệ nhân nơi đây càng thêm bền vững. Trong thời đại số hôm nay, những kỹ thuật chạm bạc, đồng không còn là độc quyền, nhưng với những bí quyết riêng được cha ông truyền dạy, những người thợ của làng tạo ra các sản phẩm mang phong cách riêng, khó nhầm lẫn với đồ chạm vùng khác.

Thợ gia công tại nhà - ảnh: Trúc Yên

Nếu đến đây vào khoảng cuối tháng Ba, đầu tháng Tư âm lịch, khách sẽ được tham dự lễ hội làng nổi tiếng, hòa mình vào các nghi thức rước, tế trịnh trọng, các trò chơi dân gian phong phú. Hội đền Ðồng Xâm mở vào ngày 1 tháng 4 âm lịch thu hút du khách và những người thợ làm kim hoàn khắp nơi về tế tổ, đem sản phẩm cáo yết tổ nghề. Trong thời gian này, các sản phẩm chạm của làng được giới thiệu, bày bán như một cách quảng bá rộng rãi đến mọi người.

600 năm hình thành làng, 400 năm nghề chạm được gieo hạt và triển nở trên mảnh đất màu mỡ phía hữu ngạn sông Ðồng Giang (sông Vông), bức tranh làng hôm nay dẫu đã khác xưa nhiều lắm song vẫn còn đó những con người lặng thầm giữ lấy nghiệp ông cha. Thế kỷ 21 với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, kỹ thuật, của máy móc, công nghệ mà những nghệ nhân Ðồng Xâm vẫn hoài miệt mài ngồi đục, đẽo, chạm khắc từng dấu chấm, đường cong. Với họ, chạm không phải là nghề mà là tình yêu, niềm tự hào, sự trân trọng bao mồ hôi, công sức gầy dựng của tiền nhân.

 

Nhà thờ Dương Cước

Trong khu vực làng có xứ đạo Dương Cước, giáo phận Thái Bình, được hình thành từ năm 1865. Ban đầu, đây là giáo họ Đồng Cống thuộc xứ Đồng Quỹ, giáo phận Bùi Chu, Đến năm 1911 giáo họ được chuyển cho xứ Đồng Quan. Năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri đã cắt một số họ thuộc xứ Đồng Quan để thành lập giáo xứ Dương Cước. Xứ đạo này hiện có hơn 1.000 tín hữu và do cha Giuse Trần Thanh Tâm coi sóc

 

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm có tên cũ là Ðường Thâm nằm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang. Những ghi chép trong sách sử cho biết làng này hình thành vào cuối thời Trần - Hồ, cách đây hơn 600 năm. Ðồng Xâm ngày nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Ðền Ðồng Xâm là một quần thể di tích rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Ðế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Ðế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Ðồng Giang. Trên tấm bia đá ở trong khu chùa Ðường (thôn Thượng Gia ngày nay) có ghi: “Hoàng triều Chính Hòa thập niên, Tổ phụ Nguyễn Kim Lâu... Bảo Long tụ lạc học nghệ, đáo Ðồng Xâm xứ kiến lập thập nhị phường kim hoàn truyền nghệ”. (Tạm dịch: “Năm thứ mười dưới triều vua Chính Hòa (1689), vị tổ sư Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề vàng bạc ở Châu Bảo Long, tới xứ Ðồng Xâm lập ra mười hai phường để truyền nghề”).

Dân gian tương truyền, có một người đàn ông từ châu Bảo Lạc (Cao Bằng) đi thuyền nan xuôi dòng, dừng bên bờ Trà Lý rồi truyền nghề chạm kim khí cho dân làng. lập thành phường Phúc Lộc, theo mô hình, một trùm phường và 7 chi phường cai quản 7 hạng thợ với 149 người thuộc dòng họ Nguyễn, Triệu, Trần, Ðinh, Vũ, Hoàng, Ngô, Ðỗ…

 

 

TRÚC YÊN

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm