Thứ Tư, 09 Tháng Mười, 2019 15:52

Truyền giáo bằng sống đạo

 

Muốn mọi người nhận ra những nét ưu việt của đạo mình, có lẽ không gì tốt hơn bằng việc “sống đạo”!

 

Một Kitô hữu sẽ không được người khác đánh giá tốt và nhìn theo con đường đạo mình đi nếu mở miệng ra nói về Chúa hay cứ đọc kinh, đi lễ thường xuyên... mà trong cuộc sống thực lại đối xử không tốt với bạn bè, chòm xóm, bạc đãi cha mẹ, bất kính người lớn, dung túng cho con cái những tính xấu gây hại cho cộng đồng...

Chia sẻ về việc được hấp thụ tinh thần sống đạo từ gia đình, bà Lê Thị Nên, 59 tuổi (Ðịnh Quán, Ðồng Nai) nói: “Là người đạo gốc, từ nhỏ tôi được ông bà, cha mẹ dạy phải sống Lời Chúa, khiêm tốn và chan hòa cùng mọi người, không tham của người, không sân si với hàng xóm, bạn bè…”. Cũng trong tinh thần này, ông Tế Hạnh, 45 tuổi (Q.5, TPHCM) thừa nhận, để giữ hình ảnh đẹp của người Công giáo trong mắt người khác, ông luôn rèn những thói quen tốt, có những chuyện rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, ví dụ như không gây gổ, đánh nhau, chửi thề... Ông ý thức rằng nơi cộng đồng khu phố, chắc chắn người khác sẽ nhún vai ngán ngẩm nếu chứng kiến những cuộc đánh nhau, chửi rủa phản cảm của những gia đình trong xóm, biết đâu có ai đó cũng sẽ buông tiếng: “Nhà có đạo mà kỳ...”

Chia sẻ với những hoàn cảnh khốn khó là một cách giới thiệu gương mặt Chúa Kitô cho người khác.

Làm chứng nhân cho Chúa không cần gì to tát vĩ đại, mà chỉ từng hành vi nhỏ nhặt, đời thường cũng đã khiến người khác có cái nhìn thiện cảm với đạo Chúa rồi - như cảm nghiệm của Ngọc Hoa, 21 tuổi, sinh viên Ðại học Kinh tế. Là con nhà đạo, Hoa luôn thể hiện tinh thần Kitô giáo trong môi trường sống và học tập của mình như đối với bạn bè luôn chân tình, tận tâm giúp đỡ bạn khi cần và luôn là người con ngoan với gia đình.

Chính những người Công giáo ý thức được truyền giáo bằng cách sống đạo đã gây ấn tượng sâu sắc với người ngoại giáo. Bà Trần Thị Hồng, 67 tuổi (Q.1, TPHCM) nhớ lại: “Dù đã về hưu nhiều năm, tôi vẫn rất ấn tượng với người đồng nghiệp Thu Cúc, từng là thủ kho rồi kế toán của một cửa hàng Xây Dựng từ thời bao cấp. Với vị trí của mình như câu ‘giàu nhà kho, no nhà bếp’, Thu Cúc thừa khả năng và cơ hội cũng như điều kiện để có những mánh lới làm giàu cho mình. Ai luồn lách để có tiền chứ cô Thu Cúc lại không hề. Ai thắc mắc, cô chỉ một câu ‘làm việc xấu có tội’!...”. Là một Phật tử, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, 65 tuổi (Q.3, TPHCM) cũng cho rằng ngoài tình cảm chan hòa cùng các đạo hữu, bà rất thích giao tiếp, kết bạn cùng người Công giáo. Bà nhận ra nhiều người có những tính cách tốt như thật thà và sẵn sàng lắng nghe những tâm tư tình cảm của người khác. Họ tự phát rất nhiều nhóm nhỏ từ thiện, biết nơi nào khó khăn, cá nhân nào đang gặp nghịch cảnh… là rộng tay đóng góp, hỗ trợ...

Trong quan hệ cộng đồng, bà Phạm Ngọc Mai (Q.Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, tổ chức của bà vẫn quyên góp để xây cầu bê tông, xóa cầu khỉ nơi các vùng xa, vùng sâu miền Tây. Và bất cứ người bạn hoặc khách hàng Công giáo của bà biết công việc lặng thầm đó đều hăng hái góp tiền, thậm chí cả người ở nước ngoài cũng sẵn sàng móc hầu bao mà không cần một sự “công khai báo cáo tài chánh” dù bà Mai vẫn thông tin chi tiết sau mỗi công trình, rồi gởi cho tất cả mạnh thường quân qua thư điện tử.

Không ít người Công giáo là tấm gương tốt trong những câu chuyện tử tế để mọi người noi theo. Anh Lê Mạnh Trung, 30 tuổi (Cao Lãnh, Ðồng Tháp) từng kể về hàng xóm của mình: “Vùng quê sông nước, học trò rất thiếu thốn những nhu cầu như quần áo, tập sách. Có gia đình Công giáo duy nhất trong xã tôi thường tặng tập sách, đồng phục cho trẻ nghèo. Một lần, có người đề nghị giới thiệu gia đình đó lên chương trình truyền hình ‘Những tấm lòng vàng’, song cả nhà, từ ông bà, cha mẹ đến đứa trẻ tiểu học đều lắc đầu từ chối với câu:‘Chúa tôi dạy tay phải làm việc tốt không cho tay trái biết’. Họ sống tốt, âm thầm, chan hòa cùng mọi người vậy thôi...”.

Thật khôi hài với người mở miệng ra là nói về Chúa, nhưng thực tế cuộc sống họ hoàn toàn khác với tinh thần Phúc Âm. Không ít lần chúng tôi đọc những trạng thái vô cùng thánh thiện trên facebook của vài người quen biết, để rồi phải bật cười nhìn nhau khi nhớ lại những câu nói, những hành động họ cư xử chưa tốt với người chung quanh.

Thế mới biết, cách truyền đạo sống động nhất, hiệu quả nhất của người Kitô hữu chính là thể hiện được Tin Mừng trong đời sống thường ngày.

 

NGUYỄN NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm