Từ Bến Xuân, Làng Tôi Ðến Mùa Xuân Ðầu Tiên...

Trong bầu trời âm nhạc, Văn Cao là một ngôi sao sáng. Nếu so về số lượng tác phẩm với các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn thì Văn Cao có ít hơn rất nhiều, nhưng không vì thế mà các ca khúc của ông kém phần lung linh...

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh năm 1923 tại Lạch Tray (Hải Phòng). Ông bắt đầu làm quen với âm nhạc phương Tây khi theo học trường dòng thánh Giuse. Tuy nhiên, do gia cảnh sa sút, ông phải bỏ học năm mới 15 tuổi (1938)... Cùng giai đoạn này, nền âm nhạc cải cách (tân nhạc) Việt Nam ra đời, Văn Cao gia nhập nhóm Ðồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Hoàng Phú (Tô Vũ), Canh Thân, Ðỗ Nhuận...

Không ai có thể phủ nhận sự tài hoa của nhạc sĩ Văn Cao: 16 tuổi đã có sáng tác đầu tay (Buồn tàn thu, năm 1939) và các ca khúc tiếp theo của ông đã được sánh vào hàng “siêu phẩm”: Suối mơ, Thiên thai, Cung đàn xưa, Bến Xuân, Thu cô liêu, Trương Chi...

“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần...”

Trong cuốn băng vidéo Văn Cao - Giấc mơ đời người (đạo diễn Ðinh Anh Dũng, hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, tái bản năm 2009), trong phần giới thiệu ca khúc Bến Xuân, nhạc sĩ Văn Cao đã tâm sự: “Ngày xưa tôi có thầm yêu một cô gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát “Em đến tôi một lần” và có bài hát này”... Người con gái ấy chính là Hoàng Oanh, nữ ca sĩ ở Hải Phòng (sau này vào thập niên 1960 ở miền Nam cũng có nữ ca sĩ Hoàng Oanh, hiện ở hải ngoại, không phải Hoàng Oanh trong bài viết). Nhưng tại sao Văn Cao yêu mà không dám nói? Là bởi ông “chậm chân” hơn 2 ông bạn thân là nhạc sĩ Hoàng Quý và ca sĩ Kim Tiêu. Biết được cả hai ông này đều đem lòng yêu thương Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ trẻ đành nín lặng ôm mối tình đơn phương... Tuy thế, qua những lần gặp gỡ, qua ánh mắt, nụ cười…, nàng đã hiểu tấm chân tình của chàng.

Rồi một hôm, Văn Cao đang ở Bến Ngự (Hải Phòng) thì nàng tìm đến. Không chỉ thăm suông mà nàng còn ngồi làm mẫu cho chàng vẽ (Văn Cao ngoài nhạc còn là một nhà thơ kiêm họa sĩ), rồi ân cần ngồi quạt cho chàng sáng tác... Có thể nói, ca khúc Bến Xuân không chỉ là một bài hát làm xao xuyến lòng người, mà còn là một bức tranh hết sức sống động, một bài thơ với những ca từ đầy biểu cảm. Tóm lại cả 3 năng khiếu (thơ, nhạc, họa) tài hoa của Văn Cao đều dồn vào Bến Xuân: “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước, em đến tôi một lần, bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến Xuân...”. Hình ảnh thẹn thùng, khép nép của giai nhân trong nhạc của Văn Cao sao mà đáng yêu chi lạ: “Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến Xuân...”. Hôm đó có lẽ nàng cũng có hát nữa, nên mới “nghe réo rắt tiếng Oanh ca...” (bản nhạc được NXB Tinh Hoa - Huế ấn hành năm 1942).

Nàng đến thăm chàng một lần, rồi thôi - chừng đó cũng đủ hiểu lòng nhau và đã quá lãng mạn. Sau này gia đình ca sĩ Kim Tiêu có dạm hỏi Hoàng Oanh nhưng hôn sự bất thành. Bản thân Kim Tiêu cũng gặp phải nhiều sóng gió và nghe nói chết trong nghèo khó ở thềm ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Rồi Hoàng Oanh lên xe hoa, trở thành vợ của nhạc sĩ Hoàng Quý, tác giả ca khúc bất hủ Cô láng giềng: “Hôm nay trời Xuân bao tươi thắm, dừng bước phiêu du về thăm nhà…”. Tiếc rằng tài hoa yểu mệnh, Hoàng Quý bị lao phổi, mất khi mới 26 tuổi (1946). Người góa phụ trẻ Hoàng Oanh, nửa đường gãy gánh, không biết số phận sau này thế nào?!

Má tựa vai kề, bản “Làng tôi”…

Cuối năm 1944, Văn Cao làm phóng viên và trình bày cho báo Ðộc Lập, trong thời gian này, ông gặp một giai nhân Hà thành, như một định mệnh gắn liền với cuộc đời ông: cô Nghiêm Thúy Băng. Cô này được bố mẹ cho đứng coi sóc một tiệm sách nhỏ kiêm luôn việc giao dịch với khách hàng đặt in (bố cô là chủ nhà in Rạng Ðông). Nhạc sĩ Văn Cao thì phụ trách việc in ấn cho báo Ðộc Lập. Duyên gặp gỡ bắt đầu từ đó. Dầu vậy, chỉ ít lâu sau thì bố cô bị Nhật bắt và bắn chết, công việc kinh doanh đình trệ, gia cảnh ngày càng sa sút. Ðầu năm 1947, mẹ cô quyết định hiến nhà in cho cách mạng rồi tản cư khỏi Hà Nội về làng Lưu Xá (huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây cũ).

Lưu Xá là một làng quê nghèo, yên tĩnh, nằm bên bờ một con sông hiền hòa. Vươn lên khỏi lũy tre xanh ngắt là tháp chuông của một ngôi nhà thờ nhỏ, xinh xắn. Ðều đặn mỗi ngày, cứ khoảng mờ sáng là tiếng chuông lại lảnh lót vang lên mời gọi giáo dân đến dâng lễ. Ông Trần Huy Liệu lúc đó là Bộ trưởng Tuyên truyền của Chính phủ Cách mạng non trẻ cũng chọn một nơi yên tĩnh gần ngôi nhà thờ ấy để làm việc, và nhạc sĩ Văn Cao là thuộc cấp trực tiếp của ông. Cai quản xứ đạo là một linh mục người Ý nhưng rất thạo tiếng Việt, thường được gọi là cha Minh. Ông Trần Huy Liệu và Văn Cao thường xuyên tiếp xúc với vị linh mục này… Chỉ một thời gian sau, không khí chiến tranh đã ập đến miền xứ đạo yên lành đó. Người ta hối hả đào hào, đắp lũy, thanh niên trai tráng nhộn nhịp tập luyện trong các đội du kích, tự vệ… Cảm khái trước tinh thần chống giặc của giáo dân làng Lưu Xá, Văn Cao nói với người vợ chưa cưới: “Anh sẽ viết một bản nhạc về ngôi làng này”.

Ðám cưới Văn Cao - Thúy Băng được tổ chức đơn giản tại làng Lưu Xá. Họ dọn về nơi ở mới, chính là nơi làm việc ngày trước của ông Trần Huy Liệu, sau khi ông được Trung ương điều lên Việt Bắc. Thế là trong ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng son vào tuần trăng mật năm 1947, Văn Cao đã thực hiện lời hứa với vợ, sáng tác một ca khúc về làng toàn tòng Lưu Xá, bài Làng tôi ra đời: “Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”. Cô tiểu thư Hà thành vừa từ bỏ cuộc sống nhung lụa để làm vợ một chàng nghệ sĩ lòng ngập tràn hạnh phúc bởi mình là người đầu tiên được nghe bài hát ấy… Sau đó, ca khúc này được in trên báo Ðộc Lập và trở thành niềm tự hào của người dân Lưu Xá, rồi trở thành bài ca tiêu biểu của mọi làng quê thời kháng chiến...

“Mùa Xuân theo én về…”

Hầu như tất cả các ca khúc viết về mùa Xuân đều có chung một âm điệu tưng bừng, rộn ràng… Cũng dễ hiểu, bởi mùa Xuân là mùa của những ước mơ hạnh phúc, vui tươi. Thế nhưng ca khúc Mùa Xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao lại không đi theo cái “khuôn” đúc sẵn ấy, nhưng khi hát lên vẫn nghe yêu đời, yêu người một cách thật đằm thắm, nồng nàn, có lẽ do được viết bằng sự rung cảm của bao năm tích tụ qua điệu Valse nhẹ nhàng: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn…”. Lời ca thật giản dị, mộc mạc với những hình ảnh sinh động nhưng hết sức gần gũi, thân thiết. Nhạc thì sâu lắng, mượt mà, khiến giai điệu và ca từ như quyện lấy nhau hòa thành những cảm xúc khôn nguôi cho người hát lẫn người nghe.

Theo con trai nhạc sĩ kể lại thì Văn Cao đã sáng tác ca khúc này trên căn gác số 108 phố Yết Kiêu (Hà Nội) vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976) - Ðó là cái Tết thanh bình đầu tiên trên quê hương Việt Nam sau hàng chục năm chiến tranh, bom đạn. Riêng với Văn Cao, mùa Xuân thanh bình đầu tiên ấy đã như chất men làm bừng thức niềm cảm hứng sáng tác đã ẩn khuất trong ông từ 20 năm trước…

Vợ chồng Văn Cao

Ông viết Tiến quân ca năm 1944 (được chọn là Quốc ca Việt Nam từ năm 1946 cho đến nay). Sau Cách mạng tháng Tám (1945) là thời kỳ hoạt động nghệ thuật sung sức nhất của Văn Cao với những Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam rồi Sông Lô, Làng tôi (1947), Ngày mùa, Toàn quốc thi đua (1948), Tiến về Hà Nội (1949)… Sau đó, do những hoàn cảnh khách quan, ông không còn công bố những tác phẩm mới. Khi Văn Cao viết lại Mùa Xuân đầu tiên, bao nhiêu cảm xúc dồn nén của một thời gian dài đã bùng lên trong tâm thức của người nhạc sĩ già. Mùa Xuân thanh bình ấy có những giọt nước mắt của buổi đoàn tụ, những cuộc gặp mặt đầu tiên của những người thân, những cảnh đoàn viên gia đình, mẹ - con, anh - em… sau hơn 20 năm, dù chỉ cách nhau một con sông Bến Hải: “Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh. Niềm vui giây phút như đang long lanh…”. Hòa trong niềm vui vỡ òa của ngày đất nước thống nhất, Văn Cao như nhủ thầm với riêng mình những cảm xúc rất thật, rất giản dị, nhưng sao nghe thật thiêng liêng, tinh tế: “Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Từ đây người biết quê người, Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người….

Không ồn ào rộn rã, Mùa xuân đầu tiên ấy đã nhẹ nhàng, êm đềm thấm sâu vào lòng người một cách rất đời, rất người…

HÀ ÐÌNH NGUYÊN

Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Sách và đọc sách
Sách và đọc sách
Sách cung cấp thông tin và kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử đến khoa học, nghệ thuật, và nhiều lĩnh vực khác. Đọc sách giúp cải thiện kỹ năng đọc viết, nâng cao khả năng phân tích và suy luận, cũng như mở rộng vốn...
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Muối, không khí và gạch, phải chăng là tương lai của ngành lưu trữ năng lượng? Ðó là câu hỏi mà không ít công ty khởi nghiệp đang muốn trả lời.
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Sách và đọc sách
Sách và đọc sách
Sách cung cấp thông tin và kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau, từ lịch sử đến khoa học, nghệ thuật, và nhiều lĩnh vực khác. Đọc sách giúp cải thiện kỹ năng đọc viết, nâng cao khả năng phân tích và suy luận, cũng như mở rộng vốn...
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Pin nhiệt từ không khí, muối và gạch
Muối, không khí và gạch, phải chăng là tương lai của ngành lưu trữ năng lượng? Ðó là câu hỏi mà không ít công ty khởi nghiệp đang muốn trả lời.
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Ðặt tên cho đơn vị hành chính mới
Trong tương lai không xa, việc sáp nhập và tái cơ cấu hành chính ở Việt Nam dự kiến sẽ tạo ra hơn 600 đơn vị hành chính xã mới. Mục tiêu của việc sáp nhập này là cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển...
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người hùng thầm lặng chống ô nhiễm rác nhựa
Những người nhặt ve chai trên khắp thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm rác nhựa đối với những cộng đồng nghèo khó.
Từ ngày 30.3.2024, người bị quản lý, giam giữ được sử dụng kinh sách để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo
Từ ngày 30.3.2024, người bị quản lý, giam giữ được sử dụng kinh sách để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo
Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2024; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực...
Giải mã được tài liệu cổ đã cháy thành than
Giải mã được tài liệu cổ đã cháy thành than
Những cuộn giấy cói bị cháy thành than vào thế kỷ thứ nhất, đã bắt đầu có thể được đọc nội dung nhờ vào công nghệ mới và chương trình học máy trí thông minh nhân tạo (AI).
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Vỉa hè Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức
Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Các hội đoàn giáo dân đang hiệp hành thế nào?
Ở Việt Nam hiện nay có trên dưới 30 phong trào tông đồ giáo dân. Tùy từng giáo phận mà các hội đoàn hiện diện nhiều hoặc ít, song những phong trào này đang ngày càng có nhiều đóng góp dựng xây Giáo hội địa phương và xã hội.
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Bất chấp hoàn cảnh trớ trêu, ông Paul Alexander (1946-2024) không đầu hàng số phận mà nỗ lực để trở thành nhân vật truyền cảm hứng sau 72 năm sống trong phổi sắt.