Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, 2022 14:07

“Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” của một soạn giả Công giáo

 

Sau cuốn “Thuật ngữ Âm nhạc Việt - Anh - Ý - Pháp - Ðức (tái bản lần 3 năm 2019), tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Bách - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Hệ thống Trường Âm nhạc B.A.C.H - lại tiếp tục nghiên cứu, cho ra mắt cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc” vào năm 2022. Ðây là cuốn từ điển gồm hơn 5.000 mục từ với 8 thứ tiếng, giải thích các thuật ngữ từ lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam đến công nghệ âm nhạc. Là một tín hữu Công giáo nên các thuật ngữ liên quan Công giáo cũng là một mảng lớn được soạn giả quan tâm…

 

Tính đến nay, tiến sĩ Nguyễn Bách đã có 33 đầu sách âm nhạc chuyên ngành. Năm 1999, bộ Thuật ngữ âm nhạc Anh - Đức - Việt Ý - Pháp - Việt của ông ra đời đã gây sự chú ý đặc biệt trong giới chuyên môn trên cả nước. Lần đầu tiên có một cuốn từ điển Việt Nam không sắp xếp mục từ theo thứ tự của bảng chữ cái mà theo số Ả Rập. Nhờ sáng kiến đó, các thuật ngữ ở 5 thứ tiếng khác  nhau đều trở nên “bình đẳng”, tiếng nào cũng có thể làm chuẩn để tra cứu những ngôn ngữ còn lại. Hai mươi năm sau, khi bắt tay soạn thảo cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ âm nhạc”, tiến sĩ Bách cũng suy nghĩ nhiều để tạo ra những dấu ấn.

Ở cuốn sách này, soạn giả không đưa vào các mục từ về địa danh, nhân vật, cơ quan, tổ chức, tác phẩm… vì theo ông, đó là những nội dung cần có của một bách khoa toàn thư vốn đòi hỏi thời gian và chi phí xuất bản nhiều hơn… Tuy gồm mục từ của nhiều thứ tiếng (Việt, Anh, Ý, Pháp, Đức, Latinh, Hy Lạp và Tây Ban Nha) nhưng Từ điển trên tập trung vào việc giải thích chứ không nhằm đối chiếu như cuốn Thuật ngữ Âm nhạc Việt - Anh - Ý - Pháp - Đức đã xuất bản trước đây. Cuốn sách này cũng không phải là một giáo trình nên trong từng mục từ, soạn giả chỉ đưa ra những nội dung phục vụ việc giải thích mà thôi. Các mục từ được xếp theo vần mẫu tự và thứ tự dấu giọng tiếng Việt. Với những khái niệm có nhiều tên gọi khác nhau thì ưu tiên đưa phần giải thích vào mục từ mang tên gọi nào “hợp lý nhất”, “chính xác nhất” (theo quan niệm của soạn giả) rồi mới tới tiêu chuẩn “phổ biến nhất”… Soạn giả chủ trương “đối với những trường hợp, nội hàm chưa được thống nhất hay có nhiều quan niệm khác nhau thì chỉ trình bày, phân tích những cái khác nhau để người dùng lựa chọn chứ không ‘lựa chọn thay’ độc giả. Đối với những thuật ngữ dùng sai thì chúng tôi mạnh dạn đưa ra chứng cứ, giải thích thuyết phục để độc giả điều chỉnh chứ không nói theo kiểu ‘đã được dùng từ nhiều thế hệ và thành truyền thống rồi’…”. Sách có phần phụ lục giới thiệu các tác phẩm quan trọng ở một số thể loại thuần túy. Với số lượng gần 70 trang trong tổng số 338 trang, có thể coi 17 phụ lục như “cánh tay nối dài” của từ điển chứ không đơn thuần là một phần phụ để tham khảo.

Trao đổi với báo Công giáo và Dân tộc, tiến sĩ Nguyễn Bách cho biết, với tư cách là một người nghiên cứu, một soạn giả và hơn nữa, là một Kitô hữu nên những thuật ngữ liên quan Công giáo cũng khiến ông lưu tâm. Theo ông, âm nhạc phương Tây nói chung và âm nhạc mới Việt Nam nói riêng có nhiều khái niệm, lý thuyết, kỹ thuật, hình thức, thể loại bắt nguồn hoặc được mượn từ âm nhạc Công giáo. Đó là một điều hiển nhiên nhưng lâu nay “sự thật” này bị lãng quên hoặc né tránh. Vì thế, khi soạn cuốn từ điển này, soạn giả có bổn phận làm rõ cho độc giả cũng như các nhà nghiên cứu. Ông dẫn ra một số ví dụ như nguồn gốc của tên gọi các nốt nhạc và vai trò của tu sĩ Guido d’Arezzo (Ý); nguồn gốc của nốt Do từ “Dominus” (Thiên Chúa) của tu sĩ Bononcini (Ý); nhịp hoàn hảo từ thời Trung đại là nhịp 3 phách, được dùng trong nhà thờ do tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa dẫn đến việc ký hiệu C (vòng tròn không kín tượng trưng cho sự không hoàn hảo) cho nhịp 4/4… Hay có những thuật ngữ âm nhạc tôn giáo được hiểu và sử dụng cũng như tạo cách gọi tiếng Việt chưa chính xác, như Agnus Dei (nhiều tài liệu gọi là “Thánh Agnus” trong khi nghĩa của nó là “Con Chiên của Thiên Chúa”), Te Deum (nhiều tài liệu không dịch cũng như không giải thích mà dùng như tên riêng trong khi nó được gọi tắt từ câu Te Deum laudamus (Tiếng Latinh là “Chúng con ngợi khen Ngài, lạy Chúa”), cantata (nhiều người gọi là “đại hợp xướng” trong khi đó là một thể loại hợp xướng lớn mang nội dung Kitô giáo như những cantata của J. S. Bach), oratorio (nhiều nơi đến nay vẫn gọi là “thanh xướng kịch” trong khi đó là một thể loại hợp xướng kể chuyện nhiều bè của Kitô giáo; chữ ora  có nghĩa là “cầu nguyện”)…

Tiến sĩ Nguyễn Bách từng là cựu tu sinh của dòng Lasan, cựu sinh viên Đại học Lasan (trước 1975) và có nhiều năm hoạt động ca đoàn với nhiệm vụ đệm đàn, ca trưởng; ông cũng từng là thành viên của Ban Thánh nhạc Sài Gòn ngay từ lúc mới tái hoạt động vào năm 1981; được hưởng nền giáo dục và sống trong môi trường âm nhạc Công giáo trong gần 25 năm trước khi học và hoạt động trong môi trường chính quy của âm nhạc thế tục. Có lẽ, đó là thuận lợi nhất cho ông khi dấn thân vào lĩnh vực soạn thảo từ điển thuật ngữ âm nhạc. Bên cạnh đó, việc thông thạo nhiều thứ tiếng cùng với gần 11 năm sống và làm việc tại Đức giúp ông có thế mạnh trong việc tìm hiểu, tham khảo các tài liệu… Là một tín hữu Công giáo, tiến sĩ Bách xem việc viết sách nói chung cũng như soạn thảo cuốn từ điển này không chỉ là một công việc của âm nhạc học mà còn là một nhiệm vụ truyền giáo trong “nén bạc” Chúa đã trao cho mình.

 

LIÊN GIANG

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm