Mua đồ chơi cho trẻ không còn là chuyện quá khó khăn đối với các bậc phụ huynh hiện nay. Song chính khi thị trường đồ chơi phát triển với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú thì lại nảy sinh vấn đề, không phải món đồ chơi nào cũng phù hợp, thậm chí có những món còn được cảnh báo là có thể gây hại cho trẻ. Vì nguyên nhân ấy mà khá nhiều phụ huynh đã chủ động chế tạo đồ chơi cho con, vừa xinh xắn, ý nghĩa, bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí và còn có thời gian ở bên, vui đùa cùng con.
Có những ông bố, bà mẹ trẻ đã tận dụng bìa giấy cứng, hộp sữa, vải vụn, chai nhựa… và tự tay chế thành những món đồ chơi mà thời nay người ta quen gọi là đồ “handmade” (làm bằng tay). Với các phụ huynh này, những món đồ tự chế không những đảm bảo an toàn, mà còn độc đáo và lạ đối với trẻ. Chị Lê Thị Nhã (Thủ Đức, TPHCM) bày tỏ mối lo lắng về những món đồ chơi chứa chất độc hại bày bán tràn lan trên các hè phố mà các phương tiện truyền thông vẫn cảnh báo; rồi cho hay, để tiết kiệm chi phí và không phải bận tâm về một sản phẩm nào đó đã được kiểm chứng hay chưa, chồng chị thường tranh thủ thời gian rảnh ngồi chế những món đồ handmade từ vật liệu thừa như hộp giấy cũ, que kem, hoặc nắp chai… Món đồ chơi tự chế ngoài kiểu dáng đặc biệt thì yếu tố quan trọng nhất giúp trẻ thích thú đó chính là sự tương tác. “Trong quá trình làm đồ chơi, chồng tôi thường bảo con trai đến giúp đỡ. Biết bé có tính hiếu kỳ nên anh ấy nói con cùng làm, hay dạy bé cách chơi, vì thế cu cậu rất thích. Cứ cuối tuần là hai ba con ngồi hí hoáy làm mấy tiếng không biết chán…”, chị kể.
Bất kỳ trẻ em nào cũng yêu thích đồ chơi, nhất là những món mà do chính tay bé làm ra. Với một số bậc phụ huynh, việc khơi gợi, hỗ trợ, hướng dẫn con trẻ làm một món đồ chơi từ những vật liệu đơn giản, nhiều khi cũng là một cái thú. Anh Trương Minh Quang (Q3, TPHCM) còn cho biết thêm, ngoài yếu tố cha con cùng làm thấy vui thì việc giúp bé kích thích, rèn luyện khả năng tư duy, sáng tạo là rất lớn: “Chẳng hạn như lần trước ba bố con mình cùng làm một mô hình con Minion (nhân vật hoạt hình) bằng bìa giấy cứng. Trong lúc thực hiện, hai bé ngồi bàn tính rất khí thế, và tự tay ngồi làm cả một đội quân Minion 10 con với nhiều kiểu dáng khác nhau, khiến mình cũng phải bất ngờ và thích thú. Không ngờ mấy tờ giấy tưởng chừng vô dụng mà lại ích lợi quá, là cả một thế giới cho trẻ thỏa sức sáng tạo”. Với ông bố trẻ Nguyễn Văn Khánh (Q9, TPHCM) thì cuối tuần thường cùng con ngồi tạo hình mấy con diều bằng bìa giấy hoặc túi nilon ở bãi đất trống gần nhà. Những chiếc diều này vừa khơi gợi lại cảm giác tuổi thơ của anh nhiều năm về trước, vừa gắn bó tình cảm cha - con và kích thích sự sáng tạo của con trai anh. Thằng bé luôn động não để nghĩ ra những kiểu dáng mới. “Vợ tôi từng phàn nàn rằng tự làm diều như thế mất thời gian, cứ mua sẵn ngoài chợ, đủ màu sắc và đẹp mắt, tôi chỉ cười bảo, con mình làm thì nó sẽ thấy đẹp nhất và biết trân quý hơn những món đồ làm ra”, anh trải lòng.
Còn ông Phan Văn Vũ, 73 tuổi (Q9) được ba đứa cháu gọi là “ông nội xì tin” vì đã sáng tạo khá nhiều món đồ chơi độc đáo bằng bìa cứng mà trên thị trường không có. Ông nhớ lại một thời trước đây, việc có một món đồ chơi mới với con trẻ là rất xa xỉ. Tuy nhiên, các trẻ ngày ấy cũng có khá nhiều ý tưởng để sáng tạo đồ chơi của mình. Chẳng hạn, họ dùng thân của tàu lá chuối để làm súng, cùng nhau chơi trò săn bắt cướp, hay dùng lá dừa để xếp thành hình các con vật như chim, châu chấu; hình bông hoa, đồng hồ, nhẫn, kèn… Những buổi trưa hè, nhiều bé trai cùng nhau đi lấy đất sét nặn ra con trâu, con nghé… Tất cả những thứ đồ chơi ấy vừa không mất tiền mua, mà còn để lại bao kỷ niệm, nhiều người vẫn nhớ mãi cả khi đã về già. Song ông Vũ cũng cho rằng, mỗi thời mỗi khác, nên việc cho trẻ chơi những thứ mà trước đây ông từng cùng đám bạn chơi thì không được. Vì thế ông đã sáng tạo ra các món đồ chơi đặc biệt cho cháu, tỷ như như làm một ngôi nhà mini bằng bìa cứng, có hẳn gian bếp, phòng khách… hoặc tạo một không gian kiểu như một nhà liên hoàn có nhà banh, cầu trượt…
Ngoài việc tiết kiệm chi phí, giúp trẻ phát triển tư duy, hầu hết những bậc phụ huynh từng sắn tay vào làm đồ chơi cho con đều cảm nhận được tình cảm cha mẹ, con cái gắn kết khi cùng chơi và tự tạo ra món này món kia. Chỉ tiếc là trong dòng chảy hối hả, tất bật của cuộc sống hôm nay, không phải ai cũng có thời gian để chơi cùng con!
VÕ HỒNG TUẤN
Bình luận