Một thời chưa xa lắm…
Vẫn biết xửa xưa, đời vua Lê Trang Tôn 1533, chuyện kể rằng có một người Tây dương tên là Inikhu ghé vào Trà Lũ, Ninh Cường (Nam Định) để vỡ đất, ương gieo hạt giống đức tin. Lại có chuyện ông Đỗ Hưng Viễn làng Bồng Trung (Thanh Hóa), người đầu tiên ghi tên mình vào Sổ Rửa Tội, đặng làm con chiên của Chúa (1570-1580). Kể cả một trang giáo sử đẹp như mơ, viết về những buổi hạnh ngộ đức tin giữa giáo sĩ Ordonez de Cevallos và công chúa Mai Hoa (Maria Flora, 1590) trong khung cảnh nhung gấm của cung đình[1].
Buổi ấy, cái thuở chưa mấy binh đao, người dân chân quê đồng đất mình ung dung sớm chiều ngửa mặt nhìn trời xanh, gõ nhịp hát bài đồng dao:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…
![]() |
Tượng linh mục Léopold Cadière, người có nhiều đóng góp cho văn hóa Việt Nam |
Cứ tưởng dạo khúc vào mùa êm ả ấy sẽ mở ra bát ngát những chân trời khoáng đãng, băng qua Biển Đỏ ráo chân, đi tới Đất Hứa, dựng lều trên bờ xôi ruộng mật. Tưởng đâu những lộc chồi tơ nhung mới nhú kia có ngày phải đơm bông đẫy hạt, kĩu kịt gánh về. Nào ngờ. Gai góc, hoang lau và cỏ lùng. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…
- 1599. Lê-Mạc-Trịnh, chế độ vua chúa lưỡng lập, tam lập tương tranh.
- 1613. Nguyễn Hoàng mở cõi ở phía Nam sông Gianh.
- 1627-1672. Hưu chiến. Bắc Nam củng cố cương vực.
- 1771. Tây Sơn khởi binh.
- 1778-1786. Chúa Trịnh suy tàn.
- 1789-1792. Nguyễn Huệ xưng vương.
- 1802-1884. Gia Long nhất thống sơn hà. Pháp xâm lăng và vong quốc[2].
Nhìn chung, toàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII và XIX khác nào bức tranh đậm nhạt những gam màu sáng tối. Trong đó khắc họa một kịch bản được viết nên bằng những chương hồi liên tiếp nhau của phong kiến cục bộ, phân liệt tương tranh, loạn ly cùng khổ, trăm họ nhiễu nhương. Cái khuynh hướng phiến động và cát cứ gần như là một căn bệnh di truyền, lưu cữu ở xã hội ta thuở ấy. Loạn Lê mạt, loạn từ Tam Phủ loạn ra; Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi Tây Sơn dựng nghiệp. Vừa khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà, tình hình có lắng dịu, yên ả được bao lăm (1802-1820), lại chuyển động, cấm cách, gió tanh mưa máu, dẫn đến nhà tan cửa nát và ngậm ngùi vong quốc do cuộc xâm lăng của Pháp [3].
Con đường tơ lụa văn hóa - đức tin
Chắc hẳn khi mới đặt chân lên vùng đất xa lắc xa lơ này, các giáo sĩ phương Tây đã sớm nhận ra hình ảnh và thực tế về một đất nước - con người Việt Nam. Việt Nam là một đất nước có bờ cõi, có chủ quyền và Việt Nam là một dân tộc có văn hiến, có pháp luật kỷ cương, có tổ chức hành chính; đặc biệt người Việt Nam còn sở hữu một thượng tầng kiến trúc, một gia tài quý báu là nề nếp phong tục tập quán, là kho tàng ngôn ngữ văn tự, là đời sống tâm linh phong phú đa dạng thể hiện qua những sinh hoạt lễ hội mùa vụ. Đó là phần xác và phần hồn của một đất nước, một dân tộc “vừa lớn vừa đẹp, nhân dân hiền hòa, dễ thương… Một mảnh đất coi như đã được dọn sẵn để vun trồng đức tin”[4]. Họ cũng thừa hiểu rằng, để giao lưu văn hóa, người Việt buổi ấy, một mặt đã gốc sâu rễ bền với cơ chế, khoa cử, tầng bậc giá trị của Hán học; vẫn tự hào với cái quá khứ rực rỡ vàng son của văn Nôm lịch triều; và mặt khác đại đa số quần chúng xem ra cũng vẫn nặng lòng với một nếp nghĩ, nếp cảm, nếp sống của riêng mình, cho riêng mình. Cả ba cùng song song tồn tại trong một cộng đồng. Biết lấy gì để chuyên chở đức tin? Con thuyền nào tải được đạo? Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Không thể đi ngang về tắt. Càng không thể đốt giai đoạn hoặc áp đặt điều gì được. Kinh nghiệm từ khuôn mẫu của R.Nobili, của Mic.Ruggieri và Nicolo Longobardi ở Ấn Độ và Trung Quốc còn tươi nguyên máu thịt đó. Phải tương kế tựu kế, gối lên sóng mà bơi, đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục. Bởi, tranh thủ người bình dân, đứng về phía quần chúng lao động xem ra dễ hơn là liều lĩnh xâm nhập vào cái hoàng triều cương thổ, vào cái pháo đài kiên cố của giai cấp vua quan, thượng lưu quý tộc kia. Bởi một khi vũ miếu và giáo mác gươm đao đã được tôn vinh như là biểu tượng của quyền lực thì có nghĩa gì đâu những kinh kệ, sách đèn? Đêm mịt mùng, phân rã. Mài mực ru con, mài son đánh giặc.
|
Một bản văn của Linh mục Griolamo Majorica, dòng Tên-SJ |
Hán, Nôm thì xa lạ, phức tạp, không dễ học tí nào. Còn tiếng nói của người dân xứ này “tôi tưởng chẳng bao giờ mong có thể học được”, bởi vì “các tiếng đều độc vận chỉ phân biệt ý nghĩa do nhiều giọng nói khác nhau, khi nói thì cứ như ca như hát”[5]. Nỗi đòi đoạn ấy không chỉ của riêng giáo sĩ Đắc Lộ, mà là bức xúc chung của các giáo đoàn. Nó thúc bách càng sớm càng tốt phải có một phương tiện để ghi nhận tiếng nói, để làm cầu nối từ hai phía. Đặc biệt để truyền đạo. Phải đem Tin Mừng đi trên con đường tơ lụa của văn hóa, của ngôn ngữ văn tự. Con thuyền chở đạo đã hạ thủy, giong buồm ra khơi, đến những chỗ nước sâu, xa bờ. Trong khi Majorica - với sự tiếp sức tiếp tay của các nho sĩ, các nhà sư vào đạo - dùng chữ Nôm để biên soạn hạnh tích các thánh, nhằm đáp ứng nhu cầu nghe - đọc truyện Nôm, một thói quen văn hóa sẵn có trong đời sống của giới bình dân thì Đắc Lộ lại toàn tâm toàn ý - hợp tác chặt chẽ với các thầy giảng Việt Nam, các bậc trí thức Việt Nam - để học ăn học nói học gói học mở, từng bước điển chế hóa chữ Quốc ngữ[6], bởi vì “học thêm được một ngôn ngữ là có thêm được một dân tộc”.
Như vậy có nghĩa là cùng một lúc, người Việt Công giáo mình vừa gìn giữ được quá khứ, đồng thời lại có thêm trong tay một công cụ mới mẻ, giản dị và nhanh gọn hơn để đọc, nói, viết, giao tiếp, diễn đạt tình ý với nhau. Công việc đại loại trên vẫn được kế tục và hoàn chỉnh sau này với hàng loạt tác phẩm có giá trị về lịch sử, ngôn ngữ của một số giáo sĩ như: Bori, Marini, Tissanier, Béhaine, Taberd. Còn phải kể đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học khá đồ sộ về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục mang tính bác học và kinh điển của linh mục L. Cadière (1869-1955) ở thế kỷ XX nữa. Đọc lại Thư Chung của các Đức Giám mục Phêrô Maria Gendreau Đông (1892-1925) và Đức Giám mục Phêrô Munagorri Trung (1907-1936), người đời sau là chúng ta như đọc được chính nỗi lòng thiết tha rất Việt Nam, rất văn hóa khi các ngài truyền đạt việc lập tràng đạo, tuyển chọn các thầy đồ và chỉ định các môn học là chữ Nho, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, Nam sử, cửu chương, các phép tính[7]… Kết quả là “Hầu hết trong các làng về địa phận ta (địa phận Trung - Bùi Chu) thì làng nào cũng có thầy dạy chữ Nho. Cả địa phận có độ 120 tràng học”[8].
Điều này, phải chăng, có khả năng soi sáng cho cái ngộ nhận rằng, khi phổ biến cách viết tiếng Việt theo mẫu tự Latinh, các giáo sĩ Tây phương đã tỏ rõ ý đồ “làm cho người Việt mình mất gốc (Hán Nôm) đi?”. Nói gì thì nói, cái tập thể là những nhà truyền giáo cùng với các cộng tác viên Việt Nam buổi ấy đã làm được một công trình để đời mang tính lịch sử về văn hóa và đức tin. Hán-Nôm đề huề để chuyển tiếp và dự báo buổi hừng đông đang đến của Quốc ngữ. Họ chỉ muốn được rao giảng Tin Mừng, được chia sẻ niềm tin Công giáo với anh em đồng bào, chứ đâu dám có tham vọng làm cái công việc to tát là “khai hóa” cho dân bản xứ.
Lê Đình Bảng
1 Nguyễn Hồng. Lịch sử Truyền Giáo Ở Việt Nam. Hiện Tại. Sài Gòn 1959.
2 Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Bộ Giáo Dục. Sài Gòn 1971.
3 Phạm Thế Ngũ. Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Quốc Học Tùng Thư 1965.
4 Hồng Nhuệ. Lịch Sử Đàng Ngoài. Đại Kết 1994.
5 Hồng Nhuệ. Hành Trình và Truyền Giáo. Đại Kết 1994.
6 Đỗ Quang Chính. Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659. Ra Khơi. Sài Gòn 1972.
7 Nguyễn Văn Trung. Về Sách Báo của Tác Giả Công giáo. TPHCM 1993.
8 Sử Ký Địa Phận Trung. Phú Nhai Đường, 1916.
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.