Từ những đứt gãy

Chuyện 1

Chẳng lẽ trong lúc nhìn anh đau đớn vật vã vì vợ anh bỏ anh mà ra đi, tôi lại nói với anh rằng không nên lý tưởng về tình yêu?

Chẳng lẽ trong lúc anh loay hoay với câu hỏi vì sao những lời hứa trước bàn thờ trong lễ cưới lại bị nàng bỏ qua dễ dàng đến vậy, tôi lại khuyên nhủ anh rằng bí tích là bí tích, Thiên Chúa là Thiên Chúa, con người vẫn là con người?

Chẳng lẽ trong lúc anh vẫn tin rằng sự đổ vỡ của anh chị là một nỗi đau với gia đình thuần thành Công giáo, thì tôi lại an ủi anh rằng, với những gì đang xảy ra, anh hãy lo chạy chữa cho trái tim bị đâm thủng của mình thay vì lo lắng cho sự day dứt trong đời sống đức tin của họ?

- Và cuối cùng tôi chỉ biết nói với anh rằng, tôi cám ơn anh vì vẫn nuôi những ý nghĩ tốt đẹp về người Công giáo, nhưng đúng là lúc này anh cần trở lại thực tế; rằng những yếu đuối là thuộc về bản chất con người; và rằng sự bội bạc là thuộc tính của con người ưa đổi thay. Người Công giáo thì cũng không phải ngoại lệ.

Người ta lạc lối khỏi ý định tốt lành của Thiên Chúa chẳng phải là chuyện đã xảy ra từ khởi thủy đó sao!

Vậy anh hãy tự băng bó lại vết thương và tiếp tục chữa lành, tiếp tục sống, nuôi niềm tin vào tình yêu và giữ giùm cho tôi những ý nghĩ tốt đẹp đã có về một tôn giáo mà anh đã yêu vì người bạn đời của mình thuộc về. Và yêu cho đến khi nàng không còn là bạn đời của mình.

Tôi lại kể cho anh nghe về sự tha thứ đã diễn ra trong Kinh Thánh và trong cuộc đời mà tôi đã đọc, đã thấy. Anh lắng nghe trong nỗi buồn riêng. Tôi hy vọng rằng anh sẽ thấu hiểu trong độ lượng, bởi từ khi chuẩn bị lấy vợ Công giáo, anh đã bỏ nhiều ngày để đọc Kinh Thánh, nghiền ngẫm Kinh Thánh từ Cựu ước sang Tân ước theo một cách thế riêng. Anh quyết định không bước hoàn toàn vào truyền thống Công giáo, nhưng trái tim lại nhìn thấy Chúa theo một cách riêng.

Người bạn đời của anh cũng từng vui vì điều đó. Cho đến lúc...

Gia đình là nơi đồng hành đầu tiên - GIÁO XỨ TÂN VIỆT

Chuyện 2

Khi em lấy chồng, niềm vui của cả gia đình đó là tìm được một chàng rể đàng hoàng, gia đình Công giáo thuần thành. Cha em là người sẵn sàng bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối. Ông biết con gái mình sẽ khó khăn khi lấy chồng nghèo, nhưng là trụ cột trong một gia đình cơ hàn tận cùng, ông vui khi nhìn thấy đức tin, tình yêu thương là cốt lõi để người ta tìm thấy hạnh phúc, không phải của cải.

Ngày con gái đi lấy chồng, mẹ em khóc nhiều. Bà không thể ngừng khóc khi trên bàn thờ trang trí lễ cưới đón dâu, họ nhà trai thậm chí trang trí một chữ “Phúc” lộn ngược. Nhưng rồi gạt qua những bối rối hình thức, mẹ em vẫn tin rằng gia đình nghèo ấy sẽ quý trọng yêu thương và bảo ban đứa con dâu để gia đình nhỏ có được một nền tảng tốt cho tương lai.

Nhưng rồi thời gian đi qua, những rạn nứt nho nhỏ đã khiến một thế giới ngụy trang được bày biện ra thật bẽ bàng. Cờ bạc đỏ đen đã nảy sinh trong cái nghèo. Sự bất hiếu, tranh chấp cũng dần dần hiển lộ trong cảnh đời khốn khó mà mỗi người phải vẫy vùng sinh tồn. Anh con rể hiền lành lịch thiệp bấy giờ trở thành kẻ vũ phu và sẵn sàng xúc phạm đến cả ông bà tổ tiên nhà vợ khi vợ chồng lục đục những chuyện rất nhỏ. Sui gia nhiều lần ném đồ đạc cô con dâu ra khỏi nhà thay vì bàn cách hàn gắn khi gia đình nhỏ lục đục...

Một gia đình nhỏ chơi vơi trong vùng xoáy của nợ nần săn đuổi, trong sự mất phương hướng bởi ngay cả đức tin cũng chỉ là thứ ngụy trang cho một giềng mối đời sống bị mục ruỗng sâu xa.

Mẹ em nhìn con gái mình vẫy vùng trong cảnh khổ. Bà tự trách mình ban đầu đã lý tưởng quá về truyền thống tôn giáo gia đình mà quên mất phải nhìn sâu hơn vào những giềng mối khác của thực tế.

Chuyện 3

Cho đến bây giờ thì chị vẫn dõi theo anh lặng lẽ. Nhiều năm trước, mối tình của họ bị cắt đứt bởi lý do không cùng đạo.

Anh lấy vợ, chị lấy chồng, họ đều đã có con cái, gia đình sung túc. Nhưng đúng như câu “ngó sen đứt tơ hãy còn vương”, trong sâu thẳm trái tim họ vẫn còn đó vết thương tuổi trẻ. Khi “trái gió trở trời” trong cuộc sống hôn nhân, họ vẫn nghĩ về nhau. Người này cảm nhận được rằng người kia đang sống cùng mình trong ý nghĩ. Và cũng trong ý nghĩ, họ được an ủi, ấm áp và có khi là cả tiếc nuối. Chị nói rằng, giữa họ vẫn có một làn ranh hoàn hảo để giữ gìn sự trân trọng, dầu không hiểu sao câu hỏi “giá như...” cứ lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của chị.

Giá như mình có thể mạnh mẽ hơn để vượt qua những áp đặt của gia đình...

Giá như khác đạo không phải là một rào cản sống còn của tình yêu đôi lứa...

Một gia đình được xây trên cốt lõi tình yêu, nơi mà mọi sự khác biệt được tôn trọng và hóa giải bằng tình yêu, chẳng phải đó đã là dẫn chứng cho sự hiện diện của Chúa đó sao? Chị tự hỏi sao những năm hai mươi tuổi, mình không nghĩ tới điều này để thuyết phục gia đình.

Hàng trăm lần “giá như” thì thời gian cũng không thể quay trở về cho một cơ hội chọn lựa khác đi. Những nuối tiếc hôm qua thường được xoa dịu bằng một phép thắng lợi tinh thần như ông Vũ Thành An đã viết trong lời bổ sung của một tình khúc Không tên: “Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau...”

Xem những “khổ đau” trong đời sống hôn nhân như một “mẫu số chung” có phải là cách để tạm thời xoa dịu những tiếc nuối để dễ chấp nhận những bất toàn thực tại hơn?

Chuyện 4

Nhiều năm trước, tôi đến nhà một dịch giả tiếng Pháp khá nổi tiếng. Ngôi nhà trong con hẻm nhỏ Sài Gòn, bước vào đã thấy một không khí bình an, hài hòa. Ông bà cụ tuổi tám mươi nhưng chăm sóc nhau chu đáo tình cảm, gọi nhau “anh anh em em” ngọt xớt như thuở hai mươi.

Trong căn phòng khách gia đình chật hẹp nhưng được sắp xếp nhẹ nhàng, tươm tất, ấm cúng, họ giải thích với tôi về cái bàn thờ trên đó có một tượng Chúa chịu đóng đinh cạnh một ảnh Phật ngồi dưới gốc bồ đề. Ông cụ nói rằng vì bà cụ theo đạo Công giáo, nên hằng tuần, ông vẫn chở bà đến nhà thờ dự lễ. Có khi ông ngồi cạnh bà trong thánh lễ để nghe Kinh Thánh. Những hôm tâm trí xao lãng, ông ra quán cà phê phía trước chờ tan lễ thì đón bà về. Còn chuyện đi chùa cũng tương tự, bà thấy thoải mái thì cùng nhau đến chùa ngồi tĩnh lặng, nếu không thì có thể ở nhà để ông đi một mình. Dù đến nhà thờ hay nhà chùa, dù đi cùng nhau hay không, thì họ cũng nhận ra ở nhau sự chia sẻ và tôn trọng. Vì thế mà Chúa và Phật ở cùng nhau trong mái ấm của họ suốt một cuộc hôn nhân không phải không nhiều khúc đoạn thác ghềnh, nhưng dưới một mái ấm “liên tôn”, mọi khác biệt được hóa giải, không có sự áp đặt độc tôn nào cả.

Con cái họ cũng học lấy tinh thần bao dung đó để mà trưởng thành và đi vào đời và họ đều thấy “dễ sống” với người khác.

Chuyện 5

Thánh lễ được tổ chức vào buổi sáng, là một lễ riêng chỉ vì chú rể không chịu làm tân tòng. Chú rể không thấy thế là một sự phân biệt. Còn cô dâu và gia đình thì có một chút chạnh lòng, dù ai cũng sẽ tự an ủi rằng, đó đã là một sự “cởi mở” để một cuộc hôn nhân được bắt đầu.

Phía trước họ là một cuộc hôn nhân được Chúa chúc lành, bình đẳng như mọi cuộc hôn nhân khác. Vì họ hiểu, dù thế nào, giờ của Chúa cũng đã đến với phép lạ của rượu tình yêu ngập tràn.

Còn lại, là con đường lữ hành thật dài với nhiều ngã rẽ phía trước.

- Này anh, chẳng phải nhiều năm trước khi bước vào cuộc hôn nhân với một người vợ Công giáo, dù bản thân không theo đạo của vợ nhưng anh cũng đã cảm nghiệm tình yêu có một phần quan trọng đó chính là thập giá đó sao?

Thập giá ngay dưới bóng thập giá. Tôi chúc cho những vết thương trong anh sớm lành lặn.<

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3   
Liên hoan Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3  
Liên hoan “Tiếng hát đồng bào Công giáo Quận 3” lần 4 năm 2024 đã diễn ra trong hai đêm 30 và 31.10.2024 tại Trung tâm Văn hóa Quận 3, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 3 phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành...
Dành thời gian cho con
Dành thời gian cho con
Một buổi chiều nọ, trong lúc cả nhà đang dạo chơi công viên, tôi bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang nô đùa với đứa con nhỏ của mình.
Chọn đối diện,  đừng chọn lảng tránh!
Chọn đối diện, đừng chọn lảng tránh!
Cô gái sinh trưởng trong một gia đình hòa thuận, cha mẹ đều tiến bộ, tâm lý trong cách dạy con, từ bé đã tự tin, dạn dĩ, năng động và có chính kiến. Đến tuổi thiếu nữ, cô đem lòng yêu một anh chàng khác hẳn mình: Hiền lành,...
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Ba tôi ở nhà thờ Thánh Phaolô
Chúng tôi trao đổi danh thiếp. Nhìn dòng địa chỉ, tôi buột miệng: “Chị ở khu Tên Lửa à? Ba em nghỉ ngơi ở nhà thờ Thánh Phaolô, nên em cũng thường ngang hướng đó”.
Nhớ quê
Nhớ quê
Sáng nay đi tập thể dục về ngang qua dãy nhà trọ, chị chợt xao xuyến khi nghe câu hát ru vẳng ra: “Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng - Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”. Ðã từ lâu, chị chưa về thăm vùng sông nước...
Trong làn khói hương
Trong làn khói hương
Em bé theo chân mẹ thắp hương nơi nghĩa trang các linh mục thuộc dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc trong một buổi sáng rực nắng vàng. Bé gái nói lý do muốn phụ mẹ thắp nhang vì nghĩa trang có rất nhiều ngôi mộ…
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Nhớ kinh cầu Ðức Bà
Tuổi thơ tôi lớn lên trong một xóm lao động ở Gò Vấp, ngay sau lưng ngôi thánh đường cổ kính Hạnh Thông Tây, gọi là “xóm nhà thờ”, nhưng có chưa đến phân nửa số gia đình trong xóm theo đạo Công giáo.
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Từ việc tăng, giảm nguồn nhân lực trong Giáo hội
Vatican vừa công bố thống kê về nhân lực trong Giáo hội. Số tín hữu gia tăng ở những vùng truyền giáo, nhưng lại giảm ở Âu châu. Số nữ tu và chủng sinh giảm.
Cơn sốt hàng giá rẻ
Cơn sốt hàng giá rẻ
Tuần qua, một vấn đề thời sự có sức thu hút, lôi kéo sự quan tâm của không chỉ người trẻ hay trung niên, mà cả những người lớn tuổi, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, đã bàn tán rôm rả, vui có mà lo âu cũng có,...