Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bộ ngành liên quan phải điều chỉnh giá heo hơi về 70.000 đồng/kg để bình ổn giá cho người dân, nhất là đang trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên từ sau ngày 1.4.2020, giá chỉ về mức yêu cầu được vài ngày, thì lại nhảy vọt lên hơn 90.000 đồng/kg heo hơi. Cú nhảy này vẫn ở cao cho đến tận hôm nay, làm cho giá thịt heo ở thị trường vẫn ở mức ngất ngưởng, dao động từ 180 - 200 nghìn/kg. Hiện tượng một loại thực phẩm thiết yếu tăng cao sẽ đẩy chỉ số lạm phát (CPI) tăng lên và làm cho giá trị lao động của người dân bị giảm đi vì lạm phát, có thể ảnh hưởng nhiều đến nhóm lao động nghèo, cận nghèo trong xã hội.
![]() |
Giá thịt heo tăng cao được ngành chức năng trả lời là do chênh lệch giữa cung và cầu. Khi cầu cao và cung không đủ sẽ dẫn đến tăng giá thịt. Cách trả lời như vậy không sai, nhưng chưa thuyết phục. Chính phủ đã nỗ lực nhiều để bình ổn giá thịt heo, như khảo sát để tái đàn heo sau dịch tả heo Châu phi, nhập thịt heo từ bên ngoài vào các siêu thị để phân phối. Tuy nhiên giá cả không được cải thiện nhiều. Thực trạng này cho thấy, việc điều tiết giá cả một mặt hàng thiết yếu như thịt heo, không chỉ đơn thuần dựa vào các giải pháp hành chính, bởi đó là quy luật khách quan của thị trường, nhưng cần phải giải quyết tận gốc từ chuỗi chăn nuôi như khâu thức ăn, các trại giống, trại chăn nuôi, lò mổ và bán ra thị trường…
Còn một số nguyên nhân quan trọng khiến giá thịt heo trên thị trường leo lên là do có quá nhiều khâu trung gian. Từ khâu giết mổ đến khâu bán hàng đều manh mún nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát giá. Ðược lợi trong việc cung thịt heo hiện nay, có lẽ là các tiểu thương trung gian, đã tranh thủ đẩy giá trục lợi.
Tất nhiên, còn có yếu tố người ta khó bỏ đi những thói quen ăn uống, tiêu dùng. Ngoài thịt heo, có rất nhiều thực phẩm thay thế, nhưng nhiều gia đình vẫn không quen dùng, chỉ vài bữa là trở lại với thịt heo. Vì vậy, công bằng mà nói, sự góp phần cho giá thịt heo tăng cao hiện nay còn từ thói quen tiêu dùng của con người.
Từ câu chuyện này cho đến những việc khác như giá điện tăng cao, an toàn thực phẩm, nắng nóng, mưa lũ, dịch bệnh… mới thấy trong thời hiện đại, con người vẫn phải đổi mặt với nhiều “khủng hoảng” từ các khía cạnh khác nhau trong đời sống.<
Ngô Quốc Ðông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.