Ngày 1.10 hằng năm được thế giới chọn là ngày “Quốc tế người cao tuổi”.
Kinh Thánh đã ca tụng tuổi già vì tuổi già là hồng ân của Thiên Chúa, là phúc lành của Chúa (x. St 11, 10-32), người già được kính trọng bởi “người đầu bạc thì khôn ngoan” (Kn 4, 7-15); sách Châm ngôn viết “đầu bạc là một triều thiên vinh dự” (Cn 16,31); Thánh vịnh 92 cũng ca tụng “Già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92,15); còn sách Huấn ca thì ví người già như “Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Ðức Chúa. Cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ” (Hc.1,20). Ðó là những nhận định của Sách Thánh xưa, còn trong thời hiện đại, Giáo Hội và các chủ chăn cũng luôn có những lời mời gọi trân trọng người cao niên vì những giá trị vô cùng to lớn họ có thể đem đến cho nhân loại nói chung và Hội Thánh nói riêng. Ðức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng khẳng định : “Ðược sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì tất cả mọi người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Phục Sinh một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo Hội”. Còn Ðức Thánh Cha Phanxicô thì từng nhắc nhở : “… Một dân tộc có sự phong phú của người già và trẻ em là một dấu hiệu cho thấy một dân tộc biết quan tâm, chăm sóc và coi họ như một báu vật, một kho tàng. Ðó chính là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, hứa hẹn một tương lai xán lạn. Do vậy, tình yêu của Thiên Chúa là luôn gieo rắc tình yêu và làm cho dân Ngài tăng tiến. Ðừng sống văn hóa vứt bỏ. Xin lỗi anh em, các cha xứ, vào mỗi buổi tối, khi các cha làm phút hồi tâm hay xét mình, xin hãy tự hỏi mình câu hỏi này : hôm nay tôi đã cư xử thế nào với người già và với trẻ em ? Nó sẽ giúp chúng ta rất nhiều…”. Thật vậy, cuộc sống là một quà tặng, và khi một người sống lâu thì đó là một đặc ân cho người đó và cho cả những người khác nữa. Ðiều này được thể hiện khá rõ trong đời sống đạo chúng ta, vì khi mọi người đều được mời gọi nên thánh để kết hợp thân mật chặt chẽ với Ðức Kitô, thì người già là các mẫu gương đậm nét bởi họ có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý hơn. Chính vì vậy mà Ðức Phanxicô vẫn thường mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội chăm sóc người già, đến với họ bằng “một nụ cười trên khuôn mặt và Tin Mừng trong tay”, vì người già không chỉ là đối tượng quan tâm của Giáo Hội, mà còn là “những tác nhân trong một sứ vụ truyền giáo mục vụ, những nhân chứng được ban đặc ân của tình yêu tín trung của Thiên Chúa…”. Cũng với chiều hướng giúp giáo dân nhìn ra vai trò của người già trong nhịp sống của Giáo Hội, mới đây, khi nói chuyện về việc “Nên Thánh với người cao tuổi”, Ðức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên chia sẻ : “… Càng có tuổi, người ta càng có tâm tình tôn giáo, mặc dù quan niệm và sự hiểu biết về tôn giáo có khác nhau. Ở vào tuổi sắp về Trời, người già càng cảm nhận mãnh liệt hơn ơn Trời luôn tuôn đổ phủ kín cuộc đời họ. Từ tâm tình tri ân, người già làm sinh động tháng ngày già của mình bằng cầu nguyện. Cứ nhìn các cụ thầm thĩ cầu nguyện, tay mân mê tràng hạt, mắt nhắm nghiền sốt sắng cầu kinh, ta sẽ thấy tâm tình tôn giáo là nhân tố quan trọng làm cho tuổi già được quân bình, tự tại...”.
Vâng, ước mong mỗi chúng ta cùng đặt người cao niên vào từng vị trí đúng, để Giáo Hội luôn là hôm nay, là ngày mai, nhưng được dựa trên nền tảng của hôm qua.
Công giáo và Dân tộc
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.