Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một, 2017 14:38

Tưởng nhớ người đã khuất

Người thân đã qua đời luôn được các tín hữu Công giáo quan tâm. Tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mà họ sẽ có những cách viếng thăm, cầu nguyện cho các linh hồn.

 

VIẾNG NHÀ HÀI CỐT

Chị Nguyễn Ngọc Tuyết (Gx Hạnh Thông Tây, TGP.TPHCM): Ở xứ tôi, nhà hài cốt thường mở cửa vào Chúa nhật nên tuần nào sau khi tham dự thánh lễ, tôi đều ghé vào đọc kinh cho bố mẹ và người thân bên chồng. Ông bà cụ là người đạo gốc, ngày còn sống rất thích tham gia công việc Nhà Chúa, lại sinh hoạt trong nhóm Huynh đoàn Ðaminh ở giáo xứ nên tôi cũng được bố mẹ truyền cho tinh thần sống đạo sốt sắng. Ngoài ra, vào dịp lễ giỗ, lễ bổn mạng, tôi cũng không quên xin lễ cầu nguyện cho người thân nội ngoại.

HOẠT ÐỘNG CẦN LƯU GIỮ TRONG GIA ÐÌNH

Chị Vũ Thị Bích Thủy (Gx Mân Côi, TGP.TPHCM): Mỗi tuần, cả nhà tôi thường ra Nhà Chờ Phục Sinh để thắp nhang và đọc kinh cho ông bà đã khuất. Bản thân tôi cảm thấy rằng đây là hoạt động ý nghĩa và đáng lưu giữ trong sinh hoạt gia đình. Qua đó, thế hệ sau được nhắc nhớ về những công ơn của người đi trước và sẽ biết cố gắng sống tốt như kỳ vọng của cha ông. Giáo xứ tôi rất quan tâm đến việc tổ chức tưởng nhớ các người đã mất trong tháng 11. Ngoài việc dự lễ, chúng tôi còn làm các giờ kinh cầu nguyện cho những người thân đã qua đời. Tôi mong rằng, không chỉ trong tháng 11, mà cuối mỗi tháng, thánh lễ sẽ được dâng tại nơi an nghỉ của người đã  khuất để các ngài không cảm thấy cô đơn.

THƯỜNG XUYÊN DỰ LỄ

Anh Nguyễn Phước Tôn (Gx Lộ Ðức, GP Long Xuyên): Nếu được thăm viếng thân nhân đã khuất nơi quê nhà, nhất là vào ngày 2.11 thì không còn gì bằng. Nhưng với hoàn cảnh phải xa quê như học tập hay đi làm, thì cũng không được phép quên cầu nguyện. Trong việc cầu cho các linh hồn, dù mình tưởng nhớ ông bà nơi quê nhà hay ở xứ người cũng không có sự khác biệt. Trong tháng 11 và nhất là ngày lễ Các đẳng, nếu không về quê viếng mộ được, hãy xin lễ, tham dự thánh lễ thường xuyên, và cầu nguyện mỗi ngày...

TƯỞNG NHỚ KHÔNG CHỈ NGÀY LỄ

Ông Hà Dương (GP Ðà Lạt): Vào những ngày lễ, tết hay giỗ chạp, chúng ta thường nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất, có nhà cả gia đình ra đất thánh để đọc kinh, cầu nguyện. Ðây là một truyền thống đáng trân trọng khi không quên ơn đấng sinh thành. Nhưng tôi nghĩ, mỗi chúng ta cũng cần phải nhớ đến các bậc tiền nhân nhiều hơn, không riêng vào ngày lễ giỗ, do đó, những ngày bình thường nơi đất thánh cũng nên có sự viếng thăm, chăm nom. Riêng cả gia đình tôi vẫn có thói quen đi thắp nhang, đọc kinh nơi mộ ông bà thường xuyên trong năm.

NHIỀU CÁCH THỂ HIỆN

Anh Micae Nguyễn Bá Lộc (Gx Phú Hạnh, TGP.TPHCM): Khái niệm thăm viếng người đã được Chúa gọi về không chỉ thể hiện qua việc đi đến mộ phần của họ, mà còn qua những hoạt động tưởng nhớ khác. Mỗi lần đến nhà thờ tham dự thánh lễ, tôi vẫn thường ghé qua nhà hài cốt cầu nguyện cho người thân. Ðây là việc mà tôi thực hiện xuyên suốt, riêng trong những dịp lễ đặc biệt, niềm thương nhớ được bày tỏ thông qua việc xin lễ, cùng nhau tham dự thánh lễ, sau đó, gia đình quây quần trong bữa cơm sum họp và tổ chức giờ kinh chung cùng nhau.

ẤM ÁP NGÀY ÐẦU NĂM

Chị Nguyễn Thị Phượng (Gx Ðức Hòa, GP Mỹ Tho): Ðều đặn mùng 2 Tết hằng năm, gia đình mình dù ở đâu đều quy tụ tham dự thánh lễ cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ tại đất thánh của họ đạo, nơi có mộ phần ông bà cố. Ðây là một hoạt động được cha sở tổ chức đều đặn hằng năm và được giáo dân hưởng ứng rất tích cực. Ðây như một truyền thống gia đình, vừa của giáo xứ, tạo nên mối liên kết giữa các thế hệ trong gia đình và cộng đoàn. Mọi người đến đất thánh từ rất sớm, lau chùi mộ phần tổ tiên, chuyện trò rôm rả hỏi thăm nhau càng làm cho bầu không khí đầu năm thêm ấm áp. Mình được gặp lại họ hàng ở xa, được nghe kể những chuyện xưa của gia đình. Chuyến tảo mộ đầu năm này luôn khiến mình nôn nao mong chờ!

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm