Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa kết thúc chưa đầy tuần lễ với âm hưởng tốt lan tỏa tới nhiều bạn bè quốc tế, thì một cảnh tượng không mấy đẹp mắt lại diễn ra chính nơi đây, đó là: nhiều người dân đi đường tranh giành, lao vào lấy những chậu hoa trang trí đường phố một cách tùy tiện. Ðám đông thiếu ý thức đã tạo ra một cảnh tượng tắc đường vì nhiều người tham gia giao thông cũng lao vào “hôi hoa”, bỏ lại phương tiện trên đường phố. Không chỉ ở Hà Nội, tại ga Ðồng Ðăng - Lạng Sơn, cả ngàn chậu hoa trang trí ở đó cũng bị người dân dọn sạch.
Nhìn đoạn đường Kim Mã trước và sau hội nghị đúng là không thể tưởng tượng nổi. Trước đó là một đường hoa đẹp mắt giờ đã bị tàn phá hoang phế, bẩn thỉu cát đất đầy đường.
Tình trạng “hôi hoa” đã xảy ra không phải chỉ một lần mà còn ở không ít những lễ hội đã tạo ra hình ảnh xấu. Nhiều người tự cho rằng bản thân người Hà Nội không làm vậy, mà đó là hành vi của những cư dân nơi khác. Không biết nhận định như vậy có chính xác không, nhưng điều này cho thấy một sự đa dạng trong lối sống và hành xử văn hóa của một thủ đô hướng tới hiện đại luôn đặt ra cho ngành quản lý văn hóa những thử thách mới, đặc biệt giáo dục người dân về văn hóa cộng đồng.
Câu chuyện “hôi hoa” còn cho ta những suy nghĩ gì sau đó? Phải chăng là thói quen tùy tiện của người Việt ta. Nhìn rộng ra, đúng là rất đang có những hành vi thiếu ý thức: Tùy tiện vứt rác, tùy tiện thả chó, tùy tiện vượt đèn đỏ, tùy tiện phóng uế, tùy tiện bỏ việc, tùy tiện lấy hoa công cộng… Cái tùy tiện thực chất là thiếu ý thức kỷ luật hoặc không hiểu rõ về hành vi của mình. Suy cho cùng, tùy tiện chính là một sản phẩm của tư duy chỉ biết mình so với bối cảnh hiện đại đang đòi hỏi con người ứng xử với nhau dựa trên sự hiểu biết và các chuẩn mực đạo đức xã hội.
Có lẽ thương hiệu của một thủ đô văn minh hiện đại, thân thiện, văn hóa… cần phải củng cố hơn nữa và cần sự chung sức của mọi cá nhân và cộng đồng. Thương hiệu xây dựng rất khó, còn phá bỏ thì cực dễ !
Ngô Quốc Ðông
Bình luận