Ukraine và nguy cơ khủng hoảng thực phẩm toàn cầu

Sau khi tạo nên cú sốc cho các thị trường năng lượng, cuộc chiến tại Ukraine đang đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng sâu rộng hơn nữa: thiếu lương thực, thực phẩm.

Một tỷ trọng đáng kể lúa mì, bắp và lúa mạch của thế giới đang bị mắc kẹt tại Nga và Ukraine do cuộc xung đột tại đây. Trong khi đó, thậm chí phần lớn hơn nữa về phân bón của thế giới chưa thể ra khỏi biên giới của Nga và Belarus vì cấm vận. Kết quả là giá thực phẩm và phân bón toàn cầu đang gia tăng. Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24.2, đến thời điểm hiện tại, giá lúa mì thế giới đã tăng 21%, lúa mạch tăng 33% và một số mặt hàng phân bón tăng đến 40% so với trước đó.

Giờ đây, các nhà kinh tế học, những tổ chức viện trợ và các quan chức chính phủ đang lên tiếng cảnh báo hậu quả trước mắt: thế giới đối mặt với nạn đói chực chờ lan rộng.

Các nông dân Brazil cũng đang giảm lượng phân bón, đe dọa năng suất thu hoạch trong vụ tới

Thảm họa chồng thảm họa

Thảm họa trên là hệ quả khi nổ ra chiến sự có sự can dự của thế lực lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa. Giá thực phẩm, phân bón, dầu khí và thậm chí các kim loại như nhôm, nickel và palladium đồng loạt tăng vọt. Không dừng lại ở đó, giới chuyên gia dự kiến điều tồi tệ hơn vẫn đang chờ ở phía trước. “Ukraine chỉ là một cú hích gây phức tạp hơn thảm họa đã có sẵn”, tờ The New York Times dẫn lời ông David Beasley, Tổng Giám đốc điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP). Ông Beasley, người đứng đầu cơ quan LHQ đang hỗ trợ thực phẩm cho 125 triệu người/ngày, cảnh báo nhân loại đang trải qua thảm họa chưa từng có kể từ khi thế chiến thứ 2 kết thúc.

Các nông trại ở Ukraine chuẩn bị mất đi thời điểm thu hoạch vụ mùa hiện tại và không thể trồng vụ mùa kế tiếp. Những nhà máy phân bón châu Âu buộc phải cắt giảm đáng kể năng suất vì giá năng lượng cao. Các nông dân từ Brazil đến Mỹ (cụ thể bang Texas), cũng đang giảm lượng phân bón, đe dọa năng suất thu hoạch trong vụ tới. Trong khi đó, Trung Quốc đang đối mặt vụ mùa thu hoạch lúa mì tệ hại nhất trong nhiều thập niên vì lũ lụt nghiêm trọng, và cũng có kế hoạch thu mua lúa mì trên toàn cầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước. Còn Ấn Ðộ, quốc gia thường xuất khẩu một lượng nhỏ lúa mì hằng năm, đã nhận đơn đặt hàng nước ngoài với nhu cầu cao hơn gấp 3 so với năm ngoái.

Trên toàn thế giới, ảnh hưởng của cuộc xung đột vũ trang còn thể hiện ở giá rau củ quả, gia vị, những mặt hàng có trên danh sách đi chợ mỗi ngày của người dân. Tháng 2, giá những mặt hàng này ở Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà kinh tế học dự kiến chiến sự Ukraine sẽ còn tiếp tục thổi giá của những mặt hàng trên.

Giá nhiều loại thực phẩm không ngừng tăng trong thời gian qua vì ảnh hưởng của chiến sự

Người đói nhường phần cho người sắp chết đói

Ðối với những ai đang đứng trước bờ vực bất ổn an ninh lương thực, đà tăng giá mới nhất có thể đẩy nhiều người rơi vào tình thế ngặt nghèo. Sau thời gian duy trì trạng thái không đổi suốt 5 năm, số người nghèo đói trên toàn thế giới đã tăng thêm 18% trong giai đoạn đại dịch Covid-19, lên mức từ 720 triệu đến 811 triệu người.

Ðầu tháng 3, LHQ cho biết chỉ tính riêng ảnh hưởng của chiến sự đối với thị trường thực phẩm thế giới cũng có thể đẩy thêm từ 7,6 đến 13,1 triệu người đến ngưỡng thiếu ăn. Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, chi phí của WFP đã tăng thêm 71 triệu USD/tháng, nếu không có đủ tài chính để đáp ứng, nghĩa là phải cắt phần ăn của khoảng 3,8 triệu người. “Chúng tôi sẽ phải lấy phần ăn của người đói để chia cho người sắp chết đói”, ông Beasley thuật lại thực trạng mà người nghèo trên thế giới phải đối mặt.

Armenia, Mông Cổ, Kazakhstan và Eritrea gần như nhập khẩu toàn bộ lúa mì từ Nga và Ukraine, vì thế buộc phải tìm nguồn cung mới. Thế nhưng, những nước này đang phải cạnh tranh những phía mua lớn hơn, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh và Iran. Ðây là nhóm nước thu mua hơn 60% số lúa mì từ hai quốc gia đang xảy ra xung đột vũ trang ở Ðông Âu.

Bên cạnh đó, tình trạng giá lương thực tăng cao từ lâu là chất xúc tác cho những cuộc biến động xã hội, chính trị ở các nước nghèo của châu Phi và Ả Rập. Khi đại dịch lan rộng và giá năng lượng tăng cao, nền kinh tế và ngân sách hoạt động của những quốc gia này bị ảnh hưởng đáng kể. Và cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy họ đến nguy cơ vỡ nợ. Ví dụ, Tunisia đã phải xoay sở chi trả một số mặt hàng lương thực nhập khẩu, và giờ đây đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ kinh tế sụp đổ. Tình trạng lạm phát đã dẫn đến những cuộc biểu tình ở Ma Rốc, và góp phần một lần nữa khuấy động tình thế bất ổn và bạo lực mới ở Sudan.

Ở Afghanistan, các tổ chức viện trợ cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây đã trầm trọng hơn vì chiến sự ở Ukraine, khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cung cấp lương thực cho khoảng 23 triệu người (hơn 50% dân số Afghanistan). Thậm chí vào thời điểm chiến sự chấm dứt, dư âm ảnh hưởng sẽ còn tiếp tục kéo dài và chưa rõ khi nào có thể chấm dứt.

Trong hơn 5 năm qua, Nga và Ukraine cung cấp gần 40% sản lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới; 17% số lượng bắp (đồ ăn chủ yếu của gia súc, gia cầm); và 75% lượng dầu hoa hướng dương. Nga không thể xuất khẩu lương thực vì lệnh cấm vận của phương Tây và đồng minh. Trong khi đó, Ukraine bị cắt đứt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nga phong tỏa Biển Ðen và Ukraine không đủ tàu hỏa để vận chuyển lương thực xuất khẩu bằng đường bộ. Tình hình sắp tới càng thêm khó khăn hơn cho vụ mùa sau, đặc biệt ở Ukraine. Ngày 11.3, Bộ Nông nghiệp Ukraine đề nghị nước ngoài cung cấp 1.900 toa xe chở nhiên liệu, vì các nông trại nước này đang bị đẩy vào tình trạng cạn kiệt nhiên liệu, vốn chuyển cho quân đội phục vụ chiến sự. Bên cạnh đó, LHQ ước tính tối đa 30% diện tích đất nông nghiệp Ukraine đã trở thành chiến trường. Và hơn 10 triệu người dân nước này phải sơ tán, không còn đủ lực lượng để làm việc ở các nông trại.

GIANG VÔ YÊN

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Bất chấp hoàn cảnh trớ trêu, ông Paul Alexander (1946-2024) không đầu hàng số phận mà nỗ lực để trở thành nhân vật truyền cảm hứng sau 72 năm sống trong phổi sắt.
Ngôi nhà  cân bằng năng lượng ở Mỹ
Ngôi nhà cân bằng năng lượng ở Mỹ
Một ngôi nhà mang tính đột phá, cân bằng năng lượng (phát thải zero) ở bang Wyoming (Mỹ), đang giúp thay đổi phương thức xây dựng của các nhà thầu. Các chủ sở hữu nhà cũng nhìn nhận về thiết kế thân thiện môi trường này.
Hội Báo toàn quốc 2024 lan tỏa tinh thần đổi mới và gia tăng sự kết nối...
Hội Báo toàn quốc 2024 lan tỏa tinh thần đổi mới và gia tăng sự kết nối...
Hội Báo toàn quốc 2024, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ban ngành tổ chức, đã diễn ra tại TPHCM từ ngày 15.3 đến 17.3.2024.
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Cuộc sống 72 năm trong “phổi sắt” của luật sư, tác giả kiêm ngôi sao TikTok
Bất chấp hoàn cảnh trớ trêu, ông Paul Alexander (1946-2024) không đầu hàng số phận mà nỗ lực để trở thành nhân vật truyền cảm hứng sau 72 năm sống trong phổi sắt.
Ngôi nhà  cân bằng năng lượng ở Mỹ
Ngôi nhà cân bằng năng lượng ở Mỹ
Một ngôi nhà mang tính đột phá, cân bằng năng lượng (phát thải zero) ở bang Wyoming (Mỹ), đang giúp thay đổi phương thức xây dựng của các nhà thầu. Các chủ sở hữu nhà cũng nhìn nhận về thiết kế thân thiện môi trường này.
Hội Báo toàn quốc 2024 lan tỏa tinh thần đổi mới và gia tăng sự kết nối...
Hội Báo toàn quốc 2024 lan tỏa tinh thần đổi mới và gia tăng sự kết nối...
Hội Báo toàn quốc 2024, do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM và các bộ, ban ngành tổ chức, đã diễn ra tại TPHCM từ ngày 15.3 đến 17.3.2024.
Những cảm xúc khi dõi theo sự Thương Khó của Chúa
Những cảm xúc khi dõi theo sự Thương Khó của Chúa
Trong Tuần Thánh, các tín hữu khắp nơi một lần nữa được nghe lại trình thuật cuộc Thương Khó của Ðức Giêsu dưới nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất là nghe đọc Phúc Âm và đi đàng Thánh Giá.
Hội Báo toàn quốc năm 2024
Hội Báo toàn quốc năm 2024
Sáng ngày 15.3 tại TPHCM, Hội Báo toàn quốc đã khai mạc, quy tụ sự tham dự của 63 chi hội nhà báo các tỉnh, thành cả nước với 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí đặc sắc.
Hội Báo toàn quốc năm 2024 sắp khai mạc tại TPHCM
Hội Báo toàn quốc năm 2024 sắp khai mạc tại TPHCM
Hội Báo toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 15 - 17.3 tại TPHCM. Các cơ quan báo chí trên cả nước đang chuẩn bị những khâu cuối cùng, sẵn sàng cho ngày khai mạc.
Một điểm đến lý thú để thêm yêu khoa học
Một điểm đến lý thú để thêm yêu khoa học
Ði vào hoạt động tròn hai năm, Trung tâm Khám phá khoa học Qui Nhơn tọa lạc ở con đường mang tên Ðại lộ Khoa học (phường Ghềnh Ráng, TP. Qui Nhơn) trở thành địa chỉ du lịch khám phá mới được chú ý bởi sự “độc lạ” và “hiếm...
Dubai và dự án  “sân bay của tương lai”
Dubai và dự án “sân bay của tương lai”
Giới lãnh đạo UAE có kế hoạch xây dựng sân bay lớn nhất thế giới ở giữa sa mạc, biến nơi này trở thành đô thị sân bay của khu vực.
Những lớp học không cần máy lạnh ở châu Phi
Những lớp học không cần máy lạnh ở châu Phi
Các kiến trúc sư dùng vật liệu địa phương và kết hợp kỹ thuật truyền thống với công nghệ hiện đại để xây dựng những lớp học không cần máy lạnh ở Burkina Faso.