Thứ Tư, 13 Tháng Tư, 2022 17:40

Vai trò giám sát của người dân trong trùng tu di tích?

 

Tháng trước, một vụ việc tu bổ đền thờ Lê Văn Hưu ở Thanh Hóa bị dừng thi công do gặp phản ứng của người dân với việc trùng tu, tôn tạo. Nguyên nhân là việc trùng tu Giếng Ngọc tại khu di tích quốc gia này đã được cho là làm mất đi giá trị và vẻ đẹp nguyên trạng của giếng cổ.

Ðã có không ít sự cố trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Chẳng hạn trước đó, trong quá trình thi công tu bổ chùa Thổ Hà, đơn vị thi công đã làm vỡ đôi tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ 17 với nhiều giá trị văn hóa gắn liền. Hay mới đây nhất, khi tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm ở Bắc Từ Liêm - Hà Nội, người ta đã tự ý chặt bỏ cây đa lớn tại đây, đồng thời những bậc thềm cổ của di tích quốc gia đặc biệt này cũng bị thay mới…

Chuyện ghi ở hiện trường trùng tu khu Tháp G Mỹ Sơn - Tuổi Trẻ Online

Sự việc này cho thấy đã không có gắn kết của các nhà chuyên môn và cộng đồng cư dân sở tại trong hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích. Bất cứ hoạt động trùng tu nào cũng nên tham khảo các nhà khoa học có chuyên môn về lĩnh vực đó để bảo đảm tính nguyên vẹn cũng như các giá trị vật thể, phi vật thể của di tích. Ngoài các ý kiến chuyên môn, cũng cần tham khảo trưng cầu ý kiến của nhân dân sở tại. Vì họ chính là chủ thể của văn hóa. Chính họ là người giữ gìn các giá trị lịch sử văn hóa của di tích và là người hiểu rõ các giá trị di tích. Càng không nên chỉ dựa vào góc nhìn duy nhất của cơ quan quản lý. Tình trạng này cũng phản ánh sự giám sát các hoạt động trùng tu không chặt chẽ, khi không ít di tích, hiện vật đã bị hư hại, không còn nguyên trạng...

Rõ ràng, việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử đang có sự buông lỏng trong quản lý, thiếu sự nghiên cứu kỹ càng, việc giám sát và thi công chưa chặt chẽ. Ðiều này dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo bị sai, làm mai một đi những giá trị di sản lịch sử, văn hóa. Cần tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, vốn là chủ thể văn hóa của di tích trong suốt quá trình trùng tu, tôn tạo tránh những sai lầm đáng tiếc.

Trùng tu di tích không chỉ là vấn đề văn hóa mà nó gắn liền với đời sống nhân dân, và là động lực ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, tâm linh tôn giáo đã trở thành những nguồn lực cho hoạt động du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Bởi vậy trùng tu, tôn tạo, không chỉ gìn giữ các di tích lịch sử, văn hóa mà còn tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sinh kế người dân. Trong quá trình này, nhất định phải có cơ chế tham gia, giám sát phản biện của người dân sở tại. Vì di tích, ngoài ký ức, văn hóa và lịch sử, đôi khi còn là sinh kế của cả cộng đồng. Nếu di tích bị sai lạc, các giá trị không được phát huy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.

 

Ngô Quốc Ðông

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm