Thứ Ba, 19 Tháng Giêng, 2021 15:15

Văn hóa không nhận sai nhưng sửa sai

 

Trong văn học cổ điển, cuốn Tam Quốc diễn nghĩa, có bốn nhân vật kiệt xuất. Tào Tháo là một trong Tứ Kiệt: “Kiệt gian hùng”. Tư Mã Ý nói về Tào Tháo như sau: “Ông ta không bao giờ nhận sai, nhưng lại sửa sai”. Tại sao? Trong chiều kích mục vụ “Ðông - Tây”, hòa hợp. Tôi xin mạo muội chia sẻ về văn hóa Ðông phương: “Không nhận sai, nhưng sửa sai”. Và đối với văn hóa Tây phương: “Nhận sai, xin lỗi, sửa sai”.

 

Trước hết, Phúc Âm đề cập về “Dụ ngôn hai người con”1. Người con cả đáp lại yêu cầu của người Cha, anh nói: “Con không muốn đi làm”. Nhưng sau đó anh hối hận, nên lại đi. Nhưng người con thứ nói: “Thưa Cha, con đây”! Nhưng rồi lại không đi. Tất nhiên người con cả đã thi hành theo ý muốn cha mình. Chúa Giêsu kết luận: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông, vì họ là những người nhận ra con đường công chính, và sau đó họ đã “Tin và hối hận”.

ĐGH Gioan Phaolô II tại Bức Tường Than Khóc vào 25.3.2000

 

Văn hóa Ðông phương. Vì ảnh hưởng văn hóa Tâm linh2, tin có Trời: “Trời biết, Hoàng Thiên hữu nhãn”. Giấu được người nhưng không thể dối được Ông Trời. Sống “Hài hòa âm dương”, nhưng thiên về “Âm tính”, nên không nhận sai ngay, nhưng sau đó sửa sai. Cụ thể, vì ảnh hưởng Nho giáo, có bệnh “Sĩ diện”, trọng “Danh dự”, “Sợ dư luận”. Văn hóa Khổng giáo trọng Thầy, nếp sống trọng Nam, óc gia trưởng: “Trứng không khôn hơn rận; mặc áo không qua khỏi đầu”; Nhưng phục thiện, sửa sai. Suy nghĩ, nhận ra cái sai, cái đúng, cái có hại, cái có lợi hơn. Người khôn là người biết sửa sai một cách danh dự.

Văn hóa Tây phương. Với óc khoa học, dương tính, chính xác, đúng, rõ ràng, không thể chối cãi, nhận lỗi là thành thực nhất và khôn nhất: “Nhân chứng vật chứng”. Trở thành nền Văn hóa: “Nhận, xin và sửa”. Trường hợp Giakêu đã không những nhận sai mà còn thể hiện tấm lòng rộng rãi, vị tha, rất hào phóng thực thi công bằng: “Làm phúc một nửa gia tài và đền bù gấp bốn những gì đã làm sai”3.

Theo Phúc Âm, Sám hối khởi đầu sự thánh thiện. Mở đầu con đường cứu thế của Chúa Giêsu, Ngài kêu gọi công khai rằng: “Sám hối và tin vào Phúc Âm”4. Có nghĩa là “Nhận sai, xin lỗi và sửa sai”. Sửa sai vì lý tưởng, vì tin vào Nước Trời.

Thứ đến, theo Công đồng Vatican II. Giáo hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân5. Sám hối nội tâm và sám hối bên ngoài, có tính xã hội6. Tôi còn nhớ, chính Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhiều lần xin lỗi công khai về lịch sử của Giáo hội trong quá khứ.

Lỗi lầm là bình thường của một con người. Quan trọng và cần nhất là biết nhận ra lỗi và quay đầu, trở lại là bờ, sám hối, giác ngộ.

Ðề phòng óc gia trưởng, tôn ti trật tự; óc bè phái, cục bộ địa phương và chủ nghĩa gia đình, đây là căn bệnh và là lực cản đổi mới, phát triển Giáo hội và Dân tộc Việt Nam trong lúc này.

Người trí tuệ, sáng suốt, suy đi nghĩ lại, nhận ra cái lý đúng cần theo, nên sửa sai. Luôn vì lý tưởng: Danh dự, tiếng tốt để lại muôn đời. Người khôn ngoan có cái nhìn xa, toàn diện và toàn cục, nhận rõ Chân lý: “Ðời là cát bụi, mỏng manh, như cơn gió thoảng”, và trực giác về: “Sự hoàn hảo, thánh thiện, hạnh phúc thiên đàng, cuộc sống Niết Bàn, vĩnh hằng”.

Cha mẹ: không dám nhận sai, vì sợ bẽ mặt, và khi thêm óc gia trưởng thì càng “Không thể nhận sai”. Thì nay, theo nền văn hóa Tây phương, chúng ta dễ: “Nhận lỗi, xin và sửa lỗi”. Ví dụ: “Cha mẹ xin lỗi con; chồng xin lỗi vợ, và ngược lại; con cái xin lỗi bố mẹ và anh chị em xin lỗi nhau và xin lỗi hàng xóm”. Nhận ra được lỗi mới là trí tuệ. Biết xin lỗi mới là bản lĩnh, mới xứng đáng mặt anh hùng và biết sửa lỗi thì đúng là thánh nhân. Làm đi làm lại, những điều này sẽ trở thành nếp sống văn hóa.

Thủ lĩnh : Không bao giờ nhận sai, ít khi nhận người khác làm đúng, nhưng sau làm theo. Dù sau này có sửa sai, làm theo, nhưng cũng khó nhận mình sai. Vẫn nghĩ rằng mình đúng, nghĩ ra rồi nhưng vì khiêm tốn, chưa tới thời điểm. Nay đúng lúc, thì làm, không làm theo người khác! Người làm mục vụ và nhà lãnh đạo luôn nhìn thấy trước và đi trước người khác ba bước. Ơn Chúa Thánh Thần với khoa học xã hội và nhân văn sẽ giúp người lãnh đạo chọn đúng con đường, hầu đi trước dẫn dắt người khác.

***

Khẩu hiệu thời nay: “Tích hợp7 đa văn hóa, cho một chiến lược giáo dục, phát triển toàn cầu hóa”. Tiến đến: “Chỉ có một thế giới và chỉ có một loài người”.

Dung hòa: “Quyền bính và Ðoàn sủng” để thăng tiến Giáo hội và Dân tộc.

Ðoàn sủng là ân sủng Chúa ban vì ích lợi cho cộng đoàn. Thường mang tính cá nhân, trực giác, linh thị, thị kiến, do sự cầu nguyện, thao thức, gắn bó với Chúa, yêu mến Giáo hội, Dân tộc, và sâu sát với tình huống. Ðược ơn Thánh Thần soi sáng, hoặc nói tiên tri. Còn Quyền bính, theo cơ chế, thường chậm trễ hơn, nói và quyết định theo lý luận, pháp luật, khoa học, tập thể. Và thường hay nghĩ: “Ta có quyền”; và trong thực tế, nếu không cảnh giác, khiêm hạ đủ và kịp thời trong ứng xử, thường hay có hành động “Uy quyền; Cậy quyền”. Dân chủ sẽ dần dần giúp chúng ta khôn ngoan, hiệu lực, đúng xu thế của thời đại hơn, tạo nên văn hóa: “Ðoàn sủng và Uy Ðức”.

Người nói tiên tri, có ơn đoàn sủng, không thể kiêu căng, tự hào. Nên nhớ, không có gì mới lạ dưới ánh mặt trời. Tất cả đều do Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ai cũng có thể nhìn thấy, kẻ trước người sau. Hơn nữa, là chân lý thì của chung cho mọi người, không cứ gì cho một số người: “Ở đời chân lý của chung, ai sớm vận dụng nên riêng của mình”. Tuyệt đối không bao giờ được tự hào và độc quyền nắm bắt và giữ chân lý. Phải tạ ơn Chúa đã ban cho mình ơn đặc sủng, ơn linh thị, ơn tầm nhìn. Tạ ơn Chúa cũng đã ban cho người lãnh đạo ơn đó. Cựu Ước có trường hợp, người ta báo cáo hai người là “El-dad và Me-dad đang nói tiên tri trong lều trại”. Giosuê đề nghị cấm chỉ. Nhưng Môsê bênh vực họ: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”8. Phúc Âm có trường hợp, Chúa Giêsu can thiệp: “Ðừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”9.

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

_____________________________________________

1. Mt 21,28-32

2. Mt 2,2: “Chúng tôi nhìn thấy ngôi sao lạ của Người xuất hiện bên phương Ðông…”

3. Lc 19,1-10

4. Mc 1,14-20

5. GH 8

6. PV 110

7. Tích hợp: Gắn kết, nối kết các thành phần của một hệ thống để tạo nên một hệ thống đồng bộ.

8. Ds 11,25-29

9. Mc 9, 38-40

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm