Niềm vui Phúc âm xuất phát từ một con tim nghèo khổ
Năm 2015, nhân kỷ niệm hai năm Đức Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội, Nguyệt san Công giáo “Documentations Catholiques” đã chọn 13 bài diễn văn của ngài mà họ nhận định là thiết yếu và có thể xem đó là “chữ ký chính thức” của Đức Thánh Cha.
Ngày mùng 6 tháng 2 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi sứ điệp nhân Quốc tế của giới trẻ (mỗi năm ngày quốc tế của giới trẻ được cử hành do Giáo Hội Công Giáo ngày Chúa nhật lễ lá), chủ đề “phúc cho tâm hồn nghèo khó vì nước trời là của họ” lấy ra từ 8 mối phúc thật. Sau khi phân tách khái niệm về sự nghèo khó tâm hồn, Đức Giáo Hoàng đã mời gọi người trẻ sống điều này qua một nếp sống cụ thể, tiết độ, liên đới và khiêm tốn, bởi, Ngài nhấn mạnh Thiên Chúa “muốn một Giáo Hội nghèo phúc âm hóa người nghèo” và “sự nghèo khó phúc âm là điều kiện cơ bản để nước Chúa trị vì”. Cuối sứ điệp, Đức Thánh Cha đã loan báo rằng chân phước Gioan Phaolô II, Đấng sáng lập ngày quốc tế giới trẻ sẽ là vị thánh bổn mạng.
![]() |
Những người trẻ thân mến, việc gặp gỡ diệu kỳ, vĩ đại mà chúng ta đã sống tại Rio De Jaineiro nhân ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 28 vẫn còn in dấu trong ký ức của cha: đây là một lễ hội lớn của niềm tin và tình huynh đệ! Dân tộc Brazil đã đón tiếp chúng ta, rộng mở đôi tay như bức tượng Chúa Giêsu Cứu thế từ đỉnh cao của Corcovado vươn mình trên bờ biển Copacabana. Trên bờ biển, Đức Giêsu đã kêu gọi một lần nữa để mỗi người trong chúng ta trở thành môn đệ thừa sai, ước mong rằng người môn đệ khám phá nó như kho tàng quý báu nhất của đời sống của Ngài và chia sẻ sự phong phú này với người khác, gần cũng như xa, đến tận cùng vùng ven địa dư và nhân sinh của thời đại chúng ta. Giai đoạn tiếp của ngày hành hương liên châu lục của người trẻ sẽ là tại Cracovie năm 2016.
1.
Để bắt nhịp cho cuộc hành trình của chúng ta, cha ước mong trong suốt 3 năm sắp tới, suy nghĩ với chúng con về các mối phúc thật của Tin Mừng mà chúng ta có thể đọc trong Phúc Âm của thánh Matthêu 5, 1-12, năm nay chúng ta bắt đầu suy gẫm về phúc thứ nhất: “phúc cho người nghèo trong tâm hồn vì nước trời là của họ” Mt 5.3; trong năm 2015, cha đề nghị “phúc cho tâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa” Mt 5.8; và cuối cùng, năm 2016 chủ đề sẽ là “phúc cho những người nhân hậu” Mt 5.7. Đọc và ngẫm suy những mối phúc thật là một điều làm cho ta thoải mái! Chúa Giêsu đã công bố các mối phúc thật đó trong lần giảng lớn đầu tiên của Ngài trên bờ hồ Galile. Lúc đó có một đám đông rất lớn, và Ngài lên đồi ngồi để giảng dạy các môn đệ, vì vậy mà cuộc rao giảng này được gọi là “bài giảng trên núi”. Trong Kinh Thánh, núi được xem như nơi ở mà Chúa tự tỏ mình, và Đức Giêsu khi giảng dạy trên đồi đã tự giới thiệu mình như vị thầy thiên sai, như một Mose mới. Vậy Ngài tự mạc khải gì? Giêsu mạc khải con đường của sự sống, con đường mà chính Ngài đã đi qua và còn hơn thế nữa, Ngài chính là con đường và Ngài đề nghị như đó là con đường đích thật của hạnh phúc. Trong suốt cuộc sống của Ngài, từ khi sinh ra trong hang Belem cho đến khi chết trên thập giá và Phục Sinh, Chúa Giêsu đã nhập thể các phúc đó. Tất cả các lời hứa về nước trời của Chúa đã được hoàn tất trong Ngài. Khi loan báo các phúc thật đó, Giêsu muốn mời gọi chúng ta theo Ngài, cùng Ngài đi con đường của tình yêu, là con đường duy nhất đưa đến sự sống vĩnh cửu. Không phải là một con đường dễ, nhưng Thầy Chí Thánh đã bảo đảm với chúng ta về ân sủng của Ngài và Ngài không để chúng ta một mình. Sự nghèo khổ, nỗi sầu não và sự nhục nhã, những đấu tranh cho công lý, những mệt mỏi khi phải hoán cải hàng ngày, những đấu tranh để sống lời mời gọi nên thánh, những bắt bớ và còn bao nhiêu thách đố khác trong đời sống của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta mở cửa cho Đức Kitô, nếu chúng ta để Ngài đi vào trong lịch sử của đời mình, nếu chúng ta chia sẻ với Ngài niềm vui, nỗi khổ đau, chúng ta sẽ có kinh nghiệm của một sự bình an và một niềm vui mà chỉ Thiên Chúa tình yêu vô tận mới có thể trao ban cho chúng ta. Các mối phúc đó của Chúa Giêsu mang chứa nặng một sự mới mẻ cách mạng, một mẫu gương hạnh phúc ngược lại với mẫu gương mà thường ngày truyền thông đưa đến cho chúng ta qua tư tưởng chiếm đoạt. Đối với não trạng của thế gian, việc Thiên Chúa đến và chấp nhận là một trong chúng ta, chết trên thập giá là một vấp phạm! Trong logic trần tục này, những người mà Chúa Giêsu loan báo là phúc bị coi là những người “thua thiệt”, yếu hèn. Đối với họ, trái lại, thành công với bất cứ giá nào, sự thoải mái, tính ngạo nghễ của quyền lực, sự xác định về chính bản thân cho dù thiệt hại đến người khác được thế gian tán dương, ca tụng. Giêsu cật vấn chúng ta, các con thân mến, những người trẻ, Ngài cật vấn chúng con để chúng ta cùng nhau trả lời về sự đề nghị hằng sống của Ngài, để chúng ta quyết định xem chúng ta muốn đi con đường nào để đi đến niềm vui đích thực. Đây là một thách đố rất lớn cho đức tin. Chúa Giêsu đã không hề sợ sệt khi hỏi các môn đệ của mình: con muốn thực sự theo Ngài hay không, hay là họ thích đi những con đường khác (Ga, 6.67), và Simon biệt danh là Phêrô đã dũng cảm trả lời: “Thưa thầy, bỏ Thầy chúng con biết sẽ đi với ai? Ngài có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6.68). Nếu chúng con cũng vậy, biết nói “vâng” với Chúa Giêsu, cuộc sống trẻ của chúng con sẽ đầy ý nghĩa và sẽ mang nhiều hoa quả.
![]() |
2.
Sự dũng cảm của hạnh phúc. Nhưng thật sự từ “phúc” là gì? Thật sự đó là phúc, vậy các con hãy nói cho cha biết: chúng con có muốn thật sự hạnh phúc không? Với một thời đại mà chúng ta bị thu hút bởi bao nhiêu dáng vẻ hạnh phúc bên ngoài, thì chúng ta có thể bằng lòng với cái ít ỏi hoặc là chỉ có một khái niệm về cuộc sống “bé nhỏ”. Trái lại, chúng con hãy vươn tới những điều vĩ đại! Hãy nới rộng tâm hồn chúng con! Như vị chân phước Pier Giorgio Frassati khẳng định : “Sống không niềm tin, không di sản để bảo vệ, không có sự tranh đấu không ngừng cho chân lý thì không phải là sống, mà chỉ sống lay lất. Chúng ta không bao giờ được sống lay lất, mà phải sống!”. Ngày phong chân phước Pier Giorgio Frassati ngày 20 tháng 5 năm 1990, Đức Gioan Phaolô II đã gọi ông là “người của Thiên Phúc”. Nếu thực sự chúng con để nảy sinh những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn các con, chúng con sẽ kinh nghiệm được rằng có một khao khát không diễn tả nổi về hạnh phúc trong con, và chính nhờ điều đó mà nó giúp cho chúng con phân biệt được và từ chối biết bao điều mời gọi “rẻ tiền” mà chúng con đã gặp thấy rồi xung quanh mình. Khi chúng ta tìm kiếm sự thành công, sự khoái lạc, sự sở hữu ích kỷ và chúng ta nâng nó lên hàng thần tượng, thì bảo đảm rằng chúng ta khi đó kinh nghiệm được những giây phút say mê, một loại cảm tưởng sai lệch về thoải mái, nhưng rồi chúng ta trở thành nô lệ, và đã không bao giờ được toại nguyện, bởi luôn luôn bị thúc đẩy muốn có nhiều hơn. Và thật sự là buồn thay một cuộc sống trẻ “đầy thức ăn đến mức ngao ngán” và vô vị. Thánh Gioan đã viết cho người trẻ khi nói với họ rằng: “Các anh chị mạnh mẽ bởi lời của Thiên Chúa ở cùng anh chị và anh chị đã thắng được sự dữ” (1 Gioan 2.14), những người trẻ khi chọn lựa Đức Kitô là những người mạnh, họ tự nuôi dưỡng mình với lời của Ngài. Chúng con hãy có can đảm đi ngược lại với dòng sông, chúng con hãy có can đảm đạt cho được sự hạnh phúc đích thực! Chúng con hãy nói không với nền văn hóa tạm bợ, với những hình thức bên ngoài hời hợt làm cho chúng con không có khả năng mang những trách nhiệm và đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống!
(còn nữa)
Nt QUỲNH GIAO Fmm
(chuyển ngữ)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.