Thứ Tư, 19 Tháng Năm, 2021 21:08

Một tác phẩm đặc biệt về con người và vùng đất Tây Nguyên

 

Gần một phần tư thế kỷ sống ở Tây Nguyên, trong đó 15 năm sống với người Gia Rai, linh mục Jacques Dournes (1922-1993) - nhà nghiên cứu về nhân chủng học và ngôn ngữ học người Pháp - đã thu thập mọi khía cạnh của đời sống mỹ thuật và kỹ thuật, thảo mộc dân tộc, tổ chức gia đình và chính trị, hệ thống tín ngưỡng và lễ nghi; ngữ vựng và thơ phú… Tất cả cho phép ngài hệ thống những thông tin bổ ích trong việc nghiên cứu nhân học.

Năm 1972, một công trình nghiên cứu sâu sắc về cộng đồng người Gia Rai ở Tây Nguyên của cha Jacques Dournes đã ra đời (nguyên bản tiếng Pháp “Coordonnées: Structures Jörai familiales et sociales”). Gần đây, Omega+ và NXB Thế giới đã ấn hành tác phẩm này qua bản dịch “Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai(Nguyễn Phương Chi dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính và giới thiệu). Ðây là lần đầu tiên công trình này của cha Jacques Dournes được dịch sang tiếng Việt.

 

Với lối nghiên cứu sâu sát vào thực tế vùng đất và đời sống con người, tác phẩm cho thấy những nỗ lực của tác giả trong việc xác nhận các “tọa độ” (xã hội) của họ, để nhận diện đúng bản nguyên, căn cước riêng của họ giữa thế giới này. Cuối cùng, đem đến những suy nghĩ về thực trạng và số phận, những khả năng, thách thức và con đường phát triển của họ trong thế giới ấy hôm nay. Ở đây, tọa độ được hiểu là toàn bộ cấu trúc gia đình và xã hội hết sức phức tạp và tinh tế của người Jörai (Jarai/Gia Rai). Ðọc “Tọa độ” như là một cách để ta chìm đắm trong không gian Tây Nguyên nói chung và không gian văn hóa Gia Rai nói riêng, để hiểu hơn về phong tục tập quán và xã hội của nhóm dân tộc tiêu biểu trong đại gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 

Tác giả đã viết công trình này bằng tất cả sự trải nghiệm của mình, khi đang thực địa giữa những người Jörai. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, đây là một tác phẩm đặc biệt quan trọng về con người và vùng đất Tây Nguyên của linh mục, nhà nhân học hàng đầu Jacques Dournes.

Là một vị thừa sai với gần 30 năm sống ở Tây Nguyên, cha Jacques Dournes nói thành thạo các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Nhiều công trình của ngài được coi là cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay.

Cùng với “Tọa độ: Cấu trúc gia đình và xã hội của người Jörai”, một số tác phẩm khác của tác giả Jacques Dournes cũng được dịch và ấn hành tại Việt Nam như “Rừng, Ðàn bà, Ðiên loạn”; “Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Ðông Dương”; “Xứ Jörai”; “Miền đất huyền ảo”. 

 

BẢO LÂM

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm