Hàng ngàn màu sắc sặc sỡ trên bầu trời Cuộc hành hương của những lá cờ
Ngày 16 tháng 10 năm 1872
Điều gì đang xảy ra vậy ? Từ sáng sớm Chúa Nhật hôm nay, một sự sốt sắng lạ lùng tràn ngập thành phố Lộ Đức, một hiện tượng chưa bao giờ thấy kể từ khi có Đền Thánh vào mấy năm trước, và cũng kể từ lúc những chuyến xe hỏa đầu tiên dừng lại tại thành phố vào năm 1866.
Ngay trước lúc những ánh sáng đầu tiên của ngày mới xuất hiện, các ngọn nến của 32 bàn thờ dã chiến xung quanh Vương Cung Thánh Đường còn dang dở - mới xây dựng được một năm với chóp nhọn chưa hoàn thành - bắt đầu được thắp sáng dọc bờ sông Gave. Các bài thánh ca vang lên, các thánh lễ được cử hành trong bóng tối của dãy núi Pyrénées. Không có tiếng chuông nhỏ hoặc chuông lớn ngân vang, vì lúc đó Vương Cung Thánh Đường chưa sẵn sàng phục vụ. Ngoài ra, cũng không có đồng hồ báo giờ, và chưa lần chuỗi, chỉ có tiếng đọc những bài thánh vịnh của các tín hữu địa phương và của năm mươi ngàn khách hành hương vừa đến vào chiều hôm trước... Sau cùng, vào khoảng 8 giờ sáng, khi ánh sáng ban mai chiếu thẳng vào đoàn diễu hành, cảnh tượng trở nên thật hoành tráng : sát phía dưới, con sông Gave đang cuồn cuộn chảy mang theo nước của trận mưa tầm tã chiều hôm qua; ở phía trên, nhô lên nhiều bức tường mầu trắng ghi đậm hàng chữ “Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội” đang lấp lánh dưới ánh mặt trời mọc; và phía trước là quảng trường rộng lớn, kế bên là các đồng cỏ mênh mông xanh biếc, đang sáng rực với nhiều cọng cỏ còn ướt đẫm hơi sương. Không hàng rào, không tháp canh, không trang hoàng gì cả, nhưng năm ngàn dân cư luôn luôn bảo vệ Lộ Đức. Trong cảnh hoang vắng của núi rừng, có một địa điểm thu hút mạnh mẽ đám đông khổng lồ từng giờ một, đó là hang Massabielle.
Vào khoảng 12 giờ trưa, dù ánh nắng thật gay gắt nhưng trời vẫn lạnh buốt, chính ánh nắng đó đã làm những con đường lầy lội và cánh đồng cỏ trở nên khô ráo. Lúc đó, năm mươi ngàn khách hành hương bắt đầu di chuyển xuyên qua Đền Thánh, tiến về phía thị trấn và tập họp xung quanh nhà thờ giáo xứ. Suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, đó là một đám đông hỗn độn, nhưng đến 14 giờ thì mọi người đã ổn định. Trong một rừng 250 lá cờ đủ màu đang bay phất phới trước gió tại sân trước của nhà thờ, mỗi lá cờ tượng trưng cho một giáo phận của giáo hội Pháp hoặc một thành phố hay một giáo xứ. Trên mỗi lá cờ to lớn màu sắc sặc sỡ bằng lụa hoặc bằng nhung, có đăng huy hiệu hoặc ảnh Đức Mẹ, bổn mạng của một thành phố nào đó của nước Pháp. Ảnh Đức Mẹ được thêu tay hay vẽ trên vải, các tấm vải kim tuyến thêu hoa hồng - đây là những mẫu mã của các nghệ nhân miền Flandre. Cảnh tượng thật cảm động. Nhiều phóng viên của các tờ báo lớn trong nước đứng đó, miệng há hốc ngạc nhiên vì họ chưa từng tham dự một sự kiện nào long trọng như vậy.
Cuộc rước bắt đầu ...
Trong một tiếng đồng hồ, đoàn rước đi xung quanh con đường duy nhất của thành phố, và vượt qua cây cầu cũ bắc ngang qua sông Gave để đến quảng trường.
Như nhiều đợt sóng nối tiếp nhau, những lá cờ của các giáo phận, giáo xứ và đoàn thể tông đồ đi qua cùng với những bài thánh ca vang dội. Lòng nhiệt thành ngày càng tăng lên, một lòng nhiệt thành vui tươi và đơn sơ, biểu lộ qua các thổ ngữ và cách phát âm độc đáo của nhiều miền đất khác nhau. Ở đây là cờ của thành phố Lille, được sáu thanh niên khỏe mạnh đưa lên cao, theo truyền thống những hội chợ bình dân và các cuộc diễu hành của những người khổng lồ của miền Bắc nước Pháp; còn đàng kia đang bay phất phới trước gió lá cờ có hình Đức Mẹ, bổn mạng của những người đi biển ở vùng Bretagne; rồi hình ảnh Đức Mẹ rất tinh xảo của vùng Bourgogne; các chân dung Đức Mẹ của vùng bưng Provence... Dẫn đầu đoàn rước và nổi bật hơn cả là lá cờ bằng nhung của vùng Alsace và Moselle, được phủ băng tang màu đen, nhắc nhớ sự kiện đau lòng khi toàn thể nước Pháp để tang hai tỉnh nói trên bị sáp nhập vào nước Đức sau khi vua Bonaparte III bị bại trận.
Sau cùng, đám rước kéo ra cánh đồng cỏ. Tất cả các lá cờ được tập trung xung quanh một bục cao được trang hoàng đẹp đẽ, nơi Đức Giám mục Giáo phận Tarbes - Đức Cha Laurence - bắt đầu cử hành nghi thức chúc lành. Sau đó, cử tọa ngồi im phăng phắc lắng nghe Đức Tổng Giám mục Auch giảng. Bài giảng của ngài đề cập đến một biến cố lịch sử : đó là việc biểu lộ niềm tin và hy vọng của nước Pháp đối với Đức Mẹ Lộ Đức.
Lời của ngài vang lên trong lòng khách hành hương, chắc chắn sẽ giúp họ canh tân đời sống đức tin, bởi vào cuối thế kỷ XIX, khi nền công nghiệp phát triển vượt bậc, thì bất cứ ai đưa ra khái niệm về “hy vọng” sẽ bị chê cười, nhất là những người trẻ, các chính trị gia và những nhà khoa học. Từ hai mươi năm qua, dân chúng cần một chân trời mới mà các hãng xưởng đã gợi mở cho họ. Những lần hiện ra liên tiếp của Đức Maria cho Catherine Labouré tại Paris vào năm 1830, rồi hai trẻ chăn chiên của dãy núi Alpes tại La Salette vào năm 1846, và sau cùng là Bernadette ở Lộ Đức vào năm 1858, làm phát sinh một hình thức đạo đức mới : một niềm tin đơn sơ hơn niềm tin mà hàng giáo sĩ lúc bấy giờ cổ võ, một niềm tin tươi trẻ, mau chóng như niềm tin của trẻ thơ, của những tâm hồn khiêm tốn và trong trắng mà Đức Mẹ đã ngỏ lời. Dân chúng thấy trong những sự kiện đó một niềm hy vọng mới. Khắp nơi trong nước Pháp, những cuộc hành hương nhỏ ở địa phương được tổ chức rất nhiều, nhưng chưa có cuộc hành hương nào mang tầm vóc quốc gia.
Hành hương Lộ Đức ngày nay |
Tuy nhiên, một số tu sĩ của Dòng Thánh Augustinô Đức Mẹ Lên Trời cảm thấy cần phải tổ chức những cuộc hành hương lớn, bày tỏ lòng tôn sùng, yêu mến Đức Mẹ Lộ Đức của người tín hữu. Vào năm 1871, nhiều biến cố dồn dập xảy ra, nước Pháp bị nước Đức đánh bại, và các tỉnh phía Đông bị sáp nhập vào nước Đức. Đức Trinh Nữ hiện ra một lần nữa ở Pontmain, gần Laval, đồng thời cũng có dự án xây dựng một đền thờ dâng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu ở đồi Montmartre tại Paris; còn ở Lyon, Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Fourvière được khởi công xây dựng. Tháng giêng năm 1872, hai tu sĩ Dòng Đức Mẹ Lên Trời quyết định thành lập “Hiệp hội Đức Bà cứu rỗi” nhằm khuyến khích tổ chức những cuộc hành hương cấp quốc gia. Cuộc hành hương đầu tiên được tổ chức vào ngày 22 tháng 8 năm 1846, nhưng chỉ có năm trăm khách hành hương tham dự cùng với ba trăm bảy mươi lăm linh mục. Nhân dịp này, các cha quyết định thành lập Ban Mục Vụ về hành hương, vấn đề còn lại là làm thế nào cho dự định này trở thành hiện thực. Về điểm này, cha sở giáo xứ Beaune - cha Victor Chocarne - có một ý tưởng táo bạo, là tổ chức một cuộc hành hương cho tất cả các giáo phận ở Pháp tại một nơi đặc biệt, đó là Lộ Đức. Lập tức, ngài được một nhóm các bà tận tình giúp đỡ, trong đó có bà Blique đã hết lòng hy sinh cho công việc chung : bà đã gởi bốn trăm ngàn thư mời khắp nước Pháp. Hai tháng sau, ngày 6 tháng 10 năm 1872, ai cũng ngạc nhiên khi có đến năm mươi ngàn người đáp lại lời mời gọi này.
Có thể nói, cuộc hành hương của những lá cờ mở ra một kỷ nguyên mới với những cuộc hành hương thật đông đảo. Bản tường trình của cha Chocarne gởi về Rôma cho biết mỗi mùa hè sẽ tổ chức “một tháng hành hương” và công việc này được Đức Thánh Cha đương nhiệm lúc đó chúc lành. Một năm sau, cuộc hành hương cấp quốc gia ở Lộ Đức bắt đầu. Như vậy, cuộc hành hương của những lá cờ vừa là tổ tiên của những cuộc hành hương khác, vừa giúp cho Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức trở thành một nơi nổi tiếng trên toàn thế giới. Từ năm 1872 cho đến năm 2000, hai trăm năm mươi hai lá cờ đã phủ kín mái vòm và bức tường của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, những dấu chỉ hữu hình của một niềm tin rộng lớn mà Lộ Đức là một biểu tượng tuyệt vời.
Cầu cho chúng con là kẻ có tội ...
Lm INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN
Bình luận