Liệu “trái cấm” trong Vườn Ðịa đàng thật sự là một trái táo? Chẳng ai có thể chắc chắn vì Cựu Ước đơn giản chỉ đề cập đến một loại “trái cây” chung chung.
Kinh Thánh nhắc đến trái cấm mọc ở Vườn Ðịa đàng mà bà Eva và ông Adam đã ăn. Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng đó là trái táo, dựa trên những áng văn chương hoặc các vở kịch của phương Tây. Thế nhưng, giới học giả chuyên nghiên cứu Kinh Thánh lại bác bỏ điều này. “Chúng tôi chẳng thể kết luận Eva và Adam đã ăn trái gì. Và không có manh mối nào cho thấy đó là một trái táo”, theo giáo sư Ari Zivotofsky của Ðại học Bar-Ilan (Israel).
![]() |
Thắc mắc chưa có lời giải
Cảnh tượng nổi tiếng đã được mô tả trong Sách Sáng thế, sau khi Chúa cảnh báo Adam không nên ăn trái hái từ “cây biết thiện biết ác”. Tuy nhiên, một con rắn đã xúi giục Eva hãy đến thử trái của cây này. “Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn”, (St 3,6).
Về loại trái, Cựu Ước chỉ mô tả là “trái trên cây”. “Ðó là dòng duy nhất nói về trái cấm. Không hề có thông tin gì khác. Chúng tôi không biết là loại cây gì và loại trái gì”, theo giáo sư Zivotofsky. Từ Do Thái cổ dùng trong đoạn văn đó là “peri”, tức “trái trên cây”, được dùng trong Kinh Thánh lẫn ngôn ngữ Hebrew hiện đại. Trong khi đó, từ Hebrew hiện đại để chỉ trái táo là “tapuach” lại chưa từng xuất hiện trong Sách Sáng Thế.
![]() |
Trái thanh yên |
Nếu trái cấm không phải là táo, vậy nó là trái gì? Các giáo sĩ Do Thái thời xưa từng thảo luận nhiều về vấn đề này trong tuyển tập Talmud, chuyên ghi chép về giáo lý vào khoảng năm 500. Thế nhưng, trong số những ý tưởng mà họ đề cập, không có trái nào là trái táo, giáo sư Zivotofsky cho biết.
Trong một thời gian, nhiều học giả cho rằng trái vả (sung) có thể là điều mà mọi người luôn tìm kiếm, vì trong Cựu Ước, Adam và Eva nhận ra cả hai trong tình trạng không mảnh vải che thân sau khi ăn trái từ cây biết thiện biết ác, “họ mới kết lá vả làm khố che thân”. Một giả thuyết khác là hạt lúa mì, tức từ “chitah” đồng âm với từ “cheit” tức “tội lỗi”. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cân nhắc về trái thanh yên, từ Hebrew là “etrog”. Ðây là loại trái họ cam chanh, thường được sử dụng trong lễ Lều Tạm, lễ của người Do Thái để ăn mừng vụ mùa thu hoạch.
![]() |
Trái vả
|
Tại sao lại là táo?
Trong toàn bộ các ứng viên tiềm năng cho “trái cấm”, bằng cách nào trái táo, không phải giống cây bản địa ở Trung Ðông mà từ Kazakhstan ở Trung Á (theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications năm 2017) lại trở thành biểu tượng được nhiều người trên thế giới biết đến khi nhắc về câu chuyện sa ngã của Adam và Eva? Rõ ràng bản thân người Do Thái thời xưa không thể nghĩ đến loại trái này.
Thay vào đó, mọi nguồn cơn có lẽ bắt đầu từ Rome. Bách khoa Toàn thư Anh ghi nhận, năm 382, Ðức Giáo Hoàng Damasus I yêu cầu thánh Jerome chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Latinh. Trong quá trình dịch thuật, thánh Jerome dịch chữ “peri” (“trái trên cây”) thành “malum” của tiếng Latinh, theo giáo sư danh dự Robert Appelbaum của Ðại học Uppsala (Thụy Ðiển). “Chữ ‘malum’ trong tiếng La tinh có nghĩa là ‘táo’, hoặc bất kỳ loại trái cây nào có lõi chứa hạt và bao quanh là phần thịt trái. Thế nhưng, nó cũng là từ chỉ trái cây nói chung”, giáo sư Appelbaum giải thích.
“Malum” mang nghĩa trái cây nói chung cho đến thế kỷ 17, theo tự điển Online Etymological. Thánh Jerome nhiều khả năng chọn từ “malum” mang hàm nghĩa trái cây, vì nó cũng có nghĩa là “tội lỗi”, tức biểu tượng cho tội nguyên tổ của con người.
![]() |
Bên cạnh đó, không ít các bức tranh và những tác phẩm nghệ thuật tái hiện Vườn Ðịa đàng lại vẽ trái táo là trái cấm. Khác với các ghi chép bằng văn bản, trong hội họa, không thể sử dụng một loại trái cây chung chung nào để mô tả hình tượng đó. Và thế là đa số các họa sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung quyết định tập trung khắc họa trái cấm thành… trái táo. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp họ dùng trái thanh yên như trong bức họa “Cú ngã từ Vườn Eden” (Ghent Altarpiece, của các họa sĩ Hubert và Jan van Eyck, năm 1432); hoặc trái mơ như trong bức “Eva bị con rắn cám dỗ” của họa sĩ Defendente Ferrari (vẽ từ năm 1520 - 1525); và trái lựu, trong bức “Sự sụp đổ của con người” của họa sĩ Peter Paul Rubens (từ năm 1628 - 1629).
Thế nhưng, vào thế kỷ 16, trái táo - trái cấm chiếm đại đa số trong các tác phẩm hội họa và văn chương phương Tây. Trong bài thơ “Thiên đường đánh mất”, xuất bản lần đầu tiên năm 1667, nhà thơ người Anh John Milton đã hai lần sử dụng từ “trái táo” để mô tả trái cấm ở Vườn Ðịa đàng.
LING LANG
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.