Hiểu hơn về vắc xin ngừa SARS-CoV-2 sẽ giúp cộng đồng yên tâm hơn trong việc chủng ngừa. Dịch Covid-19 trên thế giới chỉ có thể bị ngăn chặn hiệu quả khi ở mọi quốc gia, đại đa số dân chúng được chủng ngừa.
Vì sao phải tiêm chủng?
Mục đích đầu tiên của việc chích ngừa Covid-19 là bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nhân có bệnh nền…), qua việc giảm các ca trở nặng và tử vong. Mục đích kế tiếp là giảm áp lực cho các bệnh viện và cơ sở y tế, nhằm giúp hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhìn chung, những ca nhiễm bệnh bị chuyển biến nặng chiếm tỷ lệ thấp, nhưng nếu số lượng người bị nhiễm quá lớn thì vẫn sẽ có nhiều bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, cần thở máy… Như thế, không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà bệnh nhân bị những căn bệnh khác cũng sẽ bị ảnh hưởng vì các bệnh viện thiếu nhân lực, máy móc, thiết bị, phòng bệnh bị quá tải... Mục đích sau cùng, và cũng là vai trò chính của tiêm chủng, là giúp đạt miễn dịch cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh.
Việc chích ngừa là cần thiết, ngay cả với những người trẻ, khỏe. Trước hết là nếu đối tượng này chẳng may nhiễm bệnh, kể cả khi không có triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, vẫn có thể lây bệnh cho nhiều người khác. Và sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trong số người bị lây có người cao tuổi, người bị bệnh nền… Ngoài ra, dù hiếm, nhưng vẫn có những bệnh nhân trẻ, không có bệnh nền, bị chuyển biến phức tạp khi nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều người trong số này, khi đã khỏi bệnh vẫn còn lại những di chứng phiền phức, chẳng hạn mất hoặc giảm vị giác hay khứu giác…
![]() |
Vắc xin “đời mới” có gây ảnh hưởng về mặt di truyền?
Không như một số người lo ngại, các loại vắc xin công nghệ mới - như vắc xin từ mã di truyền không dẫn đến nguy cơ làm biến đổi gien của người được tiêm. RNA của vi rút sẽ không vào được nhân tế bào - nơi chứa DNA của chúng ta; và nó sẽ bị hủy đi trong vòng 48 giờ, theo Bệnh viện Ðại học Genève (Thụy Sĩ). Do vậy, không hề có nguy cơ bị “nhiễm độc về di truyền”.
Trên thực tế, tác dụng phụ của vắc xin ngừa Covid-19 chủ yếu cũng giống với các loại vắc xin truyền thống: phản ứng ở vị trí tiêm (đỏ, sưng nhẹ, đau); sốt, mệt mỏi, nhức đầu… Ðây là những phản ứng bình thường của hệ miễn dịch, và phần lớn sẽ hết sau từ 1 đến 3 ngày. Những triệu chứng này có thể giảm bớt nhờ những loại thuốc thông dụng mà bác sĩ tại những điểm tiêm sẽ chỉ định nếu cần thiết. Những người có tiền sử dị ứng, hoặc bệnh nền sẽ được thầy thuốc đánh giá kỹ, nếu chống chỉ định có thể tạm thời không tiêm hoặc hoãn tiêm.
![]() |
Nguồn: Bộ Y tế |
Ðã chích vắc xin, vẫn có thể nhiễm bệnh?
Khi đã chích vắc xin ngừa Covid-19, bạn vẫn có thể nhiễm bệnh, nhưng được bảo vệ để không trở bệnh nặng, hoặc không có triệu chứng gì, nhờ hệ miễn dịch đã có thể phản ứng một cách hiệu quả với SARS-CoV-2. Ngoài ra, theo chuyên san Sciences et Avenir, một nghiên cứu từ Bộ Y tế Israel - quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm ngừa rất cao, khi chích đủ 2 liều vắc xin từ mã di truyền (RNAm), nguy cơ bị nhiễm không triệu chứng sẽ giảm đi 89,4%. Ngoài ra, các nhà khoa học của nước này cũng ghi nhận, ở những trường hợp hiếm hoi đã chích ngừa rồi mà vẫn bị nhiễm SARS-CoV-2 thì “12 ngày hoặc hơn sau khi tiêm, vắc xin giúp làm giảm đáng kể tải lượng vi rút, nên cũng làm giảm nguy cơ lây lan bệnh”.
Vì những lợi ích này, vắc xin là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu để giúp chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19.
Lan Chi
(theo Bệnh viện Ðại học Genève và chuyên san Sciences et Avenir)
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.