Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế và bình thường hóa, có một “hội chứng hậu Covid-19”, đó là tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang tư.
Theo thông tin của Bộ Nội vụ, trong hai năm rưỡi trở lại đây đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao; bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người. Nhóm công chức, viên chức ngành y và giáo dục nghỉ việc nhiều nhất: trong lĩnh vực giáo dục có hơn 16.400 người, y tế là hơn 12.198 người. Điều này dẫn đến một sự thiếu hụt khá lớn trong một số khu vực dịch vụ công của Nhà nước.
![]() |
Viên chức nghỉ việc là vì đồng lương thấp, không đáp ứng nhu cầu bản thân và gia đình, nên đã thôi việc. Đây cũng là lý do vài năm qua, số người rút tiền bảo hiểm một lần tăng lên rất nhiều. Một số đơn vị y tế, giáo dục chuyển sang tự chủ tài chính đã không còn tiền để trả nhân viên dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm và làm cho nhiều nhân viên bỏ việc. Có nghĩa là áp lực về mặt sinh kế đã khiến họ không còn quan tâm đến vấn đề dự phòng cho tương lai nữa.
Việc dịch chuyển thị trường lao động không chỉ xảy ra ở phân khúc phổ thông mà cả ở nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số người có trình độ trong ngành y sau thời gian cống hiến cũng chuyển ra làm tư để tránh bị áp lực công việc. Trong khi đó, nhiều bệnh viện tuyến dưới nhiều trường học nông thôn vẫn luôn thiếu những giáo viên hay bác sĩ có trình độ về làm việc. Những cử nhân, kỹ sư, bác sĩ mới tốt nghiệp loại giỏi chỉ coi những cơ sở y tế ở tuyến quận, huyện là nơi để họ tích lũy kinh nghiệm. Khi đủ điều kiện, họ chuyển ra làm tư nhân. Vì không có một sự đột phá về cơ chế và đãi ngộ với những người có trình độ nên rất khó có thể giữ chân họ đến làm việc và cống hiến lâu dài.
Nếu tiền lương, đãi ngộ và môi trường làm việc chưa mấy hấp dẫn, trong tương lai có thể một số ngành nghề thuộc lãnh vực công sẽ thâm hụt nguồn lao động và có tác động khá lớn tới an sinh xã hội. Vậy vấn đề đặt ra là muốn giữ được người lao động trong khu vực công, trước tiên cần phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương nhằm vừa đảm bảo cuộc sống cho người lao động, vừa để cho cán bộ, công chức, viên chức không dám tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời phải có biện pháp đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong công việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng. Làm sao mỗi đơn vị tạo môi trường làm việc phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngô Quốc Đông
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.