Thứ Tư, 29 Tháng Bảy, 2020 15:19

Việt Nam và đại dịch Covid-19

 

Dẫn nhập

Việt Nam hiện vẫn chưa có ca bệnh dịch Covid-19 nào tử vong.

Trong nỗi niềm cảm xúc dâng trào, tôi muốn mang trong tôi cả dân tộc Việt Nam, nhỏ bé đáng yêu, dâng tâm tình biết ơn lên Ông Trời, các Thần Thánh. Và cụ thể, tri ân tất cả quý vị lãnh đạo đạo - đời, cùng tất cả những nhà đại nhân ái, cả đến những người nhỏ bé âm thầm, với những tấm lòng bác ái, từ bi trong phong cách khiêm tốn cao vời đã “Thi ân bất cầu báo”, làm phúc tay phải không cho tay trái biết. Nhưng Trời biết! Ngài sẽ trả công bội hậu cho tất cả quý vị. Xin cũng biết ơn, tưởng nhớ những người hy sinh mạng sống để cứu dân tộc. Theo văn hóa Việt Nam, họ là những thần thánh đi vào lịch sử Việt Nam chúng ta.

Trong tâm tình vui mừng tạ ơn, tôi xin chia sẻ hai điều: đoàn tụ và hành động.

 

Ðoàn tụ

Khoa lịch sử khi tổng kết về Việt Nam ghi nhận 2 điều: Ngoại xâm và lũ lụt. Huyền sử: “Thánh Gióng; Sơn Tinh - Thủy Tinh”... đã diễn tả về kết luận này. Luôn luôn và luân phiên đối diện hai đại họa trên, nên dân tộc Việt Nam lúc nào cũng có tinh thần đoàn tụ. Hễ có giặc ngoại xâm, có lũ lụt là có đoàn tụ để chống giặc, chống lũ.

Tiếp đến là huyền thoại về tổ tiên người Việt: “Con Rồng cháu Tiên”. Truyền thuyết “Lạc Long Quân lấy Âu Cơ” diễn tả chân lý “đoàn tụ” này. Ðẻ ra một bọc, gọi là đồng bào, nở ra một trăm con. Nhưng, vì sự nghiệp dựng Nước và giữ Nước, gia đình đành phải hy sinh, chia tay. Phân đôi: “Mẹ Âu Cơ là loài chim nước lớn, dẫn 50 con lên núi, để bảo vệ miền sơn cước, lập ấp, giữ núi, huấn luyện quân đội và chế tạo dụng cụ chiến tranh, cất giấu vũ khí và lương thực trong hang động, để khi cần sẽ sử dụng.

Rồi, cha là Lạc Long Quân dẫn 49 con xuống biển để xây dựng và bảo vệ Biển Ðông. Chỉ để một người con trưởng ở lại đồng bằng, lập quốc, đặt  tên nước là Văn Lang, trải dài 18 đời, gọi là Hùng Vương.

 

Trong lịch sử dựng Nước và giữ Nước, Việt Nam luôn đi giữa “Lưỡng Long chầu Nguyệt”. Lưỡng là hai; Long là Rồng. Theo văn hóa Việt Nam, hai con Rồng, ám chỉ tổ tiên chúng ta; chỉ sự đoàn tụ, nước đôi. Hai Rồng chầu, diễn tả lòng trân kính, hướng về mặt trăng. Mặt trăng biểu tượng của lòng nhân ái. Nhân ái là gốc của đạo đức. Truyền thống dân tộc Việt Nam luôn trọng Ðức, trọng gốc, trọng lý tưởng; luôn ngưỡng mộ và quy về những giá trị đạo đức, lý tưởng.

Cụ thể, lịch sử chứng minh rằng Việt Nam đã đi giữa hai nền văn hóa Ấn - Trung. Và bây giờ đi giữa hai nền văn minh Ðông - Tây. Và theo triết lý Âm - Dương, Việt Nam luôn biết cách xây dựng sự hài hòa, có lợi cho đôi bên. Trong Ðông có Tây, trong Tây có Ðông. Việt Nam là một dân tộc khôn ngoan, hiểu biết, bám sát thực tiễn dòng sông để sinh tồn.

 

Hành động

- Trân trọng quá khứ, thì phải tiến lên trong tương lai. Ðây không phải là khẩu hiệu văn hóa mà là một mệnh lệnh cả nước tiến lên, đổi mới. Nhất định không để lỡ chuyến đò lịch sử; để vụt mất thời cơ, đánh mất tiền đồ.

- Riêng tôi, tôi xác tín 100% rằng lịch sử có sự hướng dẫn của Thượng Ðế. Thánh Thần đang điều khiển thế giới bằng con đường văn hóa. Tất cả những vị lãnh đạo, cả Ðạo cả Ðời đều được Ngài chọn, đào luyện và trao ban tầm nhìn. “Ở đâu không có tầm nhìn, ở đó Dân sẽ diệt vong”[1]. Và Ngài tuôn đổ ơn khôn ngoan, sức mạnh của Ngài, đúng lúc để họ có thể ra quyết sách đúng thời điểm và can đảm đổi mới.

- Ðổi mới đòi hỏi can đảm và kiên trì. Tôi nhớ tới bài học chim đại bàng. Ðại bàng là vua trên không, anh hùng một cõi.  Ðại bàng có tầm nhìn cực xa, bắt mồi chính xác, có tuổi thọ cao. Ðến 40 tuổi nó phải tự quyết định lên núi cao, tới tổ của nó. Ở đấy, nó phải đập mỏ vào mỏm đá, cho tới khi vỡ mỏ và rụng hết. Chờ mỏ mới mọc xong, nó dùng mỏ mới cúi xuống giật hết móng vuốt. Chờ móng vuốt mới mọc ra đầy đủ, nó tiếp tục nhổ hết lông cánh. Chờ lông cánh mọc đầy đủ, nó bắt đầu hoạt động trở lại.

 

Kết luận

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nổi tiếng là khôn ngoan, biết: “Thiên thời địa lợi nhân hòa; thời thế cơ”. Luôn xuất chiêu đúng thời điểm. Ðánh là thắng. Thắng trong thời bình mới là thắng uyên thâm.

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D. Min)

____________________________________

1 Sách Châm ngôn 29,18


[1]

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm