Thứ Tư, 15 Tháng Mười Một, 2023 16:22

Vốn cho khoa học công nghệ

Chiến lược phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11.5.2022, đã khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo mức chi cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm. Tuy nhiên, khi loại bỏ các khoản chi cho khoa học an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đặc biệt, tỷ lệ chi cho KHCN ở các địa phương và trên toàn quốc chỉ là 1% của tổng NSNN. Chẳng hạn năm 2022, dự kiến chi cho KHCN là 9.140 tỷ đồng, chiếm 1,086% của ngân sách Trung ương. Số kinh phí này được phân bổ cho khoảng 2.000 tổ chức KHCN ngoài công lập, 1.600 tổ chức công lập, bao gồm 261 trường đại học và 141.000 nhà khoa học. Điều này cho thấy số vốn khiêm tốn đó được phân bổ rất dàn trải, chủ yếu duy trì bộ máy và những hoạt động thiết yếu trong nghiên cứu, đặt ra thách thức lớn trong việc hướng tới việc chuyển đổi mạnh mẽ về chất lượng khoa học công nghệ trong tương lai.

Khoa học công nghệ là gì? Vai trò và ứng dụng của khoa học công nghệ

Trên thực tế, việc kêu gọi nguồn kinh phí dành cho phát triển KHCN vẫn còn tiềm năng, nhưng gặp nhiều khó khăn. Nghị định 95/2014/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nhà nước trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển KHCN, nhưng việc giải ngân gặp phức tạp do các quy trình, nên ít đơn vị thực hiện. Doanh nghiệp ngoài công lập cũng được phép trích tối đa 10% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển KHCN, nhưng cần có cơ chế khuyến khích để tạo lợi ích hai chiều khi hợp tác với các cơ sở nghiên cứu và trường đại học. Bởi lẽ, họ bỏ vốn đầu tư thuê các đơn vị nghiên cứu thì cũng cần đòi hỏi những sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, ứng dụng sinh lợi cho doanh nghiệp, chứ không phải chỉ để sản phẩm đã được nghiệm thu nằm trong tủ. Mặt khác, ít doanh nghiệp bỏ tiền thuê nghiên cứu để cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện của mình. Họ thường chọn mua công nghệ nước ngoài, hoặc sử dụng các kết quả nghiên cứu đã được công nhận. Do đó, hiện nay chưa có sự bắt tay hiệu quả giữa doanh nghiệp và các đơn vị khoa học, nên vốn cho nghiên cứu khoa học ở các khu vực tư nhân vẫn ít được khai thác.

Để thúc đẩy phát triển KHCN, cần tập trung đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và các ngành công nghiệp nền tảng. Việc bổ sung các luật và văn bản pháp quy để thúc đẩy hoạt động thu hút vốn cho KHCN và đổi mới sáng tạo là điều đáng quan tâm. Hơn nữa, cần có chính sách thu hút và phát triển nhân tài, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu. Đối với những cơ sở này, việc thử nghiệm các chính sách đột phá về thu nhập, đầu tư cơ sở vật chất để có môi trường làm việc hiện đại… sẽ là bước đột phá thúc đẩy phát triển KHCN.

 

Ngô Quốc Đông

 

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm