Thứ Năm, 05 Tháng Chín, 2019 15:32

Xây dựng mối tương quan vợ chồng

 

Gần đây, trên mạng xã hội rộ lên những câu chuyện về bạo lực gia đình, trong đó nhiều người khá bức xúc với hành vi “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” của một số ông chồng với vợ mình, được ghi lại qua các đoạn clip. Vấn đề cư xử giữa vợ chồng với nhau trong gia đình trở thành đề tài cho những ai quan tâm được dịp lắng nghe và chia sẻ...

 

ÐẰNG SAU VỤ BẠO LỰC...

Chị Trần Thị Ngoan (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai): Tôi có xem một đoạn video quay lại cảnh người chồng đánh vợ khi cô này đang ẵm đứa con nhỏ trên tay và cảm thấy bất bình trước hành vi bạo lực này. Tôi đang nuôi con mọn nên rất thương cảm cho người mẹ trẻ bởi hiểu cơ thể người phụ nữ mới sinh yếu ớt dường nào, nếu bị chồng ra tay mạnh thì chấn thương sẽ nặng nề gấp nhiều lần so với bình thường... Qua thông tin trên mạng và báo chí, tôi được biết đây không phải là lần đầu hai vợ chồng này bất hòa với nhau dẫn đến xô xát. Trả lời phóng viên một báo, người chồng thừa nhận “có hành động như thế trước mặt con là sai”, song anh nói thêm: “Nếu vợ bạn chửi bạn thì có tát cho mấy phát không?”. Vì thế, ở góc độ khác, tôi nhìn nhận sự việc ra nông nỗi trên cũng có phần của người vợ. Có lẽ do chưa thực sự khéo léo trong cách cư xử và lời nói, cô đã khiến anh chồng tức giận...

Từ vụ việc trên và liên hệ với thực tế các gia đình, tôi thấy mọi mâu thuẫn trong nhà xuất phát từ việc vợ chồng không biết nhường nhịn nhau, nhất là không biết kiềm chế những lời nói không hay. Ông bà ta vẫn bảo “cơm sôi bớt lửa cả đời không khê” để nói về sự dung hòa trong mối quan hệ vợ chồng. Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa khí gia đình, nên khi xảy ra xích mích, hãy bình tĩnh, bởi những câu nói khó nghe chẳng khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”! Hãy chờ lúc người chồng nguôi giận mà nói thì sẽ bớt đi những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình.

 

KHÔNG CHẤP NHẬN CHUYỆN CHỒNG ÐÁNH VỢ!

Anh Trần Công Nghĩa (quận Thủ Ðức, TPHCM): Người đàn ông vốn là trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho vợ con về vật chất cũng như tinh thần, nên khi nghe ai nói ở đâu đó có hiện tượng chồng đánh vợ, tôi thấy không chấp nhận được. Vợ chồng sống bên nhau theo đạo nghĩa phu thê, bên cạnh cái tình, còn có cái nghĩa, vì thế mọi hình thức bạo lực đối với nhau đều không nên! Qua mạng, tôi được biết có một người chồng là võ sư đã sử dụng bạo lực với vợ. Như vậy càng không được, bởi đã là “con nhà võ” thì phải có tinh thần trượng nghĩa đối với tất cả mọi người, đặc biệt càng phải giúp đỡ những người yếu thế hơn. Ðằng này, anh ta lại đánh chính người bạn đời đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Không riêng gì tôi mà chắc nhiều người khác cũng phản đối chuyện này!

Trong đời sống gia đình nói chung, đành rằng không tránh khỏi những lúc vợ chồng không hài lòng nhau hay có những lúc nóng giận, “chén bát trong sóng còn khua” mà, song làm sao cũng đừng đẩy chuyện đi xa quá, dẫn đến đánh nhau! Sự đằm tính của người đàn ông, sự tế nhị của người phụ nữ là những tính cách cần để cuộc sống vợ chồng tránh được những xô xát.

 

HÔN NHÂN BỀN VỮNG XÂY DỰNG TRÊN YẾU TỐ NÀO?

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phước (quận Tân Phú, TPHCM): Là người Công giáo, tôi không ủng hộ các gia đình Kitô hữu ly hôn nhưng trong trường hợp người chồng bạo hành vợ một cách thường xuyên, thì hai người cũng nên tách ra để có thời gian nhìn lại mình. Người chồng nếu để lại thương tích cho vợ thì cần có sự can thiệp và trừng phạt của pháp luật... Tôi thấy có những đôi xung đột, sau thời gian xa nhau, lại nhận ra lỗi của mình và hòa giải với người bạn đời. Cha mẹ hai bên nên đóng vai trò hàn gắn, vì đôi bạn trẻ đôi khi còn nông nổi, chưa có nhiều kinh nghiệm sống... Bản thân tôi đã trải qua 51 năm trong đời sống hôn nhân, cũng có những trải nghiệm nhất định và rút ra được nhiều điều để chia sẻ với con cháu. Hôn nhân bền vững được xây dựng trên nhiều yếu tố, trong đó cần nhất là có tình yêu, lòng đạo đức và sự hiểu biết ở người chồng cũng như vợ. Khi có được những yếu tố này thì người ta dễ bao dung. Nếu có xung đột cũng có cách xử lý để vấn đề lắng xuống chứ không nổ to thành bạo lực...

 

BẠO HÀNH GIA ÐÌNH PHẢI CẦN NGĂN CHẶN!

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Ðoàn Luật sư TPHCM): Nghề nghiệp của tôi đã chứng kiến và làm việc với nhiều hoàn cảnh gia đình ly hôn mà trong đó có nguyên nhân từ bạo hành. Phần nhiều là vụ chồng dùng bạo lực với vợ con. Người phụ nữ thường chịu đựng, nhẫn nhục để giữ yên gia đình khỏi tan vỡ, cho con cái khỏi xa cha mẹ. Ngay cả khi vợ đã nộp đơn ly hôn tại tòa, đến khi chồng năn nỉ, hứa hẹn sửa đổi tính nết… thì vợ lại rút đơn. Nhưng sau đó rồi chứng nào tật nấy, người chồng lại bạo hành.

Cuộc sống vợ chồng quả là khó tránh khỏi có những lúc bất đồng, nhưng nếu vượt qua được để đồng thuận mới là ứng xử tốt, bởi lúc đó trong gia đình không chỉ có vợ chồng mà còn có con cái, thậm chí còn có cha mẹ của hai bên. Vợ chồng phải biết lắng “cái tôi” xuống để giữ cái chung, trân trọng tổ ấm gia đình. Nếu căng thẳng quá có thể ra ngoài vài tiếng đồng hồ để hạ nhiệt. Khi tinh thần đã ổn định thì mới có thể dễ nhìn nhận lại cái sai để sửa đổi, để hoàn thiện.

Lúc mới yêu nhau thì tính xấu đều che giấu, khi về chung sống một nhà không còn giữ kín kẽ, những gì là bản chất sẽ dần lộ diện nên ngày càng gây khó chịu cho “đối phương”. Nếu một bên hoặc cả hai bên không ngồi lại đối thoại, không tìm cách khắc phục hoặc sửa đổi tính hư tật xấu của mình thì dễ xảy ra xung đột, nghiêm trọng hơn là chia tay.

Có nhiều người vợ nói, lúc đầu thấy anh ấy hiền lắm mới lấy, có đâu ngờ giờ lại vũ phu như vậy! Ðể xảy ra tình trạng bạo hành gia đình cũng phải xét cả hai bên. Vì sao chồng đánh vợ hoặc ngược lại? Bởi một bên có lỗi lầm gì hay bên kia quá nhu nhược chịu đựng? Bởi một bên muốn thể hiện hay ghen tuông mù quáng, hoặc vũ phu như một thứ bệnh hoạn, thần kinh? Dù gì đi chăng nữa thì bạo hành gia đình phải cần ngăn chặn. Ðó là trách nhiệm chính từ ứng xử bản thân, vợ chồng, cha mẹ, gia đình, các tổ chức xã hội, tôn giáo, chính quyền và pháp luật chống bạo hành gia đình.

 

Huấn từ của Ðức Thánh Cha Phanxicô về đời sống hôn nhân gia đình:

- “Ðừng bao giờ để mặt trời lặn mà không làm hòa với nhau! Ðừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ!” (Huấn từ dành cho các cặp đính hôn, Rôma, ngày 14.2. 2014).

- “Ðiều quan trọng là phải can đảm xin tha thứ khi chúng ta phạm lỗi trong gia đình”. (Huấn từ dành cho các tham dự viên cuộc hành hương Các Gia đình, ngày 26.10.2013)

 

LIÊN GIANG (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm