Thứ Ba, 09 Tháng Năm, 2023 19:36

Xây dựng một thành phố sạch đẹp

 

Một môi trường sống văn minh, sạch đẹp vẫn là ước mơ của nhiều người. Và cư dân TP Hồ Chí Minh vẫn đã và đang từng ngày xây dựng thành phố mình thành một nơi đáng sống…

Một thời, kinh tế khó khăn, nhiều người dân “đổ bộ” xuống lề đường buôn bán nhỏ như cà phê, gánh hàng rong, sửa xe… Khi đất nước đổi mới, các phong trào “làm đẹp” thành phố được phát động. Trong đó, lòng lề đường trả lại cho người đi bộ. Các dịch vụ sửa xe được khuyến khích thuê mặt bằng. Những con đường bày bán mắt kính và sạp báo đã được dẹp gọn nhường cho các cửa hàng tuy không sang trọng cũng sạch sẽ tươm tất. Thành phố bớt sự bát nháo và vô trật tự. Tại các ngã tư, ngã ba, những trụ đèn giao thông có hẹn giây đã được lắp thay cho các trụ cũ… Những ụ rác tại các góc đường cũng được dẹp bỏ. Nhiều cuộc vận động, gây ý thức trong cư dân thành phố đã khiến nạn xả rác ngoài đường bớt đi. Ông Nguyễn Thành Nam, 70 tuổi (Q. 3) nhớ lại: “Cũng nhờ báo chí tuyên truyền một thời gian nên các điểm tập kết rác tại nội thành đã được dẹp. Mặt khác, các tổ chức thanh niên cũng vận động, thậm chí có những ngày, các bạn trẻ cùng vào cuộc dọn dẹp đường phố nên nhiều nơi trở nên xanh, sạch. Dọc các con đường đã thấy có những thùng rác cho người đi đường…”. Em Nguyễn Hạ Vy, học sinh trường tiểu học Kỳ Đồng nói, trong trường của em, thầy cô luôn nhắc nhở không được xả rác ở lớp học, sân trường và cả ngoài đường phố: “Đường phố như bộ mặt của thành phố, vì vậy phải giữ gìn vệ sinh, không được xả rác nơi công cộng. Nghe lời thầy cô, chúng em khi ra đường có lỡ ăn uống mà chung quanh không có thùng rác, cũng ý thức mang rác về nhà bỏ vào thùng rác”.

 

Nạn “tưới nước dọc các bờ tường” của các ông cũng bị nhắc nhở, nhất là ở những tuyến đường trọng điểm. Ở một số nơi, ông nào bị bắt quả tang đang “trút bầu tâm sự” còn bị thanh niên hoặc bất cứ người dân nào gần đó yêu cầu vào nhà dân xin nước ra dội. Thêm vào đó, nhiều bức tường công cộng được phủ lên những bức tranh của các sinh viên tình nguyện tại các trường đại học. Chị Phạm Thị Dương, 35 tuổi (Q. Bình Thạnh) cho hay: “Khi tôi còn là sinh viên, Đoàn Thanh Niên phát động phong trào Mùa Hè Xanh, trong đó có vệ sinh sân trường, vệ sinh lề đường và vẽ tranh trang trí các bức tường quanh thành phố. Sẵn có chút khéo tay, tôi tình nguyện cầm cọ sơn sáng tác những hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, bưu điện, ga Sài Gòn… Thi thoảng đi lại những nơi mình từng vẽ, các bức tranh trên tường đã bạc màu nhưng vẫn còn đủ hình ảnh xưa có bàn tay của mình chăm chút… Tôi vui vô cùng!”.

Người dân sinh sống quanh những bức tường cũng khẳng định nạn “tưới bậy” bên tường đã bớt đi rất nhiều. Bà Lê Thị Phúc, 56 tuổi (Q. 3) kể, trước đây tường quanh ga Sài Gòn có chỗ “bốc mùi” nồng nặc, thế nhưng từ khi bức tường dài thành một dải tranh tường dài và đẹp, ít ông nào dám “chai mặt” xem đó là nơi “xả bầu tâm sự” công cộng nữa. Những bức tranh dù không được vẽ bởi những họa sĩ chuyên nghiệp nhưng trông cũng dễ thương cho một thành phố thanh lịch.

Ở các con hẻm trong những khu dân cư, người ta còn treo các chậu hoa men theo hẻm để tạo sự mát mẻ, xanh tươi cho từng góc nhỏ của thành phố. Chương trình này đã được người dân trong hẻm hưởng ứng bằng cách vui vẻ cho từng đoàn thanh niên đóng những cây đinh, khoan những con ốc vào tường ngoài nhà mình để treo những chậu hoa xanh tươi lên. Họ còn vui vẻ tưới mát các chậu hoa mỗi sáng chiều. Tất cả vì một thành phố sạch đẹp.

Tuy nhiên, để là một thành phố văn mình, vệ sinh… không phải chỉ nỗ lực của những đoàn thể, cơ quan nhà nước hay chỉ một nhóm người. Tất cả cần sự hợp tác của người dân toàn thành phố từ già đến trẻ. Giữ gìn vệ sinh chung phải là trách nhiệm của mọi người.

Việc gây ý thức và giáo dục cũng cần thiết để tạo một thói quen và lối sống đẹp. Không chỉ trong trường học, gia đình cần tạo cho con cái thói quen bỏ rác đúng chỗ, không được xả rác bừa bãi nơi công công... Các bậc phụ huynh cũng nên làm gương cho con cái, bởi có lúc ở nơi công cộng, chúng tôi từng thoáng nghe tiếng trẻ con: “Ba mẹ ơi, sao không bỏ rác vào thùng mà vứt trên đường vậy? Cô giáo nói là xả rác vậy… không tốt…”. Khi trong nhà trường dạy các trẻ một nhân cách tốt thì cha mẹ cần có sự cộng tác qua việc nêu gương sáng, nếu không thì chính phụ huynh lại làm hư con em bởi những thói quen không tốt của mình.

Nếu mỗi người có ý thức thay đổi chính mình, từ những thói quen nhỏ nhặt nhất như không xả rác, giữ gìn vệ sinh từ nhà ra ngõ…, tin chắc bộ mặt thành phố cũng sẽ ngày một thay đổi theo hướng tích cực. 

 

HOÀNG HẠC

 

Ý kiến bạn đọc ()
Tin khác
Xem thêm