Nhà tôi cách ngôi thánh đường của xóm đạo bằng bề rộng một con sông. Nếu đi bộ, chỉ vài ba phút. Lên thành phố mưu sinh, một năm tôi chỉ đôi lần về thăm nhà.
Thế hệ chúng tôi ngày nay không chịu ở quê. Dù rằng, với những đứa con sinh ra từ làng, có thể đồng bằng đẹp hơn thành phố nhiều. Trong những cuộc họp mặt ở phố thị ngày nghỉ, lũ bạn đồng hương cũng từng thừa nhận điều ấy. Ở quê, hồi còn nhỏ, chiều chiều cả đám từ các nẻo đường kéo nhau về sân nhà thờ chơi đá bóng, trốn tìm. Những ngày cận Noel, mỗi đứa say sưa tập luyện với các vai thiên thần, ác quỷ, rồi lấy tên nhân vật để gọi bạn này là Ađam, bạn kia là Giuse… lâu dần thành thói quen. Ðêm trăng rằm, thiếu nhi đi rước đèn quanh cả xóm đến khuya, thật vui. Mùa mưa đi học, không cẩn thận có bạn té nhem nhuốc sình đất…
![]() |
Lớn lên, từng đứa nối gót các anh chị rời quê. Hồi cấp ba, thầy Ðịa lý dạy đó là hiện tượng di cư. Bọn tôi từng nói với nhau bao nhiêu ước nguyện rằng về sau, lúc trưởng thành, đứa này cưới đứa kia rồi sinh con đẻ cái, làm ruộng làm vườn. Vậy mà…
Chúng tôi ở rải rác khắp các quận trong Sài Gòn, có người sang Bình Dương, Ðồng Nai, đi cả nước ngoài làm đủ ngành nghề, miễn là đảm bảo cuộc sống. Ðâu phải chúng tôi không yêu xóm làng. Chốn ấy, từ góc cột nhà thờ đến mỗi con người, cảnh vật đều hằn in vào tâm trí dẫu theo thời gian, đời sống đã khác nhiều. Những ngôi nhà kiểu Thái giờ đây thi đua mọc lên thay cho nhà lá. Ðường nhựa rộng thoáng, công ty, xí nghiệp kéo lại cách xóm chỉ độ chục cây số. Nhưng thành phố vẫn có một ma lực. Hôm qua, cậu bạn thân của tôi còn gọi điện bảo nhớ nhà da diết vì ra Ðà Nẵng làm việc đã hai mùa Tết chưa về: “Tết, có một mình, buồn lắm mày ạ! Tao cũng vô ca đoàn, hát lễ ngoài này. Mùng Một, đi nhà thờ cũng hái lộc, chúc tuổi Chúa nhưng thấy thiếu thiếu điều gì đó. Nhìn bên trái, bên phải, chỉ toàn người lạ nhưng vì công việc nên đành vậy. Giờ sang hè, tao có về thì mày cố sắp xếp để gặp chơi nghen”. Nghe vừa vui mà vừa nghẹn. Hồi Tết sang nhà thấy mẹ cậu buồn, nhưng bà dặn tôi có chuyện trò với bạn thì giấu đi, đừng kể nó nghe. Hồi nhỏ, hai chúng tôi và một cô bạn nữa cùng thích ca hát, hay tham gia các sinh hoạt nhà đạo. Nhà cả ba gần nhau nên thường rủ cùng đi lễ buổi sáng, cùng học đàn, trang trí nhà thờ phụ các sơ…
Ở Sài Gòn, lâu lâu nhóm bạn trẻ xóm đạo tụ họp. Tôi nhớ rõ trong một cuộc gặp, bạn An nhảy xổm lên tức tối kể ai đó nói mình ở quê nơi “khỉ ho cò gáy”. Cậu bảo không, rằng nếu miền tây của ba mươi năm trước thì còn hiu quạnh nhưng bây giờ đã đổi thay rồi. An ấm ức bởi một số người có học vẫn định kiến, phân biệt kẻ ở tỉnh, người ở Sài thành. Chúng tôi xa quê nhưng chưa bao giờ hết yêu quê. Dường như có sự đồng điệu, ai nấy định nghĩa tuổi trẻ là những chuyến đi, khám phá những chân trời mà thế hệ cha ông dù muốn cũng khó có cơ hội. Còn cố hương hẳn là nhà. Vùng đất nơi chúng tôi lớn lên, ngôi nhà thờ trăm năm đứng đó như linh hồn giữ nhịp…
Mấy năm gần đây, truyền thông phát triển, cả xóm lập trang facebook nối kết nhau. Ai có chuyện vui buồn có thể chia sẻ. Vậy là mọi người dù ở xa cũng tiện bề kết nối. Tuy không đi lễ nhà thờ mình mà vẫn hướng tâm tình khi xem hình ảnh sinh hoạt chung. Có điều gì đó rất sâu trong tâm thức, với tôi xóm đạo quê nhà thân thuộc và thiêng liêng bởi lẽ đó là nơi ươm mầm, uốn nắn cho những bước chân thêm vững vàng.
NGUYỄN THIÊN PHÚC
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.