Một thông tin gần đây cho biết, số người sử dụng facebook toàn cầu đã cán đích con số 2 tỷ, chứng tỏ sức hút mãnh liệt của mạng xã hội với công dân toàn cầu. Sự ra đời của mạng xã hội đã cải thiện một cách cơ bản khoảng cách giữa con người, đem lại nhiều tiện ích chưa từng có như chia sẻ thông tin, kết bạn, lưu giữ hình ảnh, chia sẻ cảm xúc, bán hàng, quảng bá du lịch...
Tuy nhiên, mạng xã hội nước ta gần đây có chiều hướng đáng suy nghĩ là lan tràn các thông tin tội ác và bạo lực. Từ việc hô hào tẩy chay sử dụng vaccine đến các vụ giết người ghê rợn ở Vĩnh Phúc, từ cái chết thương tâm của ông chủ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đến những hình ảnh người vợ không chung thủy với chồng ngay tại ruộng khoai ngoài đồng...; tất cả đều được chia sẻ theo các nhóm trên mạng, đến với nhiều người sử dụng và kèm theo những bình luận trái khoáy. Thực trạng ấy khiến nhiều người giật mình tự hỏi, phải chăng nhiều người trong chúng ta đang cổ xúy và chia sẻ cái ác?
Nhiều người giật mình khi mở facebook, thấy nhiều hình ảnh chết chóc, những tin tức giật gân, những hành vi trái với luân lý đạo đức; chính vì thế, họ tự nhủ phải đề phòng hơn với các kết bạn mới. Nhiều cha mẹ lo cho con trẻ vì chúng luôn online trên mạng. Chưa có một cuộc khảo sát nào kiểm tra mức độ tác động của những thông tin tiêu cực tới chúng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là đắm chìm trong thế giới ảo sẽ ảnh hưởng đến đời sống thực. Ngày nay, nhiều bạn trẻ rủ nhau đi uống cà phê nhưng chẳng thấy trò chuyện. Hầu như mỗi thành viên chỉ đến quán, hỏi mật khẩu wifi, sau đó lại dán mắt vào điện thoại, quẹt, phẩy, tương tác trên mạng. Nhiều người chỉ mải mê bình luận, săn hình, thấy cái gì khác người, thậm chí ghê rợn, là đưa điện thoại lên chụp, upload lên mạng câu like và mải mê trong đó, đến nỗi ngày nay có cả căn bệnh mới trước kia không có là “bệnh nghiện facebook”.
Cái xấu lan tràn với tốc độ chóng mặt cũng chứng tỏ chúng ta chưa có một giải pháp nào hữu hiệu để xử lý các hiểm họa truyền thông, nhất là khi nó lại thuộc về trang mạng cá nhân. Nó cũng phản ánh kỹ năng ứng xử với thông tin của nhiều người còn bất cập. Chẳng hạn như việc tung tin tẩy chay tiêm vaccine cho trẻ, khiến nhiều ông bố bà mẹ tin theo, không đưa con đến tiêm chủng tại các cơ sở y tế, gây hoang mang trong xã hội…
Mạng xã hội để lại vấn nạn đâu là niềm tin giữa con người và cảm xúc của họ? Họ vẫn nhìn thấy nhau, chia sẻ, cập nhật cùng nhau từng ngày từng giờ, nhưng đâu là sự thật sau những hình ảnh, thông tin và những bình luận đó? Trong vô vàn các thông tin trao đi đổi lại và tương tác, người ta vẫn phải kiếm tìm lòng tin giữa con người với con người. Bởi có thể các cảm xúc tung lên có khi chỉ là ảo, chỉ để đánh bóng tên tuổi hay phục vụ cho một mục đích nào đó, không phải sự thật!
Sức mạnh truyền thông thời kỹ thuật số rất lớn. Điều quan trọng là mỗi người tự ý thức và phải biết tận dụng để làm lan tỏa những điều hữu ích cho cuộc sống, nhân lên điển hình tốt, tránh lan truyền cái xấu, gây hoang mang dư luận.
Ngô Quốc Đông
Bình luận