“Sông chảy về đâu” là tên một tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Liên. Với 10 truyện trong hơn 100 trang sách, tác giả đã khiến người đọc rưng rưng xúc cảm trước những phận người. Bạn đọc Công giáo còn cảm nhận được điều gì đó rất gẫn gũi, thân quen qua những dòng tự sự, mà ở đó, nhà văn như gởi gắm, chuyển tải thông điệp về một Thiên Chúa tình yêu...
![]() |
Hầu hết những nhân vật xuyên suốt các truyện trong tuyển tập này đều là những người con của Chúa, từ các vị linh mục đến tín hữu bình thường. Trong đó, truyện ngắn đầu tiên và cuối cùng của cuốn sách, nổi lên hình ảnh rất gần gũi của người mục tử dấn thân trên vùng cao, miền núi phục vụ bà con người dân tộc. Khởi đầu là “Người gieo hạt” với vị linh mục đã đến một ngôi làng nhỏ bé của người đồng bào Raglai. Người được mô tả đúng như chân dung của vị mục tử vì đàn chiên: “Bà con dân tộc nghèo quá. Những người chưa có áo, ngài cho áo. Con nít đói ăn, ngài cho gạo. Cụ già ốm đau, ngài cho thuốc. Những người Raglai hiền lành đã xúc động vì ngài...”. Ðó còn là hình ảnh người mục tử theo bài sai sứ vụ, đến rồi đi: “Ngài đi đến những ngôi làng khác, xa hơn và nghèo hơn. Trước khi đi, ngài xây dựng một nhà nguyện nhỏ để những con chiên tội nghiệp đói ăn, thiếu ăn, thiếu cả nhiều thứ khác cuối cùng cũng có một nhà nguyện để thờ phượng Chúa hằng ngày”. Hay một “cha phó” đã chạnh lòng khi nhìn thấy các con chiên với những bàn chân không mang dép đi lễ trong ngôi nhà nguyện và cha đã mua những đôi dép để tặng họ như một món quà... Rồi câu chuyện khép lại cuốn sách (Mảnh đất tình yêu) cũng là hình ảnh đẹp của vị linh mục chăm lo cho giáo dân của một xứ đạo người dân tộc Ba Na. Cha biết tiếng Ba Na, thuộc hết những con đường đi vào các xóm nhỏ... Và từ những năm sống với người đồng bào, “cha cũng thấy mình là một người Ba Na trên mảnh đất nghèo vật chất mà đầy tình yêu thương này”...
Lần giở từng trang sách, độc giả hẳn khó kìm nén được cảm xúc nghẹn ngào, buồn man mác trước thân phận của những nhân vật trong các truyện, như đôi vợ chồng người gác chuông nhà thờ; hay cuộc đời của người chị gái lang thang tìm đứa em lưu lạc; người chồng trẻ ngồi khóc vợ; cô gái câm tội nghiệp bị hãm hiếp hay phận đời của người mẹ trẻ phải bỏ lại con mình trong ngôi nhà thờ cổ vì chạy trốn người chồng nát rượu; những đứa trẻ nhớ cha, luôn mong được gặp lại cha dù ông đã đi với người phụ nữ khác khiến cho mẹ mình phải đau khổ... Nhưng rồi vượt trên tất cả, người đọc như lại tìm được một niềm ủi an khi những đổ vỡ, những khoảnh tối, sự tổn thương và đau khổ... được “hóa giải” bằng tình yêu, sự tha thứ, trong đó phảng phất tinh thần nhân văn Kitô giáo. Và Chúa luôn xuất hiện để tác giả gởi gắm trong câu chuyện của mình những tâm sự, nỗi niềm, đức tin và sự cậy trông... Có thể thấy rõ điều này qua đoạn cuối của truyện Người gác chuông nhà thờ: “Không ai nhớ nhưng chắc chắn Chúa luôn nhớ ông Từ già và người vợ mù, người kéo chuông, người dạy kinh dùm Chúa. Chúa đã ở bên họ, quan sát họ và giúp đỡ họ theo kiểu của Người...”; hay đoạn cuối của Người yêu dấu ơi: “Nhớ Người, tôi hiểu giá trị của gia đình dù gia đình tôi đầy khiếm khuyết và sóng gió. Người đóng trên Thánh Giá kia, nhân hậu nhìn tôi đang ngồi trên biển, dụi đầu vào mẹ. Người ở trong tim tôi, vẽ cho tôi những con đường. Người chính là gia đình của tôi. Chúa của tôi! Người yêu dấu ơi!”; hoặc cũng có thể dễ dàng cảm nhận tình yêu của Chúa xuyên suốt trong truyện Bài ca của chú ve nhỏ...
Trong lời giới thiệu sách, linh mục Cao Gia An, S.J đã cảm nghiệm: “Ngang qua vỏn vẹn 10 truyện ngắn trong tuyển tập này, tôi nghe được tiếng lòng của một người con đang hạnh phúc với niềm tin của mình, với tôn giáo của mình, với Thiên Chúa của mình. Tôi cũng gặp được những hình ảnh rất đẹp về Thiên Chúa, một Thiên Chúa không hề cao vời xa cách, nhưng nhập thể hòa mình ngay giữa cuộc nhân sinh...”. Vâng, có lẽ tập truyện này cũng sẽ tìm được những cảm nghiệm tương tự như vậy từ những bạn đọc khác.
Nguyễn Thị Khánh Liên là nhà văn thế hệ 8X, cũng là một tín hữu Công giáo - người con của giáo xứ Gò Ðền, giáo phận Nha Trang. Trước tác phẩm này, nữ tác giả đã xuất bản các truyện dài như “Mùa ảo ảnh”, “Cô bé gọt bút chì và chú vẹt Cúc-cu” (NXB Văn hóa Văn nghệ 2014), “Charao mùa trăng” (NXB Trẻ 2014), tập truyện ngắn thiếu nhi “Giải cứu ông già Noel” (NXB Kim Ðồng 2017). Tập “Sông chảy về đâu” này (NXB Hồng Ðức 2021) được xem như tập truyện ngắn Công giáo đầu tay của Khánh Liên. Ðây là cuốn sách nằm trong số những ấn phẩm ra mắt dọn mừng 400 năm văn học Công giáo (1632 - 2032).
Liên Giang
Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.
Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.
Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.