Xuân xưa

Tôi người Bắc nhưng chưa bao giờ cảm nếm được nét Xuân chính gốc quê mình. Vừa được 3 tuổi, cùng theo bố mẹ vào Nam năm 1954. Nhớ mang máng là khi đặt chân lên đất phương Nam, chúng tôi ở trong các nhà lều phía trường đua Phú Thọ đâu ít ngày, rồi cả dòng họ nội ngoại, các bác các bá, các anh chị về Củ Chi, ấp Tân Phú thuộc xã Tân Phú Trung. Mỗi hộ gia đình được cấp một mảnh đất khoảng 350 mét vuông để làm nhà tranh vách đất. Được chừng một năm, thầy tôi vào sau, được bố trí làm công chức ở Sài Gòn nên lại đưa gia đình tôi về ấp Lộc Hòa, xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định, mua lại một căn nhà đã có sẵn và định cư hẳn ở đây. Khi đó cha Phêrô Đinh Công Trình là vị linh mục chánh xứ tiên khởi.  

cho-tet-1641635224.jpg (46 KB)
Chợ Tết xưa

Bên nội tôi có ông bà, các bác đều ở lại Củ Chi lập nghiệp; bên ngoại theo các cha về vùng Cái Sắn, kênh C định cư. Như thế là tôi tha hương, lớn lên tại Sài Gòn, nhưng cũng có quê nội, quê ngoại (mới) như mọi người. Thầy mẹ tôi chắc là thương nhớ quê cha đất tổ có tên là Quang Húc, Quảng Oai (tỉnh Sơn Tây) nhiều lắm, nên cứ hay kể cho chúng tôi nghe về miền quê nghèo, chan chứa nỗi nhớ.

Thật sự thì, mãi đến hết bậc tiểu học, tôi mới bắt đầu có những cảm nhận về những ngày Tết thuở ấu thơ. Nơi tôi ở là giáo xứ Lộc Hưng, là tên ghép của số đông bà con giáo xứ Bách Lộc, giáo phận Hưng Hóa định cư. Đồng bào Công giáo hầu như vẫn giữ được những nghi thức truyền thống của vùng đạo ngoài Bắc. Sáng sớm, mới đâu chừng 4 giờ, mọi người đã thức dậy đi lễ như thói quen của xóm đạo ngoài quê, dậy sớm để lễ lạy rồi ra đồng. Chiều đến, tiếng chuông nhà thờ lại vang lên, báo hiệu cho giờ kinh tối chứ không có lễ chiều như bây giờ. Chúng tôi, dù mới mươi tuổi cũng được cha mẹ gọi dậy đi lễ sớm rồi về nhà khi mặt trời chưa mọc, ăn sáng với ít cơm nguội tối hôm trước còn, cho vào chảo với chút mỡ hành rang lên cho nóng. Mỗi người một chén đủ no bụng để người lớn đi làm, đi chợ; trẻ con đi học không để bụng trống rỗng. Họa hoằn lắm mới có ngày được ăn bánh Tây (bánh mì) kẹp trứng rán mỏng.

Những ngày Tết đến với chúng tôi thật là những ngày mong đợi hàng năm, bởi học trò được nghỉ nhiều trước và sau đó. Còn nhớ những buổi chiều trước Tết, chúng tôi ra cánh đồng gần nhà tìm hái những cây cỏ gà về “đá gà” giả định; tìm bắt những chú chuồn chuồn kim, châu chấu… bỏ vào lọ rồi đem khoe bạn bè về “công trạng” của mình. Rồi vô số những trò chơi khác trước sân nhà như đánh đáo, đánh cù, chơi khăng, đá banh, ném bóng. Cả những lần “tạt lon”, đánh bi mướt mồ hôi mà vẫn thấy vui, quên cả giờ cơm.

1tet_1.jpg (153 KB)

Cận Tết, thầy tôi vì là công chức nên vẫn đi làm tới xế chiều mới về. Ở nhà mẹ vẫn giữ lề thói quê xưa, nên chả năm nào mà không lo liệu cho chồng con có một cái Tết vui vẻ, đủ đầy. Khoảng 25 hay 26 tháng Chạp, mẹ dẫn chúng tôi đi chợ Tết để xem cho biết và phụ mẹ đem hàng về. Chợ Tết vui nhất là ở ngã ba Ông Tạ, cho đến hôm nay, sau hơn 50 năm, vẫn còn giữ lại đôi chút nếp cũ, qua việc bán lá dong, lạt buộc. Thời điểm ấy, bà con từ Hóc Môn, Củ Chi đưa hàng lên bằng những chiếc xe thổ mộ (xe ngựa) liên tục mỗi ngày cả chục chuyến. Nào lá chuối, lá dong, ống giang, ống nứa để làm lạt gói bánh. Hoa Cúc, hoa Vạn Thọ, Mào Gà, nhang đèn dùng cúng lễ, trái cây còn nguyên cuống như xoài, đu đủ, na, mãng cầu, cam, quýt… Đủ tất. Ngoài ra còn có những bu (lồng) chứa gà vịt, heo, thỏ. Những gia súc gia cầm thoát ly vườn tược thi nhau cất tiếng gà gáy ó o, tiếng quang quác của vịt ngan, tiếng khọt khẹt của chú heo…, khiến âm thanh chợ Tết thật sôi động. Chợ Tết ngày đó còn có những sạp bán tranh Tết để trang trí nhà cửa, hoa nylon đủ màu thay cho hoa tươi. Và dĩ nhiên không thể thiếu những sạp bán pháo. Đi chợ với mẹ, lần nào về cũng được mẹ thưởng cho miếng bánh khảo bọc giấy bóng đỏ hay thanh kẹo kéo bọc đậu lạc, kèm theo mấy hào ăn kem…, do có công… xách làn phụ mẹ.

Tôi cũng có được có những cảm xúc dâng trào khi phụ mẹ rửa lá, ngâm gạo nếp, đậu xanh, rửa nồi, xếp củi để chiều đến, khi thầy tôi về là cả nhà ngồi lại gói bánh. Xóm tôi đều là người Bắc di cư nên nhà nào cũng gói bánh và nấu bánh trước cửa nhà, thầy mẹ tôi không rành gói bánh chưng nên chỉ gói bánh tét. Nhà ít người nên chỉ gói chừng hơn chục cái, nhưng cũng vui đáo để. Anh em tôi cũng tập tành gói những chiếc bánh nhỏ, mỗi đứa một cặp, méo mó, lỏng lẻo, nhưng ai cũng muốn có phần của mình, canh chín là vớt để riêng. Đến bây giờ nhớ lại, tôi mới thấy tiếc vì không có được cảm xúc “trông bánh chưng chờ trời sáng, đỏ hây hây những đôi má đào” như một bài hát đã diễn tả, vì lũ trẻ chúng tôi cũng thức nấu nhưng chỉ hơn 10 giờ đêm là mắt nhíu lại, quay vào nhà đánh một giấc. Sáng ra khi nghe mẹ gọi dậy đi lễ thì đã thấy những đòn bánh xếp gọn gàng trên đôi quang gánh treo dưới bếp, củi lửa đã dọn sạch sẽ ngoài hiên. Còn thầy tôi cũng vửa chợp mắt để lấy sức sáng ra đi làm công sở.

Lại nói chuyện “về quê”, cũng có đấy. Khoảng 26 hay 27 Âm lịch, mẹ cho anh em tôi về Tết ông bà nội và các bác ở Củ Chi (nay là giáo xứ Sơn Lộc), thuộc tỉnh Hậu Nghĩa lúc đó. Do từng đi nhiều lần với thầy trong năm nên dù mới 13, 16 tuổi cũng tự đi xe đò được. Chúng tôi đi xe ngựa lên bến xe ngay ngã tư Bảy Hiền rồi lên xe Liên Hòa đi Củ Chi. Xe ghé cổng nhà thờ thì đi bộ vào. Những năm 60, Củ Chi chưa nhuốm bom đạn, nhà nào cũng trồng những hàng trúc xung quanh nhà. Khi ấy với tôi, được về đây ăn Tết là cả một điều thú vị tuyệt vời. Mượn xe đạp của một người anh con ông bác, đạp qua những đường mòn bên những rặng tre, nghe gió thổi rì rào, tiếng gọi nhau í ới của các bạn nhỏ vùng quê. Thật êm đềm...

Ông bà nội tôi, các bác, các anh chị ai cũng quý các cháu ở Sài Gòn về nên làm nhiều món ăn ngon cho thưởng thức. Bà, bá (chị của bố) hái cho những trái na, trái đu đủ, chuối, cả những búp măng tre xanh mướt… về làm quà. Đặc biệt, bá tôi - bà giáo Châu - chuyên đãi món “chè kho” làm từ đậu xanh xay trộn với đường cát trắng, tinh dầu bưởi, bột vani nấu chín, trải trên tấm mẹt nhỏ lót giấy đỏ cho có màu Tết. Lớp chè kho dày khoảng 2cm, trên mặt được lăn nhẵn thín, rắc hạt vừng rang chín. Chè khi để ngưội được cắt thành từng thanh nhỏ khoảng nửa bàn tay. Mỗi lần các cháu lên Củ Chi, bá Châu, chị Chiến lại mang từng đĩa bánh ra cho thưởng thức và còn gói đem về biếu thầy mẹ. Tôi cũng đã từng được trải qua những đêm nấu bánh tại quê nội. Vui thật vui vì các bác, các anh chị đều tụ về nhà nội tôi gói và nấu bánh một lượt cho các nhà, theo đúng câu “góp gạo thịt nấu bánh chung”. Khi nồi bánh vừa bén lửa, cả nhà dùng một bữa tất niên với đủ món ăn “cây nhà lá vườn”, ấm áp tình gia tộc.

Ladong4_.jpg (525 KB)
Sau hơn 50 năm, khu Ông Tạ vẫn còn giữ lại đôi chút nếp cũ, qua việc bán lá dong, lạt buộc trong những ngày cận Tết

Rất tiếc là thời thơ ấu, tôi chưa một lần về “quê ngoại” Cái Sắn để thưởng thức hương vị Tết miền sông nước, vì xa xôi cách trở, thầy tôi lại không được nghỉ dài ngày để đưa các con đi, mà chỉ đón ngoại lên ăn Tết với gia đình vài lần, khi tôi đã lớn.

“Đón Xuân này lại nhớ Xuân xưa”. Làm sao tôi có thể quay thời gian lại để thưởng Xuân như những ngày ấy. Viết những dòng hồi ức này cho các con, các cháu nhớ rằng, Tết Việt Nam mình mãi mãi là những gì đẹp lắm, cần giữ lại.

Fx Đỗ Công Minh

 

Từ khoá:
Chia sẻ:

Bình luận

có thể bạn quan tâm

Thương sợi bắp chuối bào
Thương sợi bắp chuối bào
Thuở bé, quanh nhà tôi trồng khá nhiều bụi chuối. Phải công nhận loài cây này thực sự “có lòng” với con người, từ lá, thân, trái, củ… đều dùng được. Chỉ riêng cái bắp chuối thôi, cũng có thể làm ra vài món hấp dẫn.
Viên đạn bọc đường
Viên đạn bọc đường
Một cô vợ bị chồng bạo hành nhưng không thể dứt khoát ra đi. Nguyên nhân chính là vì đứa con gái duy nhất rất quấn ba.
Mùa đông phố cổ
Mùa đông phố cổ
Hôm ấy, tôi đưa bạn từ phương xa đi dạo loanh quanh phố cổ. Ngồi nghỉ chân dưới tán cây sao đen, ngắm nhìn Hội An một ngày cuối năm đầy thơ mộng…
Thương sợi bắp chuối bào
Thương sợi bắp chuối bào
Thuở bé, quanh nhà tôi trồng khá nhiều bụi chuối. Phải công nhận loài cây này thực sự “có lòng” với con người, từ lá, thân, trái, củ… đều dùng được. Chỉ riêng cái bắp chuối thôi, cũng có thể làm ra vài món hấp dẫn.
Viên đạn bọc đường
Viên đạn bọc đường
Một cô vợ bị chồng bạo hành nhưng không thể dứt khoát ra đi. Nguyên nhân chính là vì đứa con gái duy nhất rất quấn ba.
Mùa đông phố cổ
Mùa đông phố cổ
Hôm ấy, tôi đưa bạn từ phương xa đi dạo loanh quanh phố cổ. Ngồi nghỉ chân dưới tán cây sao đen, ngắm nhìn Hội An một ngày cuối năm đầy thơ mộng…
Mua sắm cuối năm: nên đủ dùng hay thỏa thích?
Mua sắm cuối năm: nên đủ dùng hay thỏa thích?
Dạo quanh các siêu thị, trung tâm thương mại những ngày này, đã thấy nhiều chương trình khuyến mãi nhộn nhịp dịp cuối năm bắt đầu được các nhãn hàng triển khai.
Hương gây mùi nhớ
Hương gây mùi nhớ
Vừa nghỉ hưu, ông Minh đã lên kế hoạch cho những ngày rảnh rỗi của mình. Được vợ đồng ý, ông lấy hết số tiền dành dụm, tìm mua một mảnh đất nhỏ ở ngoại thành yên tĩnh, xây căn nhà cấp 4 cho hai vợ chồng an hưởng tuổi...
Hành hương đến Tắc Sậy
Hành hương đến Tắc Sậy
Bà con dành cho cha Diệp niềm yêu mến, sự nâng đỡ tinh thần một cách đặc biệt, và tin cha luôn cầu bầu cùng Chúa ban ơn cho những điều khấn nguyện.
Từ một quà tặng dịp thụ phong linh mục
Từ một quà tặng dịp thụ phong linh mục
Nhà thờ ngày Chúa nhật trong ngoài đều có lớp giáo lý. Dưới tán cây bàng, người nữ tu cao niên đứng giữa các anh chị vào đời thuyết giảng
Giữ vẻ thanh tịnh nơi tôn nghiêm
Giữ vẻ thanh tịnh nơi tôn nghiêm
Nhà thờ, khuôn viên nhà thờ, nhà xứ là nơi tôn nghiêm, cần sự thanh tịnh. Bạn nghĩ gì, khi thánh lễ bị làm phiền và nhiều giáo xứ dùng khuôn viên, nhà xứ làm nơi kinh doanh, buôn bán?
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025
Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn chiều 30.11.2024, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, nhằm bảo...