Những ngày Tết đến có lẽ là lúc chúng ta dễ hoài niệm, trước là về năm cũ, bao nỗi thăng trầm, được mất... Những ngày Tết đến cũng là lúc chúng ta nhìn sang năm mới cùng bao niềm hy vọng, dự định ấp ủ… Trước ngưỡng cửa mùa Xuân Tân Sửu 2021, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Tổng Thư ký HÐGMVN - đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc một cuộc phỏng vấn, để chia sẻ những suy tư, tâm tình của ngài, gởi cộng đoàn Dân Chúa.
CGvDT: Kính thưa Ðức cha, Giáo hội cũng như xã hội vừa đi qua một năm với nhiều xáo trộn do thiên tai, hạn hán, và nhất là dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Một thoáng nhìn lại, theo Ðức cha, tín hữu Công giáo nên nghĩ về những “dấu chỉ thời đại” này như thế nào ?
- Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Trong tầm nhìn của đức tin Công giáo, tôi nghĩ tình hình thế giới năm 2020 giúp chúng ta ý thức rõ hơn sự mong manh, mỏng giòn của phận người. Ngay tại những nước giàu có và rất tiến bộ kỹ thuật, số tử vong vì dịch bệnh vẫn rất lớn. Và khi nhân loại chưa khống chế được Covid-19 thì lại xuất hiện biến thể mới của virus này, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn. Thế giới và con người sống trong đó mong manh hơn chúng ta tưởng.
Ðồng thời, từ hai thập niên qua, trước sự tàn phá của con người tới môi trường sinh thái, người ta ngày càng ý thức về sự phát triển bền vững, và đương nhiên dịch bệnh cũng như những thiên tai năm 2020 càng khiến nhân loại phải quan tâm hơn. Tuy nhiên, khi nói đến sự phát triển bền vững, hình như chúng ta mới chỉ nói đến bình diện kinh tế. Thiết nghĩ cần phải trân trọng những giá trị vững bền về nhân bản và tâm linh, nền tảng của sự phát triển vững bền kinh tế. Khi đưa ra khái niệm “phát triển toàn diện”, Giáo hội Công giáo muốn nói đến điều này.
Cũng trong bối cảnh thế giới năm 2020, người ta thấy sáng lên vẻ đẹp của tình liên đới và hợp tác. Ðức Giáo Hoàng Phanxicô diễn tả: “Như các môn đệ trong trình thuật Tin Mừng Mc 4,35, chúng ta mất cảnh giác trước cơn bão bất ngờ, không mong đợi. Chúng ta nhận ra rằng tất cả đều ở trên cùng một con thuyền mong manh và lạc hướng, đồng thời điều quan trọng và cần thiết là phải cùng chèo chống, mỗi người phải nâng đỡ người khác. Trên con thuyền là tất cả chúng ta” (ÐGH Phanxicô, Giờ cầu nguyện trong đại dịch Covid-19, 27.3.2020).
Theo Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, nhìn vào cơn đại dịch Covid-19, con người càng thấy sự hữu hạn, mong manh của mình
|
Vâng, đúng như Ðức cha vừa nhận định, trong năm 2020, tình liên đới có lẽ là sợi chỉ xuyên suốt chi phối mọi đời sống, sinh hoạt…, để dù trong hoạn nạn, người ta vẫn chung tay hợp sức vượt qua khó khăn. HÐGMVN cũng đã có nhiều chương trình, hành động cụ thể phát huy tình liên đới, kịp thời đồng hành với bà con. Tại các cộng đoàn, giáo xứ đã có nhiều sáng kiến mục vụ hay, nối kết đạo - đời. Ðức cha đánh giá ra sao về những chuỗi hoạt động này ?
- Trước hết, tôi xin cảm ơn sự đáp ứng của anh chị em tín hữu trước lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục, đã tích cực tham gia vào việc cứu trợ nạn nhân thiên tai trong năm qua. Ở miền Tây Nam bộ, chúng tôi không phải chịu đựng những cơn bão và lũ lụt như ngoài miền Bắc và miền Trung, nhưng trong năm 2020, bà con các tỉnh ven biển Tây phải chịu đợt hạn mặn kéo dài, đi sâu vào đất liền và gây thiệt hại nặng nề cho đời sống người dân nông thôn. Trong đợt hạn mặn đó, tôi nhận được sự trợ giúp từ nhiều ân nhân ngoài giáo phận Mỹ Tho để có thể giúp đỡ phần nào cho bà con nghèo trong lúc ngặt nghèo.
Tôi nhận ra điều này: có những hoạt động bác ái được nhiều người biết tới qua các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng ngoài ra còn có sự liên đới âm thầm và bền bỉ; trong và giữa các cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận. Ðây chính là điều Ðức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh khi cử hành Giờ cầu nguyện trong đại dịch Covid-19, và ngài tiếp tục nhắc lại trong Tông thư Patris Corde về Năm kính Thánh Giuse : “Cuộc sống của chúng ta được đan dệt với nhau và được nâng đỡ nhờ những con người bình thường - những người thường bị quên lãng. Họ không xuất hiện trên báo chí hay trong những chương trình truyền hình mới nhất, nhưng thực sự họ đang làm nên những biến cố quan trọng của lịch sử”.
Hướng về năm mới Tân Sửu 2021, Giáo hội hoàn vũ được Ðức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi sống năm đặc biệt kính Thánh Cả Giuse, mẫu gương công chính. Công chính giữa lòng xã hội hôm nay nên được hiểu như thế nào, thưa Ðức cha ?
- Thánh Giuse được gọi là “người công chính” trong bối cảnh Tin Mừng Matthêu : Ðức Maria đã đính hôn với Thánh Giuse nhưng trước khi hai người về chung sống thì Ðức Maria đã có thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Rồi thánh Matthêu viết tiếp : “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (1,19).
Nếu chúng ta hiểu “công chính” là “công bằng” theo nghĩa “ăn miếng trả miếng; mắt đền mắt, răng đền răng” thì chính ra thánh Giuse phải tố cáo cô Maria và làm cho ra lẽ ! Mà đó là điều Lề luật thuở ấy cho phép. Thế nhưng Ngài lại không muốn tố cáo, chỉ định tâm âm thầm rời bỏ Ðức Maria. Rồi khi được sứ thần Chúa hiện đến báo mộng thì Thánh Giuse lập tức làm như sứ thần Chúa dạy, đón Ðức Maria về nhà (x. Mt 1,20-24). Từ đó cho thấy, sự công chính nơi Thánh Giuse không chỉ là công bằng nhưng còn bao hàm sự tôn trọng và lòng thương cảm.
Có lẽ đây là bài học cần thiết cho tất cả chúng ta. Không ai không mong ước sự công bằng, nhưng có người nhân danh công bằng để sử dụng bạo lực và khơi dậy hận thù, còn những ai yêu mến “người công chính Giuse” chắc sẽ tìm kiếm và xây dựng công bằng qua nẻo đường đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau.
Trong khó khăn, tình người luôn ánh lên
|
Xin Ðức cha có một vài gợi ý trong phương cách mục vụ cho các giáo xứ và tín hữu về lối sống xứng hợp trong Năm Thánh Giuse ?
- Tôi không dám đề nghị một kế hoạch mục vụ nào, chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ đơn sơ. Tôi nghĩ Ðức Giáo Hoàng Phanxicô có lòng kính mến Thánh Giuse cách riêng vì trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ngài đã khai mạc sứ vụ Thánh Phêrô vào lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng 3 năm 2013. Trong bài giảng lễ hôm ấy, ngài tập trung vào vai trò của Thánh Giuse là Ðấng Bảo trợ (custos), nói đơn sơ là người bảo vệ, cụ thể là bảo vệ Hài nhi Giêsu và Mẹ của Người. Ðức Giáo Hoàng kêu gọi chúng ta cũng phải bảo vệ mầm sống Giêsu trong lòng mình. Mầm sống ấy mong manh lắm, lại phải đối diện với sức tấn công của những Hêrôđê thời mới, vì thế cần phải bảo vệ, giữ gìn.
Kế đến, một trong những nét đẹp thường được nhắc tới khi nói về Thánh Giuse là sự thinh lặng. Chúng ta phải học với Thánh Giuse điều này vì cuộc sống ngày nay quá ồn ào. Không chỉ là ồn ào do tiếng động bên ngoài, nhưng còn là thứ ồn ào của điện thoại thông minh, mạng xã hội, theo ta từng giây phút và khắp nơi. Sự ồn ào đó có thể làm suy yếu thế giới nội tâm, làm cho ta sống hời hợt bên ngoài, dẫn đến tình trạng vong thân và tha hóa. Nếu không sử dụng mạng xã hội trong tư cách một người chủ, chúng ta có nguy cơ trở thành nô lệ của nó và nó dần giết chết thế giới nội tâm của mình.
Cuối cùng là lời mời gọi nên thánh, không phải bằng những hành động vĩ đại nào mà là trong việc bổn phận hằng ngày, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thánh Giuse quả là mẫu gương nên thánh trong việc bổn phận, hiện thực hóa những lời khuyên dạy Hội Thánh nói với chúng ta : “Chính trong những trạng huống, phận vụ và hoàn cảnh của cuộc sống, các Kitô hữu sẽ được thánh hóa mỗi ngày một hơn…, bằng cách dùng chính sự phục vụ trần thế của mình để bày tỏ trước mặt mọi người tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại” (Hiến chế Giáo hội, số 41).
Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, trong vai trò Tổng Thư ký HÐGMVN, Ðức cha có nhắn gởi gì đến bạn đọc báo CGvDT và các thành phần Dân Chúa ?
- Bước vào năm mới Tân Sửu 2021, tôi nguyện xin Thánh Giuse gìn giữ tất cả chúng ta trong ân nghĩa Chúa, để “tinh thần Giêsu” ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, thêm sâu sắc nơi anh chị em, nhờ vậy, mỗi người góp phần tích cực vào sứ mạng loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam.
Chúng con xin hết lòng cảm ơn Ðức cha! Kính chúc Ðức cha dồi dào sức khỏe và tràn đầy thánh ân !
NGUYỄN HÙNG LUÂN thực hiện
Bình luận