Loan báo Tin Mừng dù là trách nhiệm của mọi người nhưng linh mục vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong sứ vụ này, vì họ có sức cuốn hút cộng đoàn, họ là những hôn phu của Giáo hội, giữ phần “lái” trên chiếc xuồng giữa dòng đời, như cách nói của người miền Tây Nam bộ. Vì vậy, để trở nên mục tử “như lòng Chúa mong ước” và có thể chèo chống con thuyền Hội Thánh về sau, các chủng sinh phải đào luyện không ngừng. Đức Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh, Giám mục GP Đà Lạt, đã dành cho báo Công giáo và Dân tộc (CGvDT) những trao đổi xoay quanh việc đào tạo chủng sinh hiện nay ở nước ta.
ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, Chủ tịch UB Giáo sĩ - Chủng sinh |
CGvDT: Trước hết, xin Đức cha giới thiệu vắn tắt về chương trình đào tạo linh mục đang được Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện ?
ĐGM VHC: Việc đào tạo linh mục tại Việt Nam hiện nay đang theo một chương trình thống nhất dựa vào Văn kiện “Đào tạo Linh mục - Định hướng và Chỉ dẫn” (gọi tắt là Ratio) được Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc phê chuẩn ngày 31.10.2011 và được Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành ngày 11.4.2012. Đó là một tiến trình đào tạo toàn vẹn, không chỉ ở trong chủng viện, nhưng bao gồm cả ba giai đoạn : trước chủng viện, tại chủng viện và sau chủng viện. Toàn bộ tiến trình đào tạo về 4 chiều kích (nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ) đều cùng chung một mục đích là làm cho ứng sinh được biến đổi, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, để họ có thể đại diện Chúa Giêsu là Đầu, là Mục tử và là Hôn phu của Giáo hội, loan báo Tin Mừng cho thế giới và xây dựng Giáo hội với ba nhiệm vụ: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn (x. PDV 15; PDV 2; 12; PO 2). Điều cần quan tâm trong quá trình đào tạo là luôn thanh luyện và nuôi dưỡng “động cơ thúc đẩy” cá nhân đáp ứng ơn gọi. Trong công cuộc đào tạo, “nguồn lực” là Chúa Thánh Thần, “chủ lực” là bản thân mỗi người, và “trợ lực” là mọi thành phần dân Chúa.
*Đức Chân Phước Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Evangelii Nuntiandi, số 41, đã để lại một phương châm thực hành: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Theo Đức cha, cách gì để những chủng sinh sau ngày ra trường trở thành một chứng nhân và thầy dạy có sức lay động những người xung quanh?
- Trước hết, về mặt lý thuyết, nói một cách đầy đủ, trở thành chứng nhân là “trở thành chứng nhân trong Giáo hội và với Giáo hội về Chúa Giêsu đã chết và sống lại”, theo ba tiêu chuẩn mà Thánh Phêrô đã đề nghị để lựa chọn một Tông đồ thay thế cho Giuđa : “Vậy trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có một người trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi để làm chứng Người đã Phục sinh... Họ rút thăm, và ông Matthia trúng thăm : ông được kể thêm vào số mười một Tông đồ” (Cv 1,21-22.26). (x. Ratio số 22-27):
+ “Cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu” là tiêu chuẩn đầu tiên để lượng giá kết quả đào tạo linh mục; được đào tạo để “biết, yêu mến và theo Chúa Giêsu” trong Giáo hội.
+ “Trở thành chứng nhân cùng với chúng tôi” là tiêu chuẩn thứ hai nhấn mạnh đến chiều kích “hiệp thông”; chỉ là chứng nhân đích thực khi sống sự hiệp nhất trong Giáo hội.
+ “Làm chứng cho Chúa Phục sinh” là tiêu chuẩn thứ ba nhấn mạnh đến nội dung của chứng từ : “Mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và sống lại”.
Tiếp đến, về mặt cụ thể, chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu Phục sinh phải là con người giống Chúa Giêsu đã “hạ mình khiêm tốn phục vụ đến sẵn sàng hy sinh mạng sống”. Từ đó, một linh mục “khiêm tốn, hy sinh, phục vụ” trong sự hiệp thông với giám mục, với các linh mục khác, với tu sĩ, giáo dân và mọi người, phát xuất từ “đức ái mục tử”, sẽ là một chứng nhân và thầy dạy có sức lay động những người xung quanh.
Chủng sinh khóa XV ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn trong ngày nhập học |
*Vậy ngoài việc được huấn luyện về đời sống thiêng liêng, tu đức, luân lý, giáo lý..., chương trình đào tạo có phần nào dành cho việc thực tập truyền giáo ?
- Việc truyền giáo - từ thường dùng hiện nay là “Phúc âm hóa” - theo Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu độ” của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nhằm đến 3 đối tượng : một là những người chưa biết Chúa, cần được Phúc âm hóa, đây là việc truyền giáo ad gentes theo đúng nghĩa của từ ngữ; hai là những người đã biết Chúa nhưng nay bỏ Chúa, cần được tái Phúc âm hóa; ba là Phúc âm hóa những người đã biết Chúa nhưng chưa sống Phúc âm. Đối với cả 3 đối tượng trên, cần phải thực hiện với một “nhiệt tâm” mới, “phương pháp” mới, và cách “diễn tả” mới, được gọi là tân Phúc âm hóa.
Trong chương trình đào tạo hiện nay tại Đại Chủng viện, có 3 năm đặc biệt được chen vào chương trình 6 năm đào tạo truyền thống (2 năm triết học và 4 năm thần học), đó là : năm tu đức - 2 năm triết học - năm thử - 4 năm thần học - năm mục vụ. Trong đó năm thử và năm mục vụ là thời gian đặc biệt dành cho việc thực tập mục vụ. Ngoài ra, vào các kỳ nghỉ hè, các chủng sinh cũng được sai đến thực tập mục vụ tại các giáo xứ hay tại các giáo điểm truyền giáo. Mục vụ theo linh đạo linh mục giáo phận là “loan báo Tin Mừng với ba nhiệm vụ rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn”. Tất cả đều nhắm mục đích Phúc âm hóa, trong đó có việc truyền giáo cho người chưa biết Chúa. Việc truyền giáo hữu hiệu nhất chính là làm chứng về tình yêu mục tử đối với hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ, cả về tinh thần lẫn vật chất.
*Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc và ngay tại giáo phận Đà Lạt cũng có khá đông những anh em dân tộc chưa biết Chúa. Đâu là những chương trình cụ thể để những linh mục tương lai vừa làm quen với những truyền thống dân tộc và văn hóa của họ, đồng thời khám phá những hạt giống lời Chúa tiềm ẩn trong họ ?
- Giáo phận Đà Lạt hiện có 368.487 giáo dân (239.752 Kinh và 128.735 Thượng). Việc truyền giáo cho các anh em đồng bào các dân tộc thiểu số là một ưu tiên trong chương trình mục vụ của giáo phận. Các chủng sinh tại Chủng viện Minh Hòa Đà Lạt được học ngôn ngữ K’Ho và văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tại các giáo xứ người dân tộc, ngôn ngữ và văn hóa của họ được đề cao, gìn giữ và phát triển. Các sách Kinh thánh, giáo lý, phụng vụ, thánh ca... được dịch ra và sử dụng trong những cử hành phụng vụ và trong những sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Có thể nói, các giáo xứ đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ và phát triển ngôn ngữ và văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủng sinh khóa XII ĐCV Vinh - Thanh trong một chuyến mục vụ |
*Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam 2013 đã nhấn mạnh : “Cần tạo cơ hội cho chủng sinh tiếp xúc với người nghèo để biết rung cảm trước những đau khổ của họ và muốn dấn thân phục vụ tha nhân hơn là tự khẳng định mình qua các công trình. Cần tạo điều kiện cho chủng sinh đến với lương dân”. Thưa Đức cha, chương trình đào tạo chủng sinh hiện có đáp ứng được yêu cầu trên ?
- Trong thời gian đào tạo tại chủng viện, tùy hoàn cảnh của mỗi nơi, trong tuần hay trong năm, các chủng sinh cũng được tạo cơ hội để tiếp xúc, gặp gỡ những người nghèo, những người bất hạnh. Ví dụ, tại Chủng viện Vinh Thanh, các chủng sinh, theo lớp hoặc theo nhóm, thường xuyên tổ chức chương trình đi thăm viếng người nghèo, bệnh tật và đau khổ tại các giáo xứ, đặc biệt tại trung tâm khuyết tật trong giáo phận, nhất là tại trại phong Quỳnh Lập...; hay tại Chủng viện Thánh Giuse Sàigòn, vào chiều thứ Năm mỗi tuần có chương trình “công tác xã hội”, các chủng sinh được gởi đến với các em thiếu nhi thiểu năng tại 10 điểm xã hội; riêng từ hai năm nay, anh em chủng sinh còn đến bệnh viện Ung bướu (Gia Định) để tiếp xúc, cảm thông, chia sẻ và an ủi các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Một nhóm anh em cũng được gởi đến cộng tác với các thành viên Hội Legio Mariae của hai giáo xứ Tân Định và Thị Nghè trong các cuộc thăm viếng những người già neo đơn, những người nguội lạnh trong đời sống đức tin... Từ nhiều năm qua, những chuyến hành hương và thăm viếng mục vụ trên quy mô toàn trường vẫn được tiếp tục nhằm khơi động và nuôi dưỡng “hồn tông đồ” nơi các anh em chủng sinh. Vì thế, địa điểm được chọn thường là các giáo điểm vùng xa hay những địa danh tử đạo để chủng sinh có cơ hội nhìn lại, xem xét, kiện toàn động lực ơn gọi.
*Vậy theo Đức cha, các chủng sinh cần trang bị những gì để trở thành một nhà truyền giáo, một mục tử thấm mùi chiên?
- Theo định hướng chung của Giáo hội, trong Ratio số 132, đã nói đến ba yếu tố cụ thể trong đào tạo mục vụ truyền giáo :
+ Yếu tố nền tảng : cần có những tâm tình, thái độ ứng xử như Chúa Giêsu Mục tử; đào tạo và hun đúc “hồn tông đồ” nơi các chủng sinh là điều quan trọng hàng đầu, để từ đó, như Chúa Giêsu, dám “hăng say, kiên trì” đi ra, từ bỏ những ổn định, đến với những người chưa biết Chúa, những người nghèo khổ...
+ Yếu tố kỹ năng : cần có những kỹ năng mục vụ mang tính khoa học; các chủng sinh được đào tạo những kỹ năng mục vụ này, nhất là thời gian sau chịu chức, các linh mục luôn được cập nhật và bổ túc thêm về những kỹ năng mục vụ tông đồ.
+ Yếu tố tương quan : sự khéo léo trong thực hành. Đây là điểm hay bị lãng quên. Có những linh mục rất nhiệt thành tông đồ và có nhiều tài năng trong việc mục vụ, nhưng lại thiếu khéo léo trong khi làm việc hay trong giao tiếp (với anh em linh mục, với giáo dân, với các tôn giáo bạn, với chính quyền...), nên đã gặp những khó khăn và thất bại trong việc loan báo Tin Mừng.
*Trước trào lưu thế tục hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc đào tạo chủng sinh hiện nay cần quan tâm nhiều ở mặt nào, thưa Đức cha ?
- Các chủng sinh gặp rất nhiều thách đố trước hiện tượng này khi bước theo Chúa Giêsu, cụ thể như trong việc sống với 3 lời khuyên Phúc âm : khó nghèo, vâng phục, khiết tịnh. Thật vậy, phải phấn đấu nhiều hơn khi sống 3 lời khuyên phúc âm trong thế giới thế tục hóa hôm nay, nơi đó: những thoải mái, tiện nghi, hưởng thụ được giới thiệu rất hấp dẫn (ngược với đức khó nghèo); những sáng kiến cá nhân được đề cao (khó sống khiêm tốn vâng phục); những lạm dụng thân xác được quảng bá phổ biến, đặc biệt qua những phương tiện truyền thông (tivi, internet, báo chí...) là những cản trở lớn trong việc sống khiết tịnh.
Từ đó, việc đào tạo tinh thần khổ chế, hy sinh và bỏ mình bước theo Chúa trên đường thập giá là việc cần được nhấn mạnh trong chương trình đào tạo. Ví dụ, theo chia sẻ của Chủng viện Cần Thơ trong Hội nghị các Đại Chủng viện tại Đà Lạt (từ 30.6 đến 04.7.2015): “Trọng tâm đào tạo của Đại Chủng viện Thánh Quý Cần Thơ trong năm học 2014-2015 là Sống Nhân Đức Nghèo, giúp chủng sinh tránh lây nhiễm lối sống thế tục, thực dụng, ham mê vật chất, và biết sống tinh thần siêu thoát, đề cao những giá trị tâm linh. Trong các giờ huấn đức, lưu ý các chủng sinh trong việc tiêu xài, mua sắm, sử dụng các đồ dùng và các phương tiện cách giản dị và tiết kiệm”.
*Còn với các giáo sư Đại Chủng viện, cách gì để họ truyền cảm hứng thúc đẩy và khích lệ chủng sinh dấn thân luyện tập ?
- Với ý thức về tầm quan trọng của việc đào tạo linh mục cho Giáo hội Việt Nam và cảm nhận được sự giới hạn của những người được ủy thác nhiệm vụ này, từ nhiều năm qua, các nhà đào tạo của các Đại Chủng viện tại Việt Nam đã ngồi lại với nhau để cùng gặp gỡ Chúa và củng cố nhau. Cho đến nay, các hội nghị định kỳ giữa các Đại Chủng viện dần dần được diễn ra cách đều đặn. Từ năm 2005, Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức xen kẽ : một năm là hội nghị để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà đào tạo, năm sau là khóa thường huấn nhằm đào tạo cho chính các nhà đào tạo. Qua những hội nghị định kỳ và những khóa thường huấn, các giáo sư Đại Chủng viện (hay các nhà đào tạo) được bồi dưỡng để giúp truyền cảm hứng thúc đẩy và khích lệ chủng sinh dấn thân luyện tập trong chương trình đào tạo. Gương sáng của các linh mục, trong chủng viện cũng như ngoài giáo xứ, luôn là cách truyền cảm hứng hữu hiệu nhất.
* Có một thực tế hiện nay là tại các chủng viện, các chủng sinh phần lớn chỉ được học lý thuyết về công việc truyền giáo, và không phải mọi giáo sư giảng dạy đều có kinh nghiệm thực tiễn ở lãnh vực này. Vậy theo Đức cha, trong hướng tới, chúng ta phải làm gì để cải thiện khó khăn đó ?
- Như tôi đã nói ở trên, hiện nay, chương trình đào tạo linh mục tại Việt Nam được thực hiện theo bản Ratio của HĐGMVN ban hành ngày 11.4.2012 và được chính thức áp dụng kể từ 01.9.2012 với 2 điểm nhấn quan trọng :
+ Chương trình đào tạo linh mục bao gồm cả 3 giai đoạn trước Chủng viện, tại Chủng viện và sau Chủng viện; và tác nhân đào tạo là toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là Giáo Hội địa phương đứng đầu là Giám mục với các gia đình, giáo xứ, các đoàn thể... (x. Ratio số 133-144). Vì thế giai đoạn đào tạo tại Chủng viện chỉ là giai đoạn đào tạo tập trung, đặt nặng phần lý thuyết nền tảng với những giáo sư và nhà đào tạo chuyên môn. Trong giai đoạn trước và sau Chủng viện, cha sở và cộng đoàn dân Chúa, dưới sự hướng dẫn của Giám mục, là những tác nhân giúp chuẩn bị và hoàn thành công việc đào tạo.
+ Và ngay cả trong chương trình đào tạo tại Chủng viện, năm thử (sau 2 năm triết học) và năm mục vụ (sau 4 năm thần học) được bổ sung để phối hợp giữa thực hành và lý thuyết, trong đó cha sở giữ vai trò quan trọng.
Chủng viện Huế khai giảng năm học |
*Ra đi và thấm mùi chiên, đó là đòi hỏi tất yếu nơi các mục tử. Nhưng, với tình hình thực tế Việt Nam hôm nay, khi các chủng sinh không trải qua giai đoạn Tiểu chủng viện như ngày trước để được chuẩn bị nền tảng tu đức cho vững chắc và chu đáo; cộng thêm rất nhiều cám dỗ của thời đại cũng như các phương tiện đầy dẫy luôn vẫy gọi người ta hưởng thụ. Theo Đức cha, những nhà đào tạo cần làm gì để giúp chủng sinh - những mục tử tương lai - vừa thích nghi với cuộc sống phát triển mà “ra khơi”, vừa có thể kiên vững bền đỗ trong đời tu của mình ? Và bản thân họ phải làm gì để dung hòa tất cả các yếu tố ?
- Hiện nay tại Việt Nam không có Tiểu Chủng viện, nhưng trong chương trình đào tạo trước Chủng viện, Ban Mục vụ Ơn gọi của mỗi giáo phận đang phối hợp với các giáo xứ để thực hiện việc chuẩn bị cho các ứng sinh vào Chủng viện (x. Ratio, Chương V “Giai đoạn đào tạo trước Đại Chủng viện”). Cao điểm của giai đoạn này là những Năm Dự bị, thời gian đào tạo tập trung tại mỗi giáo phận trước khi gởi các ứng sinh vào các Đại Chủng viện. Tại Việt Nam hiện có 26 giáo phận với 10 Đại Chủng viện.
Trong giai đoạn này, gia đình và giáo xứ là những “chủng viện đầu tiên” giúp khơi dậy và vun trồng những ơn gọi linh mục. Khủng hoảng ơn gọi linh mục hôm nay trước hết là do khủng hoảng về đời sống gia đình. Chính vì thế, quan tâm đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là vấn đề gia đình, với Thượng Hội đồng Giám mục Ngoại thường năm 2014 và Thượng Hội đồng Giám mục Thường kỳ 2015. Những cám dỗ về hưởng thụ của thế giới tục hóa đang tấn công mãnh liệt trên đời sống đức tin và luân lý của các Kitô hữu. Riêng về Ơn gọi linh mục (phát xuất từ giới trẻ) cần được cả cộng đoàn Kitô hữu quan tâm gìn giữ và phát triển.
Một cách cụ thể, việc hoán cải theo tinh thần Phúc âm, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (nhà đào tạo chính), là điều mà các ứng sinh cần được hỗ trợ để thực hiện, hầu có thể dung hòa giữa đời sống cầu nguyện và hoạt động, giữa việc “ra khơi” với những mạo hiểm và việc duy trì đời sống gắn bó vững chắc với Chúa, giữa việc được sai vào thế gian và việc không thuộc về thế gian.
Đọc sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy được kết quả của công cuộc đào tạo là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi, đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Đó là “ơn” của Thiên Chúa mời gọi những con người hèn yếu, và sự đáp lại của con người cũng rất hạn chế. Bởi thế, sự yếu đuối của con người, kinh nghiệm của con người về sự mỏng dòn ẩn chứa một cơ hội độc đáo, cơ hội để cảm nghiệm được sức mạnh của Đức Kitô đã chết và sống lại, và cơ hội để khẳng định với thánh Phaolô rằng: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (1 Cr 13, 10).
*Chúng con hết lòng cảm ơn Đức cha !
TRUNG NHÂN thực hiện
Bình luận