Chúa nhật 16.10.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ tôn phong 7 vị Chân phước lên bậc Hiển Thánh. Trong số 7 vị này có một người rất được Đức Thánh Cha tôn kính, đó là cha sở José Gabriel del Rosario Brochero. Cha cũng là vị thánh đầu tiên của Giáo hội Argentina.
Cha thường được tôn kính với hình ảnh một linh mục mặc áo choàng poncho của người chuyên nghề chăn gia súc trên các đồng cỏ Argentina, ngồi trên lưng con lừa, tay cầm ly trà mate, một loại nước uống rất thông dụng tại Argentina.
José Gabriel Rochero sinh ngày 16.3.1840 tại Santa Rosa de Río Primero, Córdoba, Argentina. Cha là người con thứ tư trong số 10 người con của ông bà Ignacio Brochero và Petrona Davila. Năm 16 tuổi, José gia nhập chủng viện Đức Bà Loreto ở Cordoba, và hai năm sau bắt đầu vào đại học quốc gia Thánh Carlo. Ngày 4.11.1866, thầy Jose được Đức cha José Vicente Ramírez de Arellano truyền chức linh mục. Vị tân chức được chỉ định cộng tác vào việc mục vụ cạnh nhà thờ Chánh tòa Cordoba. Chỉ vài tháng sau đó, một trận dịch tả trầm trọng xảy ra tại đây, làm cho ít nhất 4.000 người chết. Cha Brochero đã nổi bật trong cuộc chiến chống lại tật bệnh nguy hiểm này. Bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, cha luôn đi hàng đầu trong việc săn sóc bệnh nhân.
Ngày 18.11.1869, cha José Brochero được chỉ định làm cha sở giáo xứ Thánh Albertô. Giáo xứ thuộc quyền cha rộng 4.336 km2, có khoảng 10.000 dân cư, đa số là dân Gaucho chuyên nghề chăn gia súc hay là nông dân. Đường sá trên lãnh thổ mênh mông này lại hầu như không có gì cả, ngoài những con đường mòn xuyên qua dãy núi Sierras Grandes với những ngọn núi cao hơn 2.000m, phương tiện đi lại duy nhất là ngựa hay lừa. Ngày 24.12.1869, cha lên đường, xách gói quần áo, sách vở, nhất là sách lễ và bàn thờ di động lên lưng con lừa. Sau ba ngày, cha mới đến được nhiệm sở. Cha bắt tay ngay vào nhiệm vụ, không quản ngại khó khăn, mệt nhọc. Cha cưỡi lừa rong ruổi khắp nơi đến với dân chúng trong vùng, sẵn sàng vượt mọi khó khăn hiểm trở để mang Mình Thánh Chúa đến cho một người bệnh dù rằng xa xôi. Cha bảo: “Nếu không thì Satan sẽ lấy trộm mất của tôi một linh hồn”. Để mưu ích tinh thần và thăng tiến người dân vốn ở vùng cách trở này, cha đã xây nhà tĩnh tâm ở Villa del Transito, trường học dành cho các trẻ nữ vào năm 1880; rồi kêu gọi chính quyền mở đường sá, mở nhà bưu điện, xây cất thêm trường học.
Suốt 30 năm, cha Brochero miệt mài phục vụ giáo xứ đến độ kiệt quệ sức khỏe. Người ta kể lại rằng, cha ngồi trên lưng lừa đi mãi đến độ mông của cha bị thương tích. Năm 1898, Đức Giám mục sở tại gọi cha về phụ trách kinh sĩ đoàn nhà thờ Chánh tòa Cordoba, nhưng rồi 4 năm sau đó, theo lời yêu cầu của dân chúng địa phương, Đức Giám mục lại chỉ định cha làm cha sở giáo xứ Villa del Transito. Cha lại viếng thăm các giáo dân trong xứ, chia sẻ cuộc sống với họ và cả với người bị bệnh phong để rồi về sau cha bị bệnh này, bị mù và điếc. Tháng 2.1908, cha từ chức cha sở về sống với các anh chị. Năm 1912, giáo dân ở Villa del Transito tha thiết nài van, khiến cha trở lại đây sống cho đến ngày 26.1.1914 thì trút hơi thở cuối cùng. Thi hài cha được chôn táng tại đền thờ Đức Mẹ Transito.
Với hai phép lạ dành cho hai trẻ em, cha Brochero được Giáo hội tôn phong lên bậc Hiển Thánh : Em bé Nicolas Flores, 11 tháng tuổi, bị thương rất nặng trong một tai nạn xe hơi hồi năm 2000 và cháu gái Camila Brusotti, 9 tuổi, bị thương tích trầm trọng do bạo hành vào năm 2013. Cả hai đều được chữa lành nhờ lời cầu bầu của cha Brochero.
Ngày 19.4.2004, khi ký tự sắc nhìn nhận các nhân đức anh hùng của cha Brochero, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Cha Brochero có thể được xem là cha xứ họ Ars của Argentina”. Đức Thánh Cha Phanxicô, trong điện tín được gởi nhân lễ phong Chân phước ngày 14.9.2013, đã gọi vị Chân phước là “Người tiên phong trong việc xuất cư đến với những ngoại ô về địa lý để mang lại cho tất cả mọi người tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha không ngồi yên trong văn phòng nhà xứ, nhưng cưỡi lừa, lặn lội tìm đến với dân chúng. Ngày nay, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài trở thành những thừa sai, những người rao giảng đức tin...”.
Bình luận