Làm thế nào để ngày càng nhiều người, nhất là giới trẻ mộ mến và đọc sách đạo là thao thức của nhiều vị chủ chăn và phụ huynh.
1. Đối với giáo hữu, đọc sách đạo là một trong những cách bồi bổ niềm tin. Trên thị trường hiện nay ngày càng có nhiều đầu sách đạo ra đời, đề tài phong phú và đa dạng về thể loại. Tuy vậy, quan tâm đến dòng sách này dường như chủ yếu là các linh mục, tu sĩ và một bộ phận giáo dân tham gia các hội đoàn đoàn thể nhà đạo. Điều này dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu sách Công giáo, ấn phẩm cũ chưa kịp phát hành lại có thêm một loạt sách mới xuất bản, chưa kể số lượng sách dịch cũng có xu hướng tăng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương, nhân viên nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (38 Kỳ Đồng, Q3, TPHCM) chia sẻ về tình hình bạn đọc của nhà sách trong thời gian gần đây: “Vào những ngày bình thường, số lượng khách không nhiều, giới trẻ cũng thưa thớt. Trong các dịp lễ đặc biệt, người đến tham quan mua sắm đông hơn”. Tương tự, các cơ sở bán sách Công giáo trong khu vực TGP.TPHCM cũng có số lượng khách vừa phải. Mùa thường niên, số lượng khách đến mua hàng tụt giảm, trừ những ngày cuối tuần. Chính vì vậy, dù mang thương hiệu nhà sách nhưng các cơ sở này thường kết hợp bán thêm các dòng sản phẩm khác như tượng ảnh, vật phẩm tôn giáo.
Nằm trong khuôn viên nhà thờ Chí Hòa, ở ngay vị trí mặt tiền, nhà sách Chí Hòa thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Khách hàng đủ độ tuổi, song sản phẩm họ lựa chọn chủ yếu là tượng ảnh, lịch, vật phẩm Công giáo, thiệp giấy... Các loại sách thần học, tu đức rất ít được khách hàng chăm chú.
2. Nhiều nhà sách Công giáo thiếu không gian phục vụ cho việc đọc sách. Anh Đỗ Văn Minh, 25 tuổi, một khách hàng bày tỏ:“Mặc dù nhà sách phát các bài hát thánh ca du dương, dễ tạo cảm xúc nhưng bản thân tôi khi lựa quyển sách nào đó chỉ kịp lật vài trang xem rồi tính tiền ra ngay, vì không có nơi để tham khảo kỹ”.
Một nhóm trẻ khác mơ ước các nhà sách đạo đưa ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà hoặc giảm giá để thu hút giới trẻ, bên cạnh đó là thái độ phục vụ thân thiện, tận tình của nhân viên nhà sách.
Ra mắt, giới thiệu sách cũng là hoạt động nhằm thu hút bạn đọc. Một số nhà sách có khuôn viên rộng với sức chứa đông người như nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nhà sách Đồng Công (Thủ Đức)... rất thích hợp cho những buổi tọa đàm giới thiệu sách. Nơi đó, các tác giả có thể giới thiệu về nội dung sách và quá trình sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật; tạo cơ hội cho bạn đọc có sự tương tác bằng những câu hỏi xoay quanh tác phẩm. Sinh hoạt này tạo sự kết nối giữa người viết và người tiếp nhận, giúp bạn đọc tìm đến tác phẩm nhiều hơn, đọc có suy ngẫm hơn, đồng thời người viết cũng lượng định được nhu cầu của độc giả để ra mắt những cuốn sách phù hợp.
Tại nhà sách Đồng Công (Thủ Đức), chúng tôi được nghe tu sĩ Gioan Maria Nguyễn Thành Trí, người trực tiếp quản lý nhà sách tâm sự: “Nhà sách được mở ra chủ yếu để phục vụ bà con, để anh em có thêm nơi đến đọc sách, thư giãn, tìm hiểu Lời Chúa. Nhà sách luôn chú trọng việc cập nhật sách mới để có thể đáp ứng nhu cầu của giáo hữu”.
3. Trước ảnh hưởng của các phương tiện thông tin truyền thông hiện đại, ngày nay, người trẻ đang dần đánh mất đi thói quen đọc sách, sách thông thường đã ít được quan tâm, sách đạo lại càng giảm hơn nữa, nếu không có sự quan tâm cổ xúy của các bậc cha mẹ và các vị chủ chăn. Tại nhà sách Đức Bà Hòa Bình (Q1, TPHCM), chị Nguyệt Hà, 42 tuổi, giáo dân xứ Đồng Tiến (Q10) tìm sách cho bé trai đang học lớp 6 nói: “Truyện tranh ngoài đời có vẻ phù hợp với các bé tiểu học như con tôi, nhưng không phải quyển nào cũng chuẩn. Tôi chọn sách đạo bằng hình và mua CD thánh ca để cháu có thêm những giây phút gấn gũi với đạo giáo ”. Chị còn chia sẻ thêm, thói quen đọc sách Công giáo nên hình thành từ nhỏ, song song với học tập các bộ môn khác. Ở Việt Nam, vấn đề đọc sách đạo chưa được nhiều bậc cha mẹ chú trọng, từ đó dẫn đến kiến thức về tôn giáo của các em trở nên hạn hẹp và không tha thiết với việc đạo.
Để sách đạo gần hơn với thiếu nhi, một số nhà thờ đã thành lập tủ sách Công giáo. Tại giáo xứ Tân Sa Châu (TGP.TPHCM) và Võ Dõng (GP. Xuân Lộc), từ nhiều năm nay, trong khuôn viên nhà thờ, bên cạnh phòng học giáo lý đã có hẳn kệ sách bao gồm truyện các thánh, những sách đạo đức ngắn gọn. Trong các bài giảng, bên cạnh việc học hỏi Thánh Kinh, giáo lý, các cha khuyến khích mọi người đọc thêm sách đạo.
Một cách làm khác tại các giáo xứ hiện nay đó là giới thiệu sách Công giáo trên website của giáo xứ. Ở TGP.TPHCM, một số giáo xứ như Phanxicô Xaviê (Q5), Đa Minh Ba Chuông (Phú Nhuận), Vĩnh Hòa (Q11)... đã có trang web riêng. Nhiều giáo xứ khác cũng đang trong quá trình xây dựng trang thông tin điện tử để đăng tải nội dung cần thiết. Các trang web của giáo xứ có thể chuyển tải thêm mục điểm sách, giới thiệu sách mới, sách hay đến giáo dân, cập nhật thêm thông tin về sách đạo cho mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em, giúp giáo dân tìm được những quyển sách bổ ích, có giá trị. Với độ tuổi lớn hơn một chút, thanh thiếu niên có thể tự đến các nhà sách chọn những quyển sách giáo dục tâm lý, suy niệm Lời Chúa và cuộc sống... để thấm nhuần đạo nghĩa và thể hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, các em cũng cần có sự đồng hành của các bậc phụ huynh và các vị chủ chăn trong việc định hướng, gợi mở giúp các em.
Ước mong ngày càng có nhiều người yêu thích, đọc, tìm hiểu sách đạo và xem đó như một phần của đời sống đức tin với sự thúc đẩy của mọi thành phần trong tất cả các khâu từ soạn thảo, xuất bản, phát hành và tiếp nhận.
Anh Nguyên - Nhã Văn
Bình luận