Thứ Sáu, 28 Tháng Tám, 2015 16:12

Đừng lãng quên giếng rửa tội

Có đến hơn 90% các thánh đường tại Việt Nam không có giếng rửa tội. Nhiều cộng đoàn giáo xứ đầu tư xây dựng thánh đường với kinh phí khá lớn, nhưng đáng tiếc, lại quên bẵng một yếu tố kiến trúc quan trọng chỉ sau bàn thờ: đó là giếng rửa tội. Đối với những tín hữu thực sự muốn tìm lại quá khứ của mình đã được rửa tội ở đâu, nhất là khi đã lãnh nhận Phép Rửa từ lúc sơ sinh, có lẽ họ sẽ phải thất vọng vì thánh đường không hề có giếng rửa tội. Thật thiếu sót khi các tín hữu đi vào thánh đường mỗi tuần hay mỗi ngày để tham dự phụng vụ lại không nhìn thấy hình ảnh giếng rửa tội với nước thánh để gợi nhớ cho họ Bí tích Tái sinh đã lãnh nhận mà từ đó, họ mới có thể tiến tới bàn thánh lãnh nhận Mình Máu Chúa. Chính vì vậy, một nhà phụng vụ đã nói rằng ông thật sự bị sốc khi không nhìn thấy giếng rửa tội trong thánh đường hoặc giếng rửa tội bị giảm thiểu xuống chỉ còn là những vật chứa nước thánh như một cái lu bằng sành hay cái thùng bằng nhựa... (1)

 

Trong bài viết này, trước hết chúng ta tìm hiểu một chút về lịch sử và ý nghĩa của giếng rửa tội để thấy sự cần thiết phải có giếng rửa tội trong mỗi thánh đường. Kế đến, chúng ta nên chọn lựa đặt để giếng rửa tội ở đâu và thiết kế theo hình dáng nào. 

Lịch sử

Vào những thế kỷ đầu, nghi thức Thánh tẩy được cử hành ở bất cứ nơi nào có nước như dòng sông, suối hay hồ ao. Thừa tác viên sẽ dùng một cái chén hay vỏ sò để múc nước mà đổ 3 lần trên đầu của ứng viên. 

Từ thế kỷ thứ III, người ta quen rửa tội bằng cách dìm thụ nhân xuống nước 3 lần. Vì thế, nhà rửa tội đã ra đời và được coi là tòa nhà quan trọng nhất tại các thủ phủ trong đế quốc Roma cổ.

Khoảng thế kỷ thứ IV, mỗi thành phố chỉ có một nhà rửa tội. Kiến trúc này nằm trong khu vực Tòa Giám mục và nhà thờ Chánh tòa vì Đức Giám mục bấy giờ là nhân vật duy nhất có quyền cử hành các nghi thức khai tâm, huấn giáo anh chị em dự tòng và chủ tọa các nghi thức chuẩn bị. Ngài cũng ban Bí tích Thêm sức cho anh chị em tân tòng ngay sau khi họ được thánh tẩy. Khi số dự tòng gia tăng và để tránh cho họ phải đi xa, các nhà thờ họ đạo miền quê xa cách Tòa Giám mục cũng xây nhà rửa tội.

 

Khi phong trào theo đạo Công giáo không còn rầm rộ, chủ yếu lúc này là rửa tội cho trẻ em, và nhất là do chỉ cử hành Bí tích Rửa tội bằng cách dội nước trên đầu, nên nhà rửa tội không cần thiết nữa mà chỉ cần một cái chậu lớn kê cao cũng đủ. Vì thế, nhà rửa tội ngày càng thu hẹp và trở thành “giếng rửa tội”. Giếng này thường được xây dựng bên trong thánh đường, gần cửa ra vào hay ở dưới gác chuông. Từ thế kỷ IX trở đi, các nhà thờ giáo xứ đều có giếng rửa tội.

Ý nghĩa và thực hành

Cấu trúc của giếng rửa tội biểu trưng cho ngôi mộ của Chúa Kitô Phục sinh mà các dự tòng đi xuống để cùng chết với Chúa Kitô và từ nơi đó họ sẽ được trỗi dậy với Người. Giếng rửa tội cũng biểu trưng cho cung lòng của Hội Thánh, trong đó những cá nhân này được tái sinh trong Chúa Thánh Thần.(2)

Giếng rửa tội nay có thể đặt trong một phòng nguyện bên trong hay ngoài thánh đường.(3) Thật ra, các nhà phụng vụ vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau về vị trí của khu vực (không gian) dành để cử hành Bí tích Rửa tội.

 

Ngày xưa, có nơi đặt giếng rửa tội ở một bên của bàn thờ. Có nơi lại để giếng rửa tội nằm ở vị trí bên trong hay rất gần với Cung Thánh. Sau những cải cách của Công đồng Vatican II, nhiều giếng rửa tội thậm chí còn được đặt ở gần bàn thờ.(4) Tuy nhiên, có những lý do thực tiễn nên đặt giếng rửa tội ở lối vào thánh đường:(5) i] Thứ nhất, nêu bật được ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy như là một nghi thức khai tâm vào trong cộng đoàn phụng vụ - tức là làm nổi bật hành trình của người Kitô hữu tiến đến bàn thánh (lãnh nhận Thánh Thể) được bắt đầu với Bí tích Tái sinh: “qua nước thánh tẩy đến bàn thờ”; ii] Thứ hai, qua nước thanh tẩy, chúng ta được nhận chìm trong mầu nhiệm sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nói cách khác, người Kitô hữu ôm lấy và được ôm lấy bởi sự sống, sự chết và cuộc phục sinh của Đức Kitô;(6) iii] Thứ ba, cho phép và mời gọi các tín hữu sử dụng nước thánh khi bắt đầu các cử hành phụng vụ khác như là một dấu chỉ sự tham dự của họ vào sự sống Chúa Kitô.(7)

Xu hướng của kiến trúc mới mẻ hiện nay là ưa thích đặt giếng rửa tội ở cuối thánh đường. Nếu như mọi thành viên của cộng đoàn quy tụ và đi qua lối chính vào nhà thờ thì giếng rửa tội này sẽ thay thế cho bình nước thánh thường được đặt ở mọi cửa ra vào thánh đường.(8) Vị trí này cũng đáp ứng được tiêu chuẩn là mọi người dễ nhìn thấy và nhiều người có thể tham dự nghi thức thanh tẩy và an táng một cách tích cực.(9) Bởi hành trình đức tin của người đã ly trần bắt đầu bằng Bí tích Thánh tẩy, nên rất thích đáng khi có sự liên kết giữa giếng rửa tội và nơi cử hành nghi thức an táng.(10) Ngoài ra, vì cử hành Thánh Thể hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo được bắt đầu với Bí tích Thánh tẩy, cho nên giếng rửa tội cần được đặt ở một nơi có tương quan với bàn thờ, tức là nên đặt giếng rửa tội trên cùng một trục kiến trúc với bàn thờ.(11)   

Giếng rửa tội hiện đại ngày nay thường làm bằng đá hay cẩm thạch và chia làm hai phần : một phần giữ nước thánh, còn phần kia được sử dụng để tiếp nhận nước thánh rơi xuống từ đầu thụ nhân khi cử hành Bí tích Thánh tẩy cho họ rồi được làm khô trong một cái chậu (piscina hay sacrarium) được đào sâu trong lòng đất. Giếng rửa tội nên được xây cất cố định bằng chất liệu thích hợp, biểu hiện vẻ đẹp huy hoàng và sự sạch sẽ vô tỳ tích. Giếng rửa tội mới phải làm sao để có thể chọn lựa việc thanh tẩy cho trẻ em bằng cách đổ nước hay nhận chìm các bé. Tùy theo thực hành của địa phương, một số thánh đường có thể cần đến một giếng rửa tội lớn rộng đủ để có thể cử hành Phép Rửa bằng cách nhận chìm người lớn xuống nước. Giếng rửa tội không phải chỉ là một cái hồ rộng với nước tĩnh mà có thể có một nguồn nước chảy như một dòng sông nước sống động. Tuy nhiên, nước chảy thường xuyên như vậy phải khác biệt với những hồ nước có dạng chảy hay phun ở các khách sạn, nhà hàng, siêu thị...và không làm chia trí người khác.               

Giếng rửa tội được thiết kế xây dựng theo những hình dáng khác nhau: (12)

1] Hình tròn : để diễn tả cung lòng của Giáo Hội sẽ sinh ra những người con của mình khi họ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy.

2] Hình chữ nhật : vì theo nhiều văn sĩ Kitô giáo, giếng rửa tội tượng trưng cho ngôi mồ của Chúa Kitô mà từ đó thụ nhân lãnh Bí tích Rửa tội sẽ được cùng trỗi dậy với Người (x. Rm 6,4).

3] Hình Thánh giá : vì các Kitô hữu được thanh tẩy trong cái chết và phục sinh của Chúa Kitô.

4] Hình lục giác : để nói lên 6 ngày Thiên Chúa tác tạo thế giới từ hư vô. 

5] Hình bát giác : nên làm theo hình dáng này hơn cả vì những lý do sau: i] Thứ nhất, để diễn tả việc Chúa Kitô Phục sinh vào ngày thứ tám;13 ii] Thứ hai, số tám nói lên sự hoàn thành hay viên mãn, cũng như ám chỉ một thời gian bên ngoài thời gian, có nghĩa là diễn tả sự sống đời đời mà người lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy sẽ tham dự vào. Giếng rửa tội (hình bát giác đó) nên có phần lòng lõm xuống hình tròn nhằm diễn tả cung lòng của Giáo Hội. Truyền thống phụng vụ và giáo phụ vẫn đề cao giếng rửa tội như cung lòng của Mẹ Hội Thánh mà từ đó, con cái của Thiên Chúa được sinh ra trong nước và Thánh Linh.

Thay lời kết

Điều đáng tiếc là tại Việt Nam hiện nay, giếng rửa tội dường như không nằm trong ý định thiết kế xây dựng Thánh đường cho nên hiếm khi tìm thấy chúng ở những ngôi thánh đường mới. Phải nhớ rằng, trong một ngôi thánh đường thì giếng rửa tội có tầm quan trọng chỉ sau bàn thờ mà thôi. Đã có bàn thờ thì nhất thiết phải có giếng rửa tội. Giếng rửa tội và bàn thờ tỏ cho chúng ta biết quà tặng sự sống Chúa Kitô trao ban cho chúng ta. Giếng rửa tội và bàn thờ biểu trưng cho “nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống Kitô hữu”. Sự sống từ giếng rửa tội và bàn thờ chính là tặng phẩm quan trọng và quý giá nhất trong tất cả những hồng ân Chúa ban.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái - SSS

___________________________________

1 Anscar J. Chupungco, OSB, What, then, is Liturgy? (Quezon city, Philippines: Claretian Publications, 2010), 234-235.

2 UBGM về Nghệ thuật Thánh (HĐGM Việt Nam), Dựng Xây Từ Những Viên Đá Sống Động [= DX] (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2006), số 86.

3 A.G. Martimort, The Church at Prayer, Vol. I (Collegeville, Minesota: The Liturgical Press, 1992), 209-210.

4 Xc. Richard  S. Vosko, God ‘s House is Our House (Collegeville - Minesota: The Liturgical Press, 2006), 80.

5 DX, số 87.4.

6 Xc. Richard  S. Vosko, God ‘s House is Our House, 79.

7 Xc. David McNorgan, Preparing the Enviroment for Worship (Ottawa, Canada: Novalis, St. Paul University., 1997), 24.

8 United States Conference of Catholic Bishops, Built on Living Stones (Washington, D.C, 2000), số 69.5.

9  DX, số 85; 87.3.

10 DX, số 118.

11 Xc. Built on Living Stones, số  66; 69.5; DX, số 84.

12 Xc. Mary Patricia Storms – Paul Turner, Guide Ministers of Liturgical Enviroment (Chicago, USA : Liturgy Training Publications, 2009), 9.

13  Ngày Chúa nhật không chỉ được coi là ngày thứ nhất nhưng còn là ngày thứ tám trong tuần.

Ý kiến bạn đọc ()
Tin tức liên quan
Tin khác
Xem thêm