Ngày nay, mọi người vẫn quan tâm nhiều đến mục vụ cho thiếu nhi, giới trẻ, gia đình và cả người di dân… Tuy nhiên, có thể nói, còn nhiều thiếu sót trong việc quan tâm mục vụ đến người cao tuổi. Nhân dịp Ngày quốc tế người cao tuổi năm nay, xin được chia sẻ một suy tư nhỏ về mục vụ cho người cao tuổi khởi đi từ cái nhìn của Kinh Thánh, giáo huấn Hội Thánh và tâm lý người cao tuổi.
NGƯỜI GIÀ TRONG THÁNH KINH
Trước tiên, đối với Thánh Kinh, tuổi già là một trong những hồng phúc Thiên Chúa trao ban cho người công chính: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16,31). Trái lại, “...chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa” (Is 65,20).
Một cộng đoàn vắng bóng người già, đó là một cộng đoàn bị nguyền rủa: “Này sắp đến những ngày Ta sẽ chặt cánh tay ngươi và cánh tay của nhà cha ngươi, khiến cho không còn người già trong nhà của ngươi” (1Sm 2,31; x.1Sm 2,32). Sự tội lỗi bất tín bất trung của dân đối với Thiên Chúa chính là nguyên nhân khiến Thiên Chúa đoán phạt: “Ngoài thì lưỡi gươm sẽ làm chúng mất con, trong thì là nỗi kinh hoàng. Cả trai tráng lẫn người trinh nữ, trẻ đang bú cũng như người bạc đầu sẽ chung số phận” (Ðnl 32,25).
Kế đến, hình ảnh người già trong Thánh Kinh diễn tả đó là sự khôn ngoan: “Ðừng bỏ qua chuyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (Hc 8,9).
Tuy thế, Thánh Kinh cũng cho thấy, sự sung mãn đích thực của cuộc sống không gia tăng với tuổi tác, kinh nghiệm và ngay cả lẽ khôn ngoan của người đời mà chính là được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa: “Không phải tuổi tác làm cho người ta được khôn ngoan, và chưa chắc người già cả đã phân biệt được phải trái” (G 32,9). Họ được mời gọi để nên gương mẫu đức tin cho những người trẻ trong cộng đoàn: “Ông nói: Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng có nhiều thanh niên sẽ nghĩ là ông già Elada đã chín mươi tuổi đầu, mà còn theo những lề thói dân ngoại. Rồi bởi tôi đã giả vờ và ham sống thêm một ít lâu nữa, nên họ bị lầm lạc vì tôi, còn tôi thì chuốc lấy vết nhơ và ô nhục cho tuổi già... Vậy giờ đây, khi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già” (2Mcb 6,24 - 27).
Thánh Kinh cũng không quên nhắc đến những yếu đuối của tuổi già: “Nhưng cũng có ba hạng người tôi gớm ghét, và không chịu nổi lối sống của họ: nghèo mà kiêu, giàu mà gian trá, già đầu mà ngu, còn đi ngoại tình” (Hc 25,2); “Con đừng xấu hổ khi phải dạy dỗ đứa ngu, đứa ngốc, và ông già mà còn cãi lộn với thanh niên” (Hc 42,8); “Còn những chuyện hoang đường nhảm nhí của bà già, thì hãy loại bỏ” (1Tm 4,7).
Người già, theo truyền thống Thánh Kinh, không chỉ là hồng phúc Chúa ban, nhưng thực sự họ là những người được Chúa luôn quan tâm săn sóc: “Cho đến khi các ngươi già nua tuổi tác, trước sau gì Ta vẫn là Ta; cho đến khi các ngươi da mồi tóc bạc, Ta vẫn còn gánh vác các ngươi. Như xưa nay Ta vẫn từng đối xử: Ta sẽ nâng niu, gánh vác các ngươi, và ban ơn cứu thoát”. Trong những lễ hội, họ có một chỗ đứng nhất định: “Hãy ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng, triệu tập các cụ già và toàn thể cư dân trong xứ tại Nhà Ðức Chúa, Thiên Chúa các ngươi” (Ge 1,14; x. 2Mcb 8,30). “Hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú” (Ge 2,16). Họ cũng được chia sẻ niềm vui với toàn thể cộng đoàn: “Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng” (Gr 31,13).
Trong dòng lịch sử cứu độ, người già quả là có một vị trí rất đặc biệt. Ðó là trường hợp của Abraham và Sara, Maisen, Elisabet và Zacaria, ông già Simêon và bà Anna, rồi Nicôđêmô..., họ được Thiên Chúa mời gọi đóng những vai trò rất then chốt ở những thời điểm đặc biệt của lịch sử cứu độ.
Bởi Thiên Chúa quan tâm đến người già, Ngài cũng đòi hỏi những người trẻ có một thái độ như thế đối với người già bằng cách tôn trọng: “Ðừng khinh dể người đã cao niên, vì đến lượt chúng ta rồi cũng già hết cả” (Hc 8,6). Kính trọng người già cả được lề luật coi như là kính sợ Thiên Chúa (x. Lv 19, 32).
HUẤN THỊ CỦA GIÁO HỘIVỀ NGỪƠI GIÀ
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quan tâm nhiều tới những người già. Theo ngài, tuổi già là thời gian đặc biệt của sự khôn ngoan, thời của những thành quả bởi những kinh nghiệm. Các người cao tuổi giúp chúng ta nhìn vào những thăng trầm của trần thế với sự khôn ngoan hơn. Chính những thăng trầm đã làm cho họ trở thành những người kinh nghiệm và trưởng thành. Người cao niên tìm thấy trong Lời Chúa một sự an ủi lớn lao, đến độ tuổi thọ được coi như dấu hiệu của lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tuổi già, vì thế, theo giáo huấn và ngữ vựng riêng của Thánh Kinh, được đề nghị như thời gian thuận tiện cho việc hoàn tất cuộc mạo hiểm của con người.
Ngài đưa ra nhận xét về hai thái độ đối với người già trong thế giới hôm nay: “Có những nền văn hóa biểu lộ một sự kính trọng đặc biệt và một tình yêu thương to lớn đối với những người cao niên: thay vì bị gạt ra khỏi gia đình hoặc bị coi như một gánh nặng vô ích, người già vẫn được hội nhập vào cuộc sống gia đình, tiếp tục dự phần vào đó một cách tích cực và có trách nhiệm - dù vẫn phải tôn trọng sự độc lập của gia đình mới - và nhất là người ấy thi hành một sứ mệnh quý báu là trở nên chứng nhân cho quá khứ và nguồn mạch khôn ngoan cho các người trẻ và cho tương lai. Ngược lại, có những nền văn hóa khác, nhất là do hậu quả của sự phát triển kỹ nghệ và đô thị một cách vô trật tự, đã đưa và còn tiếp tục đưa những người cao niên vào những hình thức sống ngoài lề không thể chấp nhận được, là nguyên nhân gây ra những đau khổ chua cay cho họ, và làm cho biết bao gia đình bị nghèo nàn đi về mặt tinh thần” (Familiaris Consortio, 27).
Abraham và Sara |
Trong khi nói với các người cao tuổi, ngài không quên ngỏ lời với giới trẻ, để mời gọi họ ở bên cạnh các người cao tuổi và cho rằng “giới răn thảo kính các người cao tuổi” bao gồm ba bổn phận đón tiếp, giúp đỡ và đánh giá cao các đức tính của họ.
Cộng đồng Kitô có thể lãnh nhận nhiều điều từ nơi sự hiện diện bình thản của những ai đang tiến đến tuổi già. Trong Familiaris Consortio, số 27, ngài viết: “Hoạt động mục vụ của Hội Thánh cần phải khuyến khích mỗi người biết khám phá và coi trọng vai trò của những người già trong cộng đồng dân sự và Hội Thánh, và cách riêng trong gia đình. Thật ra, cuộc sống của những người già giúp chúng ta thấy rõ bậc thang các giá trị nhân bản, nó cho thấy sự tiếp nối các thế hệ và là một bằng chứng tuyệt diệu về sự tùy thuộc lẫn nhau trong Dân Thiên Chúa. Những người cao niên thường có đặc sủng để lấp đầy những hố phân cách giữa các thế hệ trước khi những hố sâu ấy được đào ra: biết bao trẻ em đã gặp được sự thông cảm và tình thương trong đôi mắt, trong những lời nói và những âu yếm của những lời sách thánh này: triều thiên của ông bà chính là con cháu của họ” (Cn 17,6).
MỘT SỐ NÉT TÂM LÝNGƯỜI CAO TUỔI
Có thể kể đến một số nét tâm lý đặc trưng của tuổi già như:
• Tuổi già thường mắc “Hội chứng về hưu”, thường có những biểu hiện trống trải, buồn chán, cô đơn, dễ cáu gắt, thiếu tự tin, hay nghi ngờ.
• Trở về với cội nguồn: gắn bó với đời sống tâm linh, họ hàng con cháu, hoài niệm về quá khứ. Bởi thế, người cao tuổi khó thích nghi với những điều mới mẻ. Họ không chấp nhận được những thay đổi về chỗ ở, giờ giấc, thức ăn và cả trong cách suy nghĩ, ăn mặc, làm việc mới lạ. Họ thường hay nhớ về những chuyện xưa và so sánh với hiện tại để phê bình. Phán đoán cách thủ cựu cố định.
• Tự xem xét, tự đánh giá bản thân. Người già thường đánh giá mình cao hơn cách xã hội đánh giá về họ.
• Xao xuyến, lo âu về nhiều sự: sợ đau ốm, không người săn sóc, không đủ kiên nhẫn chịu đựng nỗi đau, sợ báo hại con cái, làm khổ những người xung quanh. Bởi thế, họ thường sống hà tiện, chắt mót, dành dụm.
• Người cao tuổi thường hay mắc những chứng bịnh vô duyên do sự chăm sóc thái quá hoặc bất cập của con cái, của xã hội hoặc do các thầy thuốc gây ra hoặc do chính người thân hoặc bản thân mình gây ra.
Trước những thay đổi, người già cũng có những cách đón nhận khác nhau. E. Erikson đưa ra nhận xét về 3 cách thích nghi với tuổi già:
•Một số người chấp nhận bản thân một cách thực tế và đi vào tuổi già một cách suôn sẻ. Họ tìm được sự thỏa mãn trong cuộc sống và các quan hệ thường ngày. Họ cảm thấy họ đã sống có ích và có ý nghĩa, không có gì làm cho họ phải hối tiếc khi về già.
•Số khác chấp nhận tuổi già một cách thụ động và vui lòng đón nhận cơ hội nghỉ ngơi đối với gánh nặng trách nhiệm.
•Một số không ít người không thích nghi với tuổi già. Họ không chấp nhận đời sống thụ động hơn sự bất lực.
MỘT VÀI KINH NGHIỆM MỤC VỤ
- Giúp cho người cao tuổi nhận thức được quy luật về hưu. Song song đó giúp người già khám phá và chấp nhận sự thật về bản thân mình với những giới hạn của tuổi tác. Ðồng thời hướng những người cao tuổi vào trong những sinh hoạt khác. Một trong những hoạt động nền tảng của người cao tuổi không chỉ có ích cho chính bản thân họ những còn cho cả Giáo hội: đời sống kinh nguyện. Chính trong kinh nguyện người cao tuổi nhận ra họ vẫn còn có ích cho mọi người nhiều hơn khi còn trẻ. Cũng qua kinh nguyện, người cao tuổi sống tinh thần sám hối về những lỗi lầm trong quá khứ, họ nhận ra tình yêu của Chúa để sống tâm tình tạ ơn và “biến con người của mình thành thánh lễ sống động suốt đời, nhờ tình yêu thường xuyên và thánh giá triền miên, để phục vụ Hội thánh và đồng bào một kiểu khác trước” (ÐGM. GB Bùi Tuần - Một cách phục vụ tuổi già đau bệnh).
- Những thay đổi trong giáo xứ thường làm cho các cụ cảm thấy hụt hẫng và khó chịu. Cần có những chuẩn bị cho các cụ. Công việc này có thể thực hiện được bằng những lớp giáo lý cho người già. Những buổi trao đổi, trò chuyện mang tính chuyên đề sẽ giúp cho các cụ thêm hăng say và chính các linh mục trẻ cũng học được rất nhiều những kinh nghiệm sống nơi họ.
- Thư viện trong các giáo xứ thông thường nhắm đến người trẻ. Ðối với những Kitô hữu lớn tuổi, việc khuyến khích các cụ đọc Thánh Kinh là điều hoàn toàn có thể. Nếu được, để kích thích tinh thần, có thể có những buổi sinh hoạt như ông bà kể chuyện Thánh Kinh cho các cháu thiếu nhi.
- Phần nhiều các giáo xứ hiện nay, linh mục chỉ dành một ngày trong tháng để kiệu Mình Thánh Chúa cho những người đau bệnh. Việc tăng cường thăm viếng và nhất là dành thời gian trò chuyện với các cụ là điều vô cùng quan trọng. Chính điều này làm cho các cụ cảm thấy vơi đi sự trống trải, cô đơn và buồn chán. Các hội đoàn, nhất là Legio, hoàn toàn có khả năng giúp các linh mục trong công tác này. Việc gây ý thức cho các gia đình trẻ, cho thiếu nhi biết dành thời gian để trò chuyện với ông bà ít phút mỗi ngày là điều có thể làm được trong tầm tay của linh mục.
- Một phòng nhỏ trong giáo xứ dành riêng cho các cụ không là điều khó khăn lắm. Chính trong căn phòng của riêng họ, các cụ có thể gặp gỡ nhau và giải trí bên những bàn cờ, ấm trà và ôn lại quá khứ của mình.
- Rất nên có những thánh lễ dành riêng cho các cụ nhưng không tách rời khỏi sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ. Kinh nghiệm những thánh lễ như chúc thọ, mừng kỷ niệm hôn phối cho các cụ, ngày bệnh nhân, ngày quốc tế người cao tuổi được thiếu niên đứng ra tổ chức với sự hỗ trợ của HĐMVGX thường làm cho các cụ vui hơn là những thánh lễ chỉ do một mình HÐMVGX tổ chức.
Có thể tóm kết bằng ý kiến của Millibald Demal, OSBDD, trong “Pratical Pastoral psychology” như sau: “Ðiều tối quan trọng là tỏ ra kính trọng những người già, kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của họ, chuẩn bị cho họ chết lành qua việc đền tội, ăn năn tội, cầu xin cho được ơn bền đỗ và lòng kiên vững. Họ đặc biệt biết ơn ta nếu ta chỉ cho họ thấy những hạnh phúc đời sống vĩnh cửu, ơn sủng của Thiên Chúa và giá trị lớn lao trong khi chịu đựng những đau khổ một cách nhẫn nại. Họ sẽ rất sẵn sàng nhận lãnh các bí tích thường xuyên hơn, kính mến Ðức Mẹ và Thánh Giuse và cầu nguyện cho các đẳng linh hồn nơi luyện ngục”.
Lm. Giuse Têrêsa Trần Anh Thụ, TGP.TPHCM
Bình luận