Năm 2024, giáo xứ Cái Chanh mừng 130 năm hiện diện. Ðây là xứ đạo được xem là lâu đời bậc nhất nhì miệt Cần Thơ.
Gọi đây là xứ đạo có bề dày không phải ngẫu nhiên hay tùy tiện, mà trên phương diện lịch sử, khi lật lại tài liệu về Công giáo ở địa phận Cần Thơ hiện tại đã thấy những dấu chứng khẳng định.
Theo kỷ yếu 60 năm thành lập giáo phận, Cái Chanh và cộng đoàn Dân Chúa nơi đây được thành lập từ năm 1894, do các cha thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) coi sóc. Trong thời kỳ đó cũng có những giáo xứ khác ra đời như Tham Tướng (năm 1886), Cầu Xéo - nay là xứ Chánh tòa (năm 1899)… Trải theo thời gian với những thăng trầm do hoàn cảnh xã hội, để giáo xứ “sống” được đến hàng thế kỷ, bà con Cái Chanh phải can trường đối mặt bao thử thách. Những chứng nhân đức tin bản địa vẫn còn đây, khi nhắc lại thời kỳ gian khó, tản mát năm bảy lần do chiến tranh rồi cùng dựng xây xứ đạo, họ ứa trào nước mắt, nói chuyện đạo nghĩa như thể đang kể về chính đời sống cá nhân với bao vui buồn.
Gặp chúng tôi tại nhà xứ, nhìn ngắm ngôi nhà thờ cũ kỹ rêu phong đã đồng hành mấy chục năm ròng, phía sau là dãy đất thánh - nơi an giấc muôn thuở của những lớp người mộ đạo, ông Trần Văn Long, 74 tuổi, cựu thành viên ban hành giáo bồi hồi :“Xung quanh đây toàn những kỷ niệm. Vùng này ngày trước nằm trong vùng giao tranh. Khi chiến tranh đi qua thì họ đạo cũng tan hoang. Sau khi tình hình tạm ổn, những người còn ở lại gầy dựng cơ nghiệp mới, chung niềm tin, chung chí hướng. Ngày đó đâu có nhà thờ đàng hoàng. Chúng tôi có cái gì, bao nhiêu thì làm, qua thời gian sẽ thêm thắt dần cho đẹp hơn chút. Tôi vẫn nhớ hình ảnh các bà, các chị đan lá dừa nước lợp nhà thờ. Bàn thờ đóng bằng mấy cây gỗ thô sơ. Người người đi lấy sậy về đập giập, bện lại làm vách. Có cái chỗ che mưa che nắng đọc kinh sớm chiều là mừng dữ lắm rồi!”, ông kể. Dẫn khách tham quan một vòng giáo xứ, ông chỉ chỗ này, chỗ kia: “Sậy với dừa nước ở đất quê tôi thì mênh mông!”. Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu đó là hình ảnh xưa cũ bởi sự đời dâu bể, bây giờ cuộc sống đổi khác, dân chúng đã thôi - không canh tác lúa mà làm vườn, trồng mít, trồng chanh… Xứ này đi đâu cũng toàn là chanh. Có phải vì thế mà làm nên tên gọi?
Lại nói về cuộc xây dựng và gìn giữ đức tin ở Cái Chanh, linh mục Giuse Nguyễn Văn Lợi, cha sở đương nhiệm, là một nhân chứng, hay cũng có thể gọi là người trong cuộc. Bởi khi còn là chủng sinh, những năm 1972-1973, cha đã được bề trên sai tới phụ giúp để duy trì các cuộc lễ lạt, nối kết bà con buổi khó, dù ngắn ngủi. Bên song cửa, cha nhớ lại : “Hồi đó Cái Chanh không có cha biệt cư mà chỉ có linh mục từ Chánh tòa đi xuồng vào, do vùng này bà con đi hết, còn vài chục gia đình. Các cha, thầy tới làm lễ, dạy giáo lý xong thì về. Có mặt cùng giáo dân ngay từ năm chục năm trước nên khi được bề trên cho quay về coi giáo xứ, tôi đã có cảm giác thân quen”.
Năm 2019, cha Lợi nhận xứ Cái Chanh. Chưa bao lâu thì đại dịch Covid-19 ập tới. Như bao vùng miền khác trên cả nước, các sinh hoạt tạm lắng. Năm 2023, cha sở và các thành phần giáo dân cùng chuẩn bị chương trình kỷ niệm 130 năm thành lập xứ đạo. Khởi đầu là việc xây mới ngôi nhà thờ, thay thánh đường cạnh bờ sông đã hư hỏng nhiều vì thời gian. Sau 8 tháng thi công, công trình Nhà Chúa hoàn thành và chính thức khánh thành, dâng lễ tạ ơn vào ngày 14.3.2024. Nhà thờ có chiều dài 44m, rộng 20m, cao 12m. Kiến trúc mặt tiền được cha sở diễn tả : “Chữ Vương (王) ở giữa. Phía hai bên, hai mái nhà thờ có hình chữ Nhân (人) và thánh giá ở trên cùng nối xuống với ý nghĩa Thiên Chúa từ trời xuống cứu độ nhân loại qua thập giá. Hình ảnh bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, viên mãn”. Trong nhịp sống đạo, giáo dân nhiệt tình với các việc chung. “Đó là một sự tích cực, tốt đẹp của bà con giáo xứ, ai nấy cũng có trách nhiệm khi được trao phó”, cha sở nói. Nữ tu Vi Tâm, dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn, hiện đang phụ giúp tại giáo xứ, chăm lo dọn lễ và bác ái, cảm nhận sự nhiệt tình trong đời sống của tín hữu: “Ở đây, tình làng nghĩa xóm bền chặt. Trong các sinh hoạt, bà con luôn giúp nhau. Hè, cha xứ mở lớp dạy trẻ nghèo. Quanh năm có những đợt phát quà, chia sẻ khó khăn. Mọi người chan hòa, yêu thương”.
Hôm chúng tôi ghé thăm nhằm dịp giáo xứ đang chuẩn bị cho thánh lễ tạ ơn, các giới, từ người lớn tới thiếu nhi đều tới nhà thờ, mỗi người một việc… Hình ảnh không gian ngôi Nhà Chúa thoáng đãng và sinh động với những tiếng cười nói, í ới gọi nhau cùng làm việc… có lẽ không phải mới mẻ, nhất thời… mà đã liên lỉ cả trăm năm, ngay cả trong những giai đoạn gian khó khăn tưởng chừng như hạt giống đức tin sẽ không tồn tại được. 130 năm với cột mốc khánh thành nhà thờ mới, cùng với những tăng trưởng trong đức tin, chắc chắn sẽ là dịp đọng lại nhiều cảm xúc trong giáo hữu, từ những người nay đã ở tuổi xế chiều cho đến lớp trẻ, để giữa cuộc sống đời thường, ở miền đất luôn cháy mãi ngọn lửa yêu thương, ấm áp tình Chúa, tình người.
Giáo xứ Cái Chanh là nơi sinh quán của Đức Giám mục Louis Hà Kim Danh, nguyên Giám mục Chánh tòa giáo phận Phú Cường. Ngài sinh ra, lớn lên tại đây và nhà thờ Cái Chanh cũng là nơi Đức cố Giám mục dâng lễ mở tay sau khi chịu chức linh mục năm 1940. |
Hùng Luân
Bình luận