Ðêm thánh vô cùng (tiếng Anh: Silent Night) đã được phổ nhạc vào đêm Vọng Giáng Sinh cách đây đúng 2 thế kỷ, và đến nay vẫn là một trong những bài hát được yêu thích nhất vào dịp đón Chúa Hài Ðồng trên toàn cầu.
Ðối với hàng triệu người trên toàn thế giới, Đêm thánh vô cùng là biểu tượng gắn liền với tinh thần Giáng Sinh. Theo một cuộc khảo sát, người dân Đức chọn bầu vị trí số một cho bài hát này trong danh sách những bài hát về Noel. Tùy theo tập tục mỗi nước, lời ca xuất hiện trong những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn tại Đức, Đêm thánh vô cùng thường xướng lên gần cây thông được trang trí; ở Nam Phi là dưới các nhánh cây cọ; còn dân Anh có thể hát bên dưới cây tầm gởi. Là bài hát được nhiều người dân thế giới thuộc nằm lòng, Đêm thánh vô cùng sau 200 năm tồn tại đã lan truyền khắp các vùng miền của địa cầu. Giai điệu du dương của nó được cất lên từ vùng băng giá Alaska đến rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ, và được thể hiện qua hơn 300 thứ tiếng và phương ngữ trên toàn cầu.
Nhà nguyện Đêm thánh vô cùng hiện nay |
Ðêm huyền diệu và sự ra đời khiêm tốn
Lời nhạc ban đầu, “Stille Nacht”, được viết bằng tiếng Đức vào năm 1816 bởi cha Joseph Mohr (1792-1848) tại Mariapfarr, một ngôi làng nhỏ bé thuộc vùng Lungau (hiện thuộc lãnh thổ Áo). Một năm sau, khi chuyển đến một ngôi làng khác tên Oberndorf cách đó 100 km,gần Salzburg, vị linh mục mang theo bản thảo này. Khi ấy, Oberndorf vừa trở thành một thị trấn biên giới; vùng Salzburg thuộc về Áo, trong khi Berchtesgaden kế bên được sáp nhập vào bang Bavaria của Đức. Đa số người dân tại khu vực này là những thủy thủ và người đóng tàu bè nghèo khổ.
Vốn là người rất quan tâm đến đời sống xã hội, linh mục Mohr có cơ duyên kết bạn với một thầy giáo làng biết chơi đàn organ, ông Franz Xaver Gruber (1787-1863). Họ nhanh chóng trở thành cặp bài trùng vì những ý tưởng tương đồng. Ngay trước đêm Giáng Sinh, cả hai nhận ra rằng cây đàn đại phong cầm (orgue) của nhà thờ đã không còn chơi được nữa. Nhiều năm sau, ông Gruber tiết lộ đó là hoàn cảnh ra đời bài hát nổi tiếng. “Ngày 24.12.1818, cha Josef Mohr tại giáo xứ Thánh Nicolasmới được thành lập ở thị trấn Oberndorf đã trao một bài thơ cho nhạc sĩ Franz Gruber, yêu cầu soạn giai điệu phù hợp cho hai giọng solo mà không cần đến dàn hợp xướng và được đệm bằng đàn guitar”, một tài liệu ghi lại.
Kính màu ở nhà nguyện tả cảnh linh mục Mohrr sáng tác bài hát |
Chỉ vài giờ sau, bài hát mới đã cất lên vào thánh lễ lúc giữa đêm 24.12, trong một khung cảnh Giáng Sinh không thể nào đơn sơ hơn. Linh mục Mohr hát bằng giọng nam cao (tenor) và ông Gruber cất giọng nam trầm (bass) trong giai điệu dệt nên từ những dây đàn guitar thay cho tiếng đàn đại phong cầm. Tổng cộng 6 đoạn đã được hát lên trong buổi biểu diễn đầu tiên, nhưng đến nay chỉ còn lưu truyền vẻn vẹn 3 đoạn.
Bài hát gần như bị lãng quên
Chưa rõ chuyện xảy ra sau đó với Đêm thánh vô cùng, vì có những ghi chép khác nhau. Theo ghi chép thứ nhất, bài hát đã bị chìm vào quên lãng sau đêm biểu diễn đi vào lòng người. Phải đến 6 năm sau, khi cây đàn organ của nhà thờ được sửa thành công vào năm 1825, bản nhạc đã được người sửa đàn tìm thấy và mang về nhà ở Tyrol, phía tây nước Áo. Một câu chuyện khác kể rằng một gia đình ca sĩ nổi tiếng ở Tyrol đã trình bày Đêm thánh vô cùng vào năm 1822 trước hai khán giả đầy quyền lực là Sa hoàng Alexander I và Hoàng đế Áo Franz I. Tuy nhiên, theo tổ chức Silent Night ở Oberndorf, một điều chắc chắn là người xưa đã tìm được bản in cổ nhất của bài hát trong một cửa hàng đồ cổ ở Vienna. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tờ nhạc phổ và lời hát có niên đại trước năm 1832, tức khoảng 14 năm kể từ buổi biểu diễn đầu tiên. Có vẻ như trước thời gian này, bài hát chỉ được biết đến như là dân ca của xứ Tyrol.
Bản viết tay của ông Franz Xaver Gruber |
Vào khoảng năm 1832, Stille Nacht được trình bày trước công chúng ở Leipzig và lan tỏa khắp nơi với tốc độ nhanh như vũ bão. Tại Berlin, vua Phổ Friedrich Wilhelm đã ra lệnh cho dàn đồng ca nhà thờ xướng lên bài hát này tại lâu đài của mình vào mỗi dịp Noel. Đến năm 1854, dàn nhạc hoàng gia bổ sung Stille Nacht vào các tiết mục của dịp lễ cuối năm. Bài hát trở thành một phần không thể thiếu được trong các dịp tụ hội gia đình vào mùa Giáng Sinh và liên tục được trình diễn trong các chương trình hòa nhạc ở nhiều nhà thờ. Đáng tiếc là cha đẻ của Đêm thánh vô cùng Joseph Mohr không sống được đến thời khắc huy hoàng của đứa con tinh thần. Ngài qua đời vào năm 1848.
Đêm thánh vô cùng tiếp tục con đường chinh phục thế giới với các bản dịch tiếng nước ngoài đầu tiên. Đến năm 1873,bài hát “đổ bộ” vào Mỹ dưới cái tên “Chorale of Salzburg”. Năm 1891 bài hát “làm mưa làm gió” ở xứ Anh, Thụy Điển và phần lãnh thổ Ấn Độ dưới quyền kiểm soát của người Anh. Các nhà truyền giáo đã mang theo bài hát này đến Đông Phi, New Zealand và Nam Mỹ. Bản tiếng Việt của Stille Nacht - Đêm thánh vô cùng do nhạc sĩ Hùng Lân chuyển ngữ. Trong thế kỷ 21, bài hát này vẫn nhận được sự ưa chuộng đặc biệt, vượt qua các rào cản tôn giáo và văn hóa trên con đường tiếp tục chinh phục nhân loại.
Năm 2011, Đêm thánh vô cùng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Còn nhà thờ nhỏ được vinh dự diễn ra buổi biểu diễn đầu tiên cách đây 200 năm đã trở thành Nhà nguyện Đêm thánh vô cùng ở Oberndorf.
HỒNG HOANG
Ðình chiến nhờ bản nhạc huyền thoại Mùa hè 1914, thế chiến thứ nhất bùng nổ. Các bên tham chiến đều cho rằng đây sẽ là cuộc chiến ngắn hạn nên không có sự chuẩn bị đầy đủ. Kết quả là chỉ sau vài tháng, trên nhiều mặt trận, vũ khí, đạn dược bắt đầu trở nên cạn kiệt ở cả hai phía chiến tuyến. Các binh sĩ phải rút vào các chiến hào để cầm cự. Tháng 12.1914, chỉ sau vài tháng, chiến sự đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng. Tại mặt trận Saint-Yvon thuộc khu Ploegsteert của Bỉ, chiến hào của Anh và Ðức chỉ cách nhau vài chục mét. Những người lính rã rời vì trận mạc, vì chứng kiến quá nhiều cảnh giết chóc, tang thương. Ðêm Giáng Sinh, những mệt nhoài của thân xác bị bồi thêm nỗi nhớ nhà da diết. Thay cho ngày lễ ấm áp bên gia đình thì họ đang co ro trong lạnh lẽo với súng đạn, với một ngày mai không rõ sống chết. Giữa sự quạnh quẽ tưởng chừng vô cực, phía chiến hào của Ðức, ai đó hát Stille Nacht… Phía chiến hào Anh, Silent Night đáp lời, hòa nhịp… Ðèn được thắp lên, những người lính đối địch buông súng, tiến về phía no man’s land - vành đai trắng ở giữa hai chiến tuyến. Những cái bắt tay, viên kẹo, điếu thuốc làm quà Giáng Sinh, và thậm chí, còn tranh tài ở một trận bóng đá. Ngày 25.12.1914 đã khởi đầu cho một “truyền thống” đình chiến vào Noel. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, thế chiến thứ nhất đã cướp đi mạng sống của 10 triệu người, nhưng đêm Giáng Sinh và bài Ðêm thánh vô cùng năm ấy đã giữ cho niềm hy vọng vào tình người, vào hòa bình không bị tàn lụi. Lan Chi (theo France Télévisions |
Bình luận