Hôm 27.1.2015, nhiều vị lãnh đạo Công giáo đã tham gia lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan, nơi có 1,2 triệu người, phần lớn là Do Thái bị Đức quốc xã sát hại trong Thế chiến thứ hai. Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám mục giáo phận Cracovia, nơi có trại tập trung Auschwitz, đã chủ sự thánh lễ tưởng niệm tại Trung tâm đại kết Đối thoại và Cầu nguyện do Giáo hội thành lập tại Auschwitz. Đồng tế thánh lễ có Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan. Trong số những người tham dự có Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski và khoảng 150 cựu tù nhân tại trại tập trung.
Những đứa trẻ ở trại tập trung Auschwitz được Hồng quân Liên Xô giải phóng |
Trong bài giảng, Đức Hồng y Dziwisz nói: khi chúng ta đặt câu hỏi làm sao Thiên Chúa hiện diện trong hỏa ngục Auschwitz, chúng ta phải nhớ lời nói cuối cùng của Chúa là một lời an bình. An bình là hồng ân từ Thiên Chúa mà chúng ta phải cầu xin. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta họp nhau nơi đây để cầu nguyện trước khi đi một bước khác, và chúng ta phải đi bước ấy là rút ra những kết luận từ quá khứ và từ những chứng nhân của lịch sử. Đức Hồng y nói thêm rằng, vẫn còn phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của con người đối với những hành động tàn ác tại Auschwitz. Đồng thời ngài cũng xác định sự giải thoát trại tập trung này cũng nhắc nhở là hòa bình có thể đạt được nhờ cố gắng của con người. Ngài nhắc đến nhiều sáng kiến lớn được đề ra để luôn nhắc nhớ cho các thế hệ tương lai về quá khứ, đồng thời xây dựng tương lai trong tinh thần trách nhiệm.Tại trại trập trung này, 90% các tù nhân bị sát hại là người Do Thái, nhưng cũng có khoảng 100.000 người phần lớn là tín hữu Công giáo Ba Lan bị giết trong các lò hơi độc.
Lễ kỷ niệm chính thức 70 năm giải thoát trại Auschwitz do quân đội Liên Xô, được tổ chức với sự tham dự của các phái đoàn 40 quốc gia, cùng với 300 nạn nhân sống sót, và kết thúc với một buổi cầu nguyện liên tôn trại trung tâm Auschwitz.
Ngày kỷ niệm 70 năm giải phóng Trại tập trung Auschwitz cũng là ngày tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái vào Thế chiến thứ II. Đây cũng là cơ hội nhìn lại tình hình hiện nay, nhất là sau vụ tấn công của nhóm khủng bố quá khích tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris. Nhân dịp này Hội đồng đại diện các Cơ cấu Do Thái tại Pháp, cho biết tổng số các hành vi bài Do Thái trong năm 2014 tại Pháp đã gia tăng gấp đôi so với năm 2013. Riêng trong lãnh vực các hành vi bạo lực thể lý, con số này gia tăng đến 130%. Hội đồng đại diện các Cơ cấu Do Thái tại Pháp khẳng định rằng các hành vi bài Do Thái chiếm tới 51% tổng số các hành vi kỳ thị tại Pháp, trong khi người Do Thái chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số dân Pháp. Cộng đồng Do Thái tại Pháp ước lượng khoảng từ 500.000 đến 600.000 người, đây là cộng đồng Do Thái đông nhất tại Âu châu và đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Israel và Hoa Kỳ. Trong các vụ khủng bố từ ngày 7 đến 9.1.2015 tại Pháp đã có 17 người thiệt mạng, trong đó có 4 người Do Thái trong một siêu thị bán thực phẩm ở Paris. Sáng thứ ba 27.1, Tổng thống Pháp cũng viếng thăm đài kỷ niệm cuộc diệt chủng tưởng niệm 75.000 người Do Thái Pháp bị lưu đày trong thời thế chiến thứ hai, đại đa số chết trong trại tập trung Đức quốc xã. Sau đó Tổng thống Pháp cũng tham dự một nghi lễ tưởng niệm 70 năm Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan. Hiện diện trong nghi lễ này có nhiều vị nguyên thủ quốc gia. Nhân dịp này bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức đã lên tiếng tố giác các vụ bài Do Thái đang gia tăng mạnh trong nước Đức.
Quốc Việt
Bình luận