Người Công giáo chỉ là cộng đồng “tí hon” tại Bangladesh nhưng đã nhiều lần được đón tiếp các vị giáo hoàng. Đức Hồng y tiên khởi của nước này Patrick D’Rozario (ảnh) - Tổng Giám mục Dhaka - đã trao đổi với báo giới về chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
|
Chuyến thăm của Ðức Thánh Cha có ý nghĩa như thế nào đối với Bangladesh, thưa Ðức Hồng y?
- Ðức Hồng y D’Rozario:Ðối với Bangladesh, đây là cơ hội tôn vinh mối quan hệ đặc biệt với Vatican, được xây dựng từ sau những năm 1971-1972 (thời điểm chiến tranh tách Bangladesh khỏi Pakistan); quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập vào tháng 2.1973. Quan hệ giữa Bangladesh và Tòa Thánh dựa trên những giá trị giống nhau: đạo đức và tinh thần. Và chuyến thăm cũng là dịp tán dương sự tồn tại hài hòa giữa các tôn giáo, vốn là nền tảng mạnh mẽ cho xã hội của chúng tôi bất chấp một số xáo trộn.
Chuyến viếng thăm cũng cho phép người dân Bangladesh có cơ hội diện kiến Ðức Giáo Hoàng. Họ là những người nằm ở vùng ngoại biên, xa thành Rôma. Vì thế đây là cuộc gặp với Giáo hội của người nghèo, với Giáo hội phụng sự cho người nghèo. Và phần nào đó là cơ hội mà tiếng nói của người dân, mang theo những lo toan của họ, được lắng nghe và thấu hiểu.
Thưa Ðức Hồng y, các Kitô hữu Bangladesh mong đợi gì từ chuyến tông du này?
- Mọi người từ mọi nẻo đường đất nước tìm đến Ðức Phanxicô như những người hành hương. Ðể thấy được Ðức Thánh Cha, nghe ngài nói, và chạm vào ngài, để cùng nhau cầu nguyện, dự thánh lễ trên cùng một mảnh đất. Chuyến thăm của vị chủ chăn thành Rôma là bằng chứng cho tình yêu của ngài đối với tất cả chúng tôi. Ai nấy đều vô cùng hân hoan khi Ðức Giáo Hoàng quyết định thăm Bangladesh. Giáo dân từ mọi miền đều góp phần trong công tác chuẩn bị. Ðồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị về mặt tinh thần, với những buổi cầu nguyện trên khắp đất nước, và tổ chức những thánh lễ. Chúng tôi đang đáp lại lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong tháng 11: hãy cầu nguyện cho giáo hội ở châu Á, để các tín hữu thuộc những cộng đồng thiểu số có thể gieo hạt giống đối thoại, hòa hợp và thấu hiểu.
Ngài có thể cho biết về ơn gọi tại Bangladesh?
- Vào năm 1986, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II truyền chức cho 18 phó tế; Ðức Giáo Hoàng Phanxicô vừa phong cho 16 tân linh mục. Bấy nhiêu đã đủ mang đến sự hoan hỉ về ơn sủng của Thiên Chúa: chúng tôi có những vị muốn theo đuổi ơn gọi, sống đời tận hiến. Chúng tôi cũng bắt đầu gởi các tu sĩ đến châu Phi, châu Mỹ Canada và Papua New Guinea để tham gia vào sứ vụ truyền giáo. Vào ngày 13.11, tôi ghé thăm một gia đình mà người mẹ vừa qua đời. Trong số 10 đứa con của bà, 3 con trai trở thành linh mục và 3 con gái làm nữ tu. Hiện Bangladesh có 120 chủng sinh tại Chủng viện ở Dhaka.
Ðức Hồng y đã đến trại tị nạn Rohingya vào cuối tháng 9. Tình hình nơi đó thế nào?
- Tôi thăm trại tị nạn vào hai ngày 14-15.9, thời điểm khi mà dòng người Hồi giáo Rohingya vẫn cuồn cuộn đến. Tôi vui mừng khi thấy bất chấp mọi vấn đề tồn tại, những người tị nạn vẫn rất kiên cường. Tôi ghé một vài gia đình và lắng nghe câu chuyện bi thảm của họ. Vào ngày hôm ấy, một trăm trẻ chào đời. Tôi biết được có khoảng 18.000 thai phụ có mặt trong trại. Ở khu vực đó chưa có cộng đoàn Công giáo, nhưng chúng tôi muốn có mặt và sống tinh thần bác ái. Sau một sự trì hoãn không đáng kể, tổ chức Caritas Bangladesh đã được chính quyền “bật đèn xanh”, cho phép chúng tôi chăm sóc 40.000 gia đình. Chúng tôi đang dốc sức. Giáo hội vô cùng bé nhỏ của Bangladesh đang nỗ lực góp sức nâng đỡ người Rohingya khi họ phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện nay.
VÔ BA (Theo Churches of Asia - I.MEDIA)
Bình luận